xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tổ chức thi chỉ để tốt nghiệp: Không ổn!

Lan Anh - Đặng Trinh - Huy Lân

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn duy trì kỳ thi quốc gia nhưng chỉ để xét tốt nghiệp, trong khi tỉ lệ tốt nghiệp luôn xấp xỉ 100%, là quá lãng phí và đẩy khó cho nhiều phía

Sáng 21-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án tổ chức kỳ thi THPT 2020. Cuộc họp đã chọn phương án vẫn tổ chức thi nhưng sẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT thay vì kỳ thi hai mục đích như những năm qua.

Địa phương chịu trách nhiệm nhiều khâu

Theo phương án đề xuất của Bộ GD-ĐT, nếu dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể đi học trước ngày 15-6 thì vẫn quyết tâm tổ chức kỳ thi THPT vào giữa tháng 8-2020. Dù vẫn tổ chức thi nhưng tên gọi của kỳ thi năm nay sẽ là "kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020" thay vì thi THPT quốc gia. Kỳ thi sắp tới sẽ chỉ tập trung vào mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT thay vì kỳ thi hai mục đích như mấy năm vừa qua.

Các địa phương sẽ chịu trách nhiệm về khâu tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận. Người đứng đầu địa phương là người chịu trách nhiệm cao nhất về kỳ thi trên địa bàn mình phụ trách. Để tránh các tiêu cực có thể phát sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD-ĐT đưa ra các giải pháp tổng thể bảo đảm khách quan và chất lượng của kỳ thi. Cụ thể, nếu năm ngoái các trường ĐH cử cán bộ về địa phương coi thi thì năm nay cán bộ coi thi dự kiến hoàn toàn của các địa phương. Điều này nhằm hạn chế sự đi lại giữa nơi này với nơi khác, giáo viên sẽ luân chuyển từ trường này sang trường kia. Giáo viên dạy môn nào thì không được đi coi thi môn đó.

Tổ chức thi chỉ để tốt nghiệp: Không ổn! - Ảnh 1.

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại TP HCM.Ảnh: TẤN THẠNH

Bộ GD-ĐT cũng chịu trách nhiệm ra đề thi cho kỳ thi này trên toàn quốc. Đồng thời, xây dựng các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm kỳ thi an toàn cũng như trung thực, khách quan nhất. Duy trì mỗi học sinh một mã đề thi riêng, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi, tiếp tục thi trắc nghiệm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào các khâu coi thi, chấm thi. Chấm thi trắc nghiệm vẫn có sự giám sát của các camera.

"Bộ sẽ tăng cường công tác thanh - kiểm tra, giám sát để bảo đảm mục đích, yêu cầu của kỳ thi là khách quan, trung thực và minh bạch" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết. Ngoài lực lượng thanh tra của bộ và sở, năm nay còn có thêm lực lượng thanh tra thi của UBND tỉnh, thành. Các địa phương cũng phải công khai phổ điểm thi của thí sinh, báo cáo về Bộ GD-ĐT để lấy đó làm căn cứ đối sánh và giám sát kết quả thi.

Liên quan đến các môn thi tốt nghiệp, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng vẫn giữ nguyên các môn thi là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp. Tuy nhiên, bài thi tổ hợp sẽ tính điểm chung chứ không chia làm ba điểm thành phần như trước đây. Đề thi ở mức độ dễ hơn, độ phân hóa thấp hơn các năm trước do không còn sử dụng với mục đích xét tuyển ĐH.

Trên cơ sở các nội dung đã được bàn và thống nhất trong cuộc họp ngày 21-4, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay, trình xin ý kiến Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Không hề giảm áp lực!

Ngay sau khi có thông tin từ Bộ GD-ĐT, lãnh đạo các trường THPT và ĐH bày tỏ băn khoăn về phương án thi này.

Theo ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), phương án duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng chỉ dùng kết quả để xét tốt nghiệp là không hợp lý trong tình hình này. Nếu chỉ dùng kết quả của kỳ thi để xét tốt nghiệp thì có thể bỏ thi hẳn để giảm ngay áp lực cho học sinh từ thời điểm này, các địa phương sẽ có phương án công nhận tốt nghiệp khách quan, công bằng, bộ chỉ cần kiểm tra, giám sát nếu nghi ngờ kết quả. Việc xét tuyển thế nào để các trường ĐH, CĐ tự quyết định.

Ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng việc duy trì kỳ thi hai trong một trước đây với mục đích là giảm áp lực và tốn kém cho học sinh, vậy nếu nay tách rời thành kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp thì điều nhận thấy đầu tiên sẽ là tốn kém và áp lực! Thực tế, tỉ lệ tốt nghiệp hằng năm ở các địa phương tuy không phải là 100% nhưng cũng không phải là vấn đề đáng lo nếu Bộ GD-ĐT nghi ngờ đến mức phải tổ chức kỳ thi. Có nhiều cách đánh giá học sinh để công nhận tốt nghiệp hay không, chẳng hạn như học bạ các năm và học kỳ I lớp 12. Việc bộ vẫn duy trì kỳ thi tuy là phù hợp với Luật Giáo dục nhưng đẩy khó về nhiều phía; nhất là các trường ĐH, CĐ sẽ lên phương án tuyển sinh thế nào?

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP HCM), có thể Bộ GD-ĐT có lý khi đưa ra phương án như vậy vì đúng theo Luật Giáo dục, hơn nữa học sinh hiện nay cũng đã chủ động tìm hiểu các trường ĐH, ngành nghề mình quan tâm nên nếu các trường này có điều chỉnh gì thì các em sẽ có thay đổi và thích ứng kịp.

Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP HCM), nhìn nhận nội dung Bộ GD-ĐT trình là phù hợp với Luật Giáo dục, xét về pháp lý thì bộ trình phương án vậy không sai. Nhưng xét những yếu tố khác thì việc tổ chức một kỳ thi tầm quốc gia, trong tình hình ngành giáo dục và xã hội đang khó khăn do dịch bệnh - chỉ để công nhận tốt nghiệp cho học sinh thì khó có sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh và những người làm công tác giáo dục.

Bối rối, bị động và lo ngại kết quả thiếu khách quan

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 10, TP HCM cho rằng chưa rõ phương án cụ thể nhưng nếu thi chỉ để xét tốt nghiệp thì sẽ thi những môn gì, nếu chỉ 3 môn là toán, văn, ngoại ngữ như một đề xuất trước đây thì trường hợp các trường ĐH vẫn muốn dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển thì thế nào?

"Những em muốn vào trường mà tổ hợp xét tuyển không trùng với môn thi tốt nghiệp lại phải thi thêm hay sao? Thay đổi trong thời gian này là vô cùng rối. Các trường thời gian này vẫn ôn tập cho học sinh theo phương án giảm tải mà bộ vừa công bố, nay lại thay đổi thì việc ôn tập có phải chuyển hướng gì không?" - vị này đặt vấn đề.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh nghỉ dài nên chương trình đã tinh giản. Nếu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như những năm qua với sự tham gia của các trường ĐH, của các tổ chức xã hội thì rất tốn kém mà hiệu quả không đánh giá toàn diện được học sinh. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng với định hướng tổ chức kỳ thi THPT như năm nay thì rõ ràng là kỳ thi được giao về cho các địa phương nên kết quả kỳ thi cũng khó bảo đảm khách quan.

Vì kỳ thi được giao về cho địa phương nên ông Đỗ Văn Dũng cho biết Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM sẽ xét học bạ 5 học kỳ để tuyển sinh chứ không sử dụng kết quả kỳ thi. Với học sinh các trường chuyên, trường trong top 200 của cả nước, trường sẽ dành chính sách ưu tiên tuyển thẳng với khoảng 40% tổng chỉ tiêu vào trường.

Trước thông tin kỳ thi năm nay không còn là kỳ thi THPT quốc gia cho 2 mục đích, lãnh đạo Trường ĐH Luật TP HCM tỏ ra khá bối rối. PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP, cho biết năm nay trường đã công bố không tổ chức thi riêng; với tình hình này, trường phải công bố lại sẽ tổ chức thi, làm cho thí sinh rối thêm.

Theo ông Hải, một là thi thì giảm tải hoặc làm như năm ngoái, hai là không thi. Còn đã tổ chức thi, dù là chỉ để xét tốt nghiệp thì đề thi cũng cần phân hóa để đánh giá thí sinh. Vấn đề còn lại là khâu giám sát kỳ thi để bảo đảm khách quan, có chất lượng. Nếu Bộ GD-ĐT giám sát tốt thì kết quả vẫn đủ tin cậy để các trường dựa vào đó xét tuyển; còn nếu bộ chỉ thiết kế đề thi, các khâu còn lại giao cho địa phương mà không giám sát thì kết quả kỳ thi sẽ không đủ tin cậy

PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho hay ngày 22-4, hội đồng tuyển sinh của trường sẽ họp về phương án tuyển sinh năm 2020. Ông Triệu cho rằng trong bối cảnh các trường được tự chủ tuyển sinh thì hoàn toàn có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để làm cơ sở cho việc tuyển sinh của trường mình.

Theo Bộ GD-ĐT, khoảng 10% các trường có phương án tuyển sinh riêng, bao gồm các trường tốp trên, trường khối công an, quân đội, y dược; 28% các trường sử dụng học bạ để xét tuyển, chủ yếu thuộc các trường tốp dưới. Khoảng 60% số trường còn lại trong vòng 5 tháng tới phải lên kế hoạch tuyển sinh của mình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo