xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tự chủ phổ thông: Cần giám sát, minh bạch

ĐẶNG TRINH

Tự chủ ở bậc phổ thông nếu không cẩn trọng sẽ khiến trường công trở thành trường tư, tài sản nhà nước chuyển thành sở hữu tư nhân

Trong thực tế, vấn đề tự chủ đã được quy định trong giáo dục phổ thông từ hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, tại các trường, tự chủ cũng chỉ dừng ở mức độ quyền tự bảo đảm các khoản chi.

Học phí thấp khó tự chủ tài chính

Tại TP HCM, đến nay, Trường Phổ thông Nam Sài Gòn là trường duy nhất được "tiếng" tự chủ hoàn toàn về vấn đề tài chính. Tuy nhiên, dù là tự chủ hoàn toàn, trường vẫn bị áp trần các khoản thu cùng với quy định không được tăng học phí suốt 20 năm qua. Vì thế, dù là tự chủ hoàn toàn nhưng trường vẫn không được tự quyết định các khoản thu để bổ sung đội ngũ và tái đầu tư cơ sở vật chất.

Tự chủ phổ thông: Cần giám sát, minh bạch - Ảnh 1.

Học sinh một trường THCS tại TP HCM mừng năm học mới Ảnh: TẤN THẠNH

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, tự chủ tài chính hoàn toàn đối với các trường công lập là việc rất khó khăn, cần tháo gỡ nhiều về cơ chế, chính sách. Có như thế mới phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục. Theo sở, với quy định mức thu học phí thấp như hiện nay, chỉ cho phép thu mức cao nhất là 400.000 đồng/học sinh/tháng thì các trường không thể tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Vừa qua, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến, trong đó có vấn đề tự chủ phổ thông. Nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà giáo cho rằng cần phải sửa nhiều quy định bất hợp lý trong luật cũ. Tuy nhiên, nếu không làm cẩn thận, việc tự chủ về tài chính sẽ nảy sinh biến tướng vì liên quan đến kinh tế.

Dễ biến tướng, lạm quyền

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng tự chủ tài chính hoàn toàn là không dễ thực hiện và mâu thuẫn trong bối cảnh tiến tới không thu học phí ở bậc phổ thông. Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, tự chủ tài chính hoàn toàn ở bậc phổ thông là không thể, dù ngân sách đầu tư cho các trường phải tính toán lại.

Ông Tống băn khoăn: Các trường nói dựa vào nguồn thu xã hội hóa nhưng phải làm rõ nguồn thu từ đâu? Nếu xã hội hóa mà thu từ phụ huynh thì không khác gì thu học phí và các khoản đóng góp khác ngoài học phí như hiện nay. Theo ông Tống, lâu nay, cụm từ xã hội hóa dễ bị lạm dụng vì thực chất, ý nghĩa của nó là tư nhân hóa. Mà khi đã tư nhân hóa thì dễ biến tướng, phát sinh nhiều rủi ro vì tài sản trường công lâu nay là của nhà nước.

Khoản 2, điều 58 dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi quy định trường công lập được thực hiện quyền tự chủ, trong đó ngoài nhân sự còn được tự chủ về tài chính. Hiệu trưởng một trường THPT ở TP HCM cho rằng quy định này là cần thiết để mỗi trường có trách nhiệm hơn với chính cơ sở mình quản lý, tạo nét riêng và cũng là cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục. "Nhưng bên cạnh đó, cơ chế kiểm tra, giám sát phải công khai. Rõ ràng tài chính là lĩnh vực nhạy cảm và rất dễ có tiêu cực. Muốn thế, phải quy định cụ thể trách nhiệm của lãnh đạo từng trường" - vị này nhìn nhận.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng khi giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông, dù là tài chính hay nhân sự, đòi hỏi trách nhiệm người đứng đầu, tức hiệu trưởng, là rất lớn. Vì thế, cần phải có quy định liên quan tới hiệu trưởng, thậm chí là các thành viên của hội đồng trường, nhằm định hướng, đưa ra quyết sách và giám sát hoạt động của những người đứng đầu.

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu trưởng phải từ nhiều nguồn và công khai, minh bạch. Trường hợp nào đáng khen hay cần uốn nắn, chấn chỉnh cũng phải công khai để dư luận và phụ huynh học sinh được biết. 

Tránh đầu tư cào bằng

Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, vì rất khó tự chủ tài chính hoàn toàn nên nếu muốn "cởi trói" cho các trường, tránh đầu tư cào bằng trong giáo dục, cần có quy chế, quy định về nhận tiền hiến tặng thế nào, công khai ra sao.

"Rất nhiều cựu học sinh được hưởng thành quả giáo dục từ nhà trường, nay muốn quay lại đóng góp. Nhưng cho đến nay, chưa có quy định nào công khai, rõ ràng để các trường được nhận những khoản đóng góp đó. Vì thế, có trường hợp phải chuyển tiền thành việc mua sắm ghế đá. Đến nỗi, có trường không còn chỗ để bày ghế" - ông Tống dẫn chứng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo