xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tranh cãi khi SGK Tiếng Việt 1 không dạy chữ P

Bài và ảnh: Yến Anh

Theo thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo của một nhà giáo, việc không dạy chữ P và âm "pờ" là một lỗi nghiêm trọng, vi phạm các quy định của pháp luật đã ban hành kèm theo bảng chữ cái của tiếng Việt

Bức xúc vì sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 - bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" không dạy chữ P độc lập, nhà giáo Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (TP Hà Nội), đã gửi thư ngỏ tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn vì cho rằng "sai sót này là không thể chấp nhận được".

Ảnh hưởng tới việc học tập

Trong thư phản ánh sách Tiếng Việt 1 - bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" không dạy chữ P độc lập, nhà giáo Đào Quốc Vịnh cho biết theo phản hồi tới ông của chủ biên SGK Tiếng Việt 1 trong bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống", sách này có dạy chữ P khi nó kết hợp với H tạo thành PH đọc là "phờ", chưa dạy chữ P khi đứng trước các nguyên âm vì rất ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là từ ngoại lai.

Theo nhà giáo Đào Quốc Vịnh, SGK cho học sinh (HS) phổ thông, nhất là cấp tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chứ không phải chỉ dạy riêng cho HS người Kinh. "Sai sót này là không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng tới việc học tập của con em đồng bào các dân tộc. Bộ GD-ĐT và các cơ quan hữu trách cần vào cuộc yêu cầu Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, cụ thể là Tổng chủ biên bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống", cần bổ sung ngay việc dạy chữ P, đưa nó trở lại mục lục của cuốn sách, ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy định" - nhà giáo gửi ý kiến đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành cũng nêu thống kê nhanh những địa danh, tên người cụ thể có chữ P đứng trước nguyên âm và khẳng định đó không phải là những từ ngoại lai. Ví dụ ở Lai Châu có các xã Pa Ủ, Pa Vệ Sử, Pa Tần, Pu Sam Cáp, Pa Khóa, Pa Vây Sử, Pắc Ta, Pú Đao, Nậm Pì. "Hy vọng Bộ trưởng sớm chỉ đạo việc này để các cháu người dân tộc được học chữ P một cách danh chính ngôn thuận bằng hướng dẫn ngay trong SGK, vừa không gây khó cho giáo viên vừa giúp HS học xong lớp 1 biết đọc tên xã, tên trường, tên cha mẹ mình, thậm chí chính tên mình. Chưa kể tên một số dân tộc cũng có chữ P trước một nguyên âm nên việc không dạy chữ P và âm "pờ" là một lỗi nghiêm trọng, vi phạm các quy định của pháp luật đã ban hành kèm theo bảng chữ cái của tiếng Việt" - nhà giáo Đào Quốc Vịnh nêu ý kiến. Quan điểm của nhà giáo Đào Quốc Vịnh nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà văn và đồng nghiệp.

Tranh cãi khi SGK Tiếng Việt 1 không dạy chữ P - Ảnh 1.

Sách giáo khoa lớp 1 - bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” đang gây tranh cãi

Tổng chủ biên: Có dạy chữ P

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 24-2, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 - bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống", khẳng định sách có dạy chữ P (pê), âm đầu và âm cuối P (pờ) (ghi bằng chữ P). Theo ông Hùng, bảng chữ cái trong SGK Tiếng Việt 1 - bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GD-ĐT (trang 12, tập một). Đây là quy định "cứng", không có bất kỳ bộ SGK nào dám thay đổi và không có lý do gì để thay đổi. Ở nhiều bài học trong bộ sách này, HS được học và luyện viết chữ P qua ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen… (trang 78, 118, 120, 124… tập một). Ở tập hai, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ P không thể tính hết. Vì vậy, ý kiến cho rằng Tiếng Việt 1 không dạy chữ P là hoàn toàn không có cơ sở.

Về vấn đề là dạy âm P (pờ) (được ghi bằng chữ P, chữ pê) như thế nào, ông Hùng cho hay trong tiếng Việt, âm P xuất hiện chủ yếu là cuối âm tiết. Trong một số trường hợp, xuất hiện đầu âm tiết. "Qua loạt bài dạy vần ở tập một như ap, ăp, âp (trang 118); op, ôp, ơp (trang 120); ep, êp, ip, up (trang 124)… và những từ như đã nêu ở trên (cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,…), có thể thấy rõ sách có dạy âm P cuối và dạy nhiều. Còn về việc dạy âm đầu P (pờ), tất cả bộ sách Tiếng Việt 1 đều phải đạt được mục tiêu học xong lớp 1, HS có khả năng đọc được các từ như đèn pin, Sa Pa, Nậm Pì…" - chủ biên SGK Tiếng Việt 1 - bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" nói.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng mỗi bộ sách có thể có những cách khác nhau. Cách thứ nhất, dạy âm đầu P (âm pờ) trong bài dạy âm PH (âm phờ). Trước khi học âm PH, các em được luyện đọc âm P, chứ không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P. Cách thứ hai, sẽ dạy âm P riêng và đưa những "từ ứng dụng" như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô để HS tập đọc và phát triển vốn từ.

"SGK Tiếng Việt 1 của Bộ GD-ĐT (theo chương trình Tiếng Việt năm 2000) đã áp dụng cách thứ nhất và rất quen thuộc với đông đảo giáo viên dạy Tiếng Việt lớp 1 trên cả nước trong 20 năm qua. SGK Tiếng Việt 1 - bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" kế thừa cách dạy này. Sau khi làm quen, tập đọc âm P ngay trước khi học âm PH thì HS được luyện đọc âm đầu P trong một số bài học sau đó; chẳng hạn, khi học vần IN, các em luyện đọc và viết từ đèn pin (trang 78, tập một), luyện đọc từ Sa Pa trong đoạn văn viết về Tây Bắc (trang 105, tập một) và trong bài đọc "Ruộng bậc thang ở Sa Pa" (trang 154, tập hai)" - ông Hùng nói.

Chuẩn cho tiếng Việt gồm 29 chữ cái

Theo Quyết định số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 14-6-2002, bảng chữ cái chuẩn cho tiếng Việt gồm 29 chữ cái, trong đó có phụ âm P. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lúc đó là bà Đặng Huỳnh Mai đã ký ban hành Mẫu chữ viết trong trường tiểu học gồm 29 chữ cái, trong đó có chữ P.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo