xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không nghe, không thấy, không biết

Y Qua

Báo Người Lao Động vừa phản ánh trường hợp xây biệt phủ trên đất nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau. Ngày 16-2, tỉnh này cho hay đang lập phương án cưỡng chế tháo dỡ sau khi thời gian cho tự tháo dỡ đã hết song chủ hộ không chấp hành.

Biệt phủ được xây trên 2 thửa đất, riêng khối nhà chính có diện tích xây dựng 294,79 m2, 3 tầng kết cấu móng bê-tông cốt thép, tường xây gạch, sàn bê-tông cốt thép (đã hoàn thành khoảng 90%).

Trường hợp khác, ở Gia Lai, ông N.T.K xây biệt phủ 3 mặt "view ruộng" trên diện tích đất nông nghiệp 2.287,8 m2 tại xã Chư Á, TP Pleiku từ năm 2021. Đến cuối năm 2022, UBND TP Pleiku ra quyết định cưỡng chế, buộc phá dỡ...

Trong nhiều năm, 58 hộ gia đình và cá nhân xây dựng 64 công trình trái phép trên đất nông nghiệp dọc Quốc lộ 27 (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) để ở, kinh doanh và đón đầu giá nhà đất tăng khi có dự án đi qua, nếu bị giải tỏa thì được đền bù khoản lớn.

Chuyện khác, còn đang nóng, là 79 biệt thự xây dựng trái phép tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ba đối tượng liên quan đã bị khởi tố bị can, hiện mới chỉ có 2 biệt thự bị cưỡng chế tháo dỡ, 77 căn còn lại chưa rõ số phận.

Và, người viết bài này từng vào, ra một số sân tập lái ôtô bề thế ở huyện Bình Chánh, TP HCM mà không hề nghĩ đó là sân tập xây trái phép. Mới đây mới hay tin tại huyện này đang có hơn chục sân tập như thế, mỗi sân rộng hàng chục ngàn mét vuông, hầu hết được xây trên đất nông nghiệp.

Điểm chung của những vụ việc kể trên là công trình đồ sộ, thi công trong thời gian dài, công khai chứ chẳng lén lút gì mà vẫn trót lọt. Người dân biết hết, có trường hợp dân thấy sai nên làm đơn tố cáo gửi cơ quan công quyền, song đều rơi vào im lặng. Các cơ quan chức năng địa phương, cán bộ chuyên trách xây dựng, địa chính… lẽ nào không biết, không thấy; tại sao chẳng có động thái ngăn chặn từ đầu?

Hỏi cũng là trả lời. Không thể nói chính quyền cơ sở và cán bộ chuyên trách vô can. Chẳng hạn như vụ ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) có cả một số cán bộ, nguyên cán bộ nhà nước tham gia xây dựng trái phép. Hay như ở Phú Quốc, 19 ha đất công được giao cho UBND xã Dương Tơ trực tiếp quản lý, ấy vậy mà tư nhân đem xây 79 biệt thự, phân lô 200 m2 - 350 m2/căn, bán 8-10 tỉ đồng/căn, giao dịch ì xèo như giữa chốn không người. Điều gì đã che mắt họ, nếu không phải là vì lợi ích vật chất hoặc do quyền lực lớn hơn?

Người dân bình thường, nói chung, ai có sửa nhà, xây rào, dựng chái…, mới đổ vài khối cát, bốc dỡ dăm xe gạch, chỉ vài phút sau là có cán bộ trật tự đô thị, xây dựng, địa chính tới "hỏi thăm" ngay.

Cho nên, những công trình trái phép ngạo nghễ mọc lên rõ ràng là chuyện "con voi chui lọt lỗ kim". Nếu không bị tố giác, không có dư luận, được tiếp tục bao che, thì chúng sẽ tồn tại, bẻ cong pháp luật.

Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước pháp quyền phải là Nhà nước phục vụ, do vậy không thể dung dưỡng những cán bộ "thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh" và chăm chăm vơ vét để đầy túi tham cho mình. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo