xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xem xét kỹ việc học hàng loạt ngoại ngữ

LÊ THOA

Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa cùng lúc quá nhiều ngoại ngữ vào chương trình phổ thông sẽ thêm gánh nặng, trong khi việc đào tạo tiếng Anh vẫn chưa hiệu quả

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung Quốc hệ 10 năm trở thành ngoại ngữ thứ nhất, bắt đầu từ lớp 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Ngoài ra, các ngoại ngữ thứ hai mà Bộ GD-ĐT dự kiến đưa vào trường học bao gồm tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Đức. Những nội dung này tạo nên nhiều ý kiến trái chiều.

Không thể đại trà

TS Nguyễn Thị Hằng, phụ trách Khoa tiếng Nga của Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết hiện nhu cầu về tiếng Nga vẫn còn rất nhiều nhưng trình độ nhân sự chúng ta chưa đáp ứng được. Giảng viên này cho rằng phụ huynh lo lắng việc đào tạo đại trà tiếng Nga, tiếng Trung cho con mình cũng có lý vì hiện nay, nhìn bề nổi thì thấy nhu cầu không nhiều. Tuy nhiên, nếu được đào tạo, hướng đi đúng đắn từ nhỏ, lớn lên các em sẽ có sự đam mê, chắc chắn người học sẽ có việc, đặc biệt trong lĩnh vực thủy hải sản, du lịch hiện nước ta rất cần nhân lực giỏi tiếng Nga. “Chủ trương là vậy nhưng việc thực thi như thế nào cần xem xét kỹ lưỡng. Nơi nào có nhu cầu, có điều kiện thì mới áp dụng chứ không phải đại trà được” - bà Hằng nêu quan điểm.

Học sinh tại TP HCM trong giờ học tiếng Anh Ảnh: TẤN THẠNH
Học sinh tại TP HCM trong giờ học tiếng Anh Ảnh: TẤN THẠNH

Theo TS Châu A Phí, Phó trưởng Khoa tiếng Trung Trường ĐH Sư phạm TP HCM, ngoại ngữ thường được lựa chọn theo sự phát triển kinh tế của đất nước. Do đó, phụ huynh quan tâm việc học ngoại ngữ có ứng dụng được hay không, đi làm được hay không, có nhiều môi trường làm việc hay không là hoàn toàn chính đáng. Ông Phí cho rằng muốn có những nhân lực tiếng Trung nói riêng và các ngoại ngữ khác nói chung thực sự tốt, phải có sự đào tạo từ cấp dưới đi lên. Nếu có nền vững chắc từ dưới đi lên sẽ có những chuyên gia dịch thuật, chuyên viên dịch cao cấp giỏi. Lên ĐH mới chọn ngoại ngữ để đào tạo thì sinh viên ra trường vẫn đi làm được nhưng đạt mức xuất sắc thì khoảng cách còn xa.

“Muốn có những nhân tài giỏi ở các loại ngoại ngữ, phải ươm mầm từ cấp thấp. Tuy nhiên, cần chuẩn hóa đội ngũ giảng viên vì nếu không chuẩn, không tốt sẽ đào tạo “hư cả một thế hệ”, phí phạm tiền của. Ngoài ra, cần chú trọng các yếu tố khác như giáo trình, cơ sở vật chất...” - ông Châu A Phí nhấn mạnh.

Học sinh khó kham nổi

GS-TS-NGND Bùi Khánh Thế, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, cho biết trong bối cảnh xã hội hiện nay, sinh viên, trí thức nước ta trước hết phải học tiếng mẹ đẻ thật tốt, sau đó chọn ngoại ngữ nào cần thiết nhất cho hoạt động khoa học, phục vụ đất nước hiện nay làm ngoại ngữ chính.

“Ngày xưa, tôi có học tiếng Nga nhưng đó là giai đoạn sau năm 1954, lúc bấy giờ ngôn ngữ này rất cần cho xã hội. Tuy nhiên, tình hình xã hội hiện nay đã thay đổi, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ có tính chất toàn cầu, công cụ giao tiếp” - GS Thế nói. Theo GS Thế, học sinh hiện nay được học quá nhiều môn, các em không có thời gian để học quá nhiều ngoại ngữ. Nếu đưa cả tiếng Nga, tiếng Trung, cả học sinh phổ thông cũng như sinh viên sẽ không kham nổi. “Mỗi giai đoạn lịch sử có một nhu cầu về ngoại ngữ khác nhau. Đất nước vẫn có nhu cầu nhất định về nhân lực biết các ngoại ngữ ngoài tiếng Anh nhưng chỉ nên tập trung đào tạo thật tốt một đội ngũ nhất định, không nên đưa vào dạy học đại trà. Tôi nghĩ hiện giờ Bộ GD-ĐT nên tập trung đào tạo thật tốt tiếng Anh” - GS Thế đề nghị.

Một chuyên gia khác cũng cho biết học tiếng Trung, tiếng Nga không phải là không tốt nhưng chỉ nên là ngoại ngữ 2. Nếu lấy 2 thứ tiếng này làm ngoại ngữ thứ nhất thì học sinh sẽ phải học thêm tiếng Anh, như thế lại chất thêm gánh nặng cho trẻ em.

Phát biểu trên trang cá nhân, GS-TS Trần Đình Sử cũng nêu quan điểm tiếng Anh là ngôn ngữ có tính ứng dụng quốc tế, giúp người Việt có thể đi lao động nhiều nước, đọc được các văn bản văn học, khoa học có giá trị nhất. “Hiện tiếng Anh gắn với các nước tiên tiến về công nghiệp, dịch vụ, y tế, giáo dục. Còn tiếng Trung chỉ đơn thuần là ngôn ngữ của một nước lớn. Tôi đề nghị chủ trương này phải đem thảo luận ở Quốc hội, sau đó mới thi hành vì dạy ngoại ngữ là một vấn đề quốc sách” - ông Sử viết.

Quá tham vọng, ôm đồm!

Việc đưa hàng loạt ngoại ngữ vào trường học của Bộ GD-ĐT ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các chuyên gia cũng như phụ huynh học sinh.

Một chuyên gia của ĐHQG Hà Nội băn khoăn nguồn lực giáo viên hiện có đáp ứng đủ cho việc triển khai nhiều ngoại ngữ cùng lúc? “Trên thực tế, nhiều địa phương triển khai dạy tiếng Anh còn nhiều bất cập do thiếu giáo viên hoặc giáo viên còn chưa đạt chuẩn. Mở ra nhiều ngoại ngữ chắc chắn sẽ gây khó khăn cho việc tìm kiếm đội ngũ giáo viên khi nhiều trường từ lâu đã bỏ tiếng Nga và giáo viên lại phải chuyển sang học tiếng Anh để hợp xu thế” - chuyên gia này nói.

Giám đốc một trung tâm tiếng Anh đóng tại quận Ba Đình, Hà Nội cũng cho rằng đội ngũ giáo viên tiếng Anh dù đã được đào tạo nhiều nhưng vẫn chưa đạt chuẩn. Trong khi đó, giáo viên tiếng Nhật, tiếng Trung không nhiều, nếu không muốn nói là rất thiếu. Việc giảng dạy các ngoại ngữ này “không chuẩn” sẽ ảnh hưởng nhiều đến học sinh tiểu học.

Một chuyên gia phân tích để đưa tiếng Trung, tiếng Nga vào giảng dạy chương trình chính thức, cần phải có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản. Liệu ngành giáo dục có thể làm tốt việc này khi giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn hiện vẫn còn rất “khan hiếm”? “Tôi thấy Bộ GD-ĐT quá tham vọng và ôm đồm. Liệu khi đưa ra kế hoạch này, Bộ GD-ĐT đã tính toán kỹ đến việc đào tạo giáo viên, giáo trình - sách giáo khoa để triển khai đến các trường ngay trong năm học tới?” - chuyên gia này đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, cũng thừa nhận Đề án Ngoại ngữ 2020 đã đặt ra mục tiêu quá cao, chưa tính được tính khả thi, việc đưa tiếng Anh ở nước ta từ nền tảng thấp trong giáo dục (kết quả thi phổ thông rất kém) thành ngôn ngữ thứ 2 sẽ gian truân và đòi hỏi thời gian dài. Theo ông Hùng, một xã hội hiện đại cần phát triển nhiều thứ tiếng, tiếng Anh đứng ở vị trí ngôn ngữ thứ hai, nghĩa là cao nhất, chỉ sau tiếng mẹ đẻ. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh mỗi học sinh không phải bắt buộc học 3-4 thứ tiếng trong nhà trường mà chỉ bắt buộc tiếng Anh, còn các thứ tiếng khác là tự chọn, ai muốn học gì thì học thêm. Đó là mối quan hệ giữa “tạo điều kiện và nhu cầu xã hội”. Như vậy, không phải nhà trường nào cũng phải dạy nhiều ngoại ngữ cùng một lúc.

Theo một giảng viên sư phạm, để đào tạo ra một lứa giáo viên giảng dạy tiếng Nga hay tiếng Trung cần ít nhất từ 4-5 năm nên sẽ khó khăn nếu vội vàng áp dụng. Do đó, Bộ GD-ĐT tốt nhất nên tập trung đào tạo tiếng Anh cho học sinh thật tốt ở giai đoạn này. Ngoài tiếng Anh mang tính chất phổ biến như một công cụ giao tiếp quốc tế, các ngoại ngữ khác như tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Hàn, tiếng Nhật chỉ nên coi là ngoại ngữ thứ hai tự chọn, không bắt buộc.

Yến Anh

Kỳ trước: Hàng loạt ngoại ngữ vào trường học

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo