xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khoa học đối đầu SARS-CoV-2

ANH THƯ

Từ nơi “hồng tâm” cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TP HCM, nhiều nghiên cứu khoa học đã hoàn thành, được nhiều tạp chí y học quốc tế công bố rộng rãi.

1. Đầu tháng 6-2020, tiến sĩ Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ cao cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuyên bố rằng người nhiễm Covid-19 không triệu chứng không phải là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh bởi điều đó "rất hiếm", "không tìm thấy sự lây truyền thứ cấp".

Khoa học đối đầu SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Tuyên bố trên gây ra làn sóng phản đối khắp thế giới, buộc WHO phải cải chính, bởi đi ngược lại nhiều nghiên cứu về người bệnh Covid-19 không triệu chứng. Trong số các nghiên cứu đó có công trình từ Việt Nam được Tạp chí khoa học Clinical Infectious Diseases của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ (IDSA) công bố trước đó chỉ vài ngày. Nghiên cứu chỉ ra rằng 43% bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM giai đoạn đó hoàn toàn không có triệu chứng và 2 người trong số này đã lây truyền thứ cấp cho 4 người khác!

Hồi tưởng lại những ngày thực hiện nghiên cứu đó, 2 tác giả đứng đầu là TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM) và TS Lê Văn Tấn (Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford - OUCRU, đặt tại TP HCM) nói vui: "Nhiều người trong nhóm chúng tôi nói rằng bây giờ nhìn lại, không biết vì sao mình có thể vượt qua".

Đó là những ngày phòng xét nghiệm nơi đây sáng đèn 24/24 giờ. Các nhân viên y tế vừa phải điều trị cho bệnh nhân 91 (phi công người Anh) vừa phải "chia lửa" với các đơn vị khác trên địa bàn TP HCM xét nghiệm cho những người liên quan đến chùm ca này, những người nhập cảnh đang được cách ly... vừa thực hiện nghiên cứu. Cuộc chiến chống dịch cũng không kém phần nóng bỏng ở các đơn vị cùng tham gia: Sở Y tế TP HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Khoa Y Nuffield thuộc Trung tâm Y học nhiệt đới và Sức khỏe toàn cầu Đại học Oxford (Anh)...

30 người trong số các bệnh nhân trong đợt đó ở TP HCM đã chấp thuận đồng hành với nhóm nghiên cứu để tìm ra câu trả lời. Nhằm có bằng chứng xác thực nhất, họ được xét nghiệm dịch phết mũi họng lẫn nước bọt hằng ngày. 13 người không có bất kỳ triệu chứng nào dù mơ hồ nhất trong suốt thời gian kết quả PCR dương tính. Họ có tốc độ thanh thải virus nhanh hơn những người có triệu chứng nhưng vẫn lây. Kết quả này đã giúp giải thích sự lây lan khó kiểm soát của virus: không chỉ qua các giọt bắn khi ho mà còn qua nước bọt khi hôn, nói chuyện. Ngoài ra, điều này cho thấy lời khuyên đeo khẩu trang cả khi không có triệu chứng của y tế Việt Nam tuy "khác người" so với thế giới nhưng đã đúng!

2. Giữa tháng 10-2020, Tạp chí khoa học Emerging Infectious Diseases của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tiếp tục đăng tải nghiên cứu khác của nhóm khoa học gia do 2 tác giả đứng đầu là TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu và TS Lê Văn Tấn. Đó là câu chuyện về sự kiện "siêu lây nhiễm" ở quán Buddha (quận 2, TP HCM), cũng là câu trả lời cho một lời khuyên "không giống ai" khác tại Việt Nam: hãy mở cửa, mở quạt để phòng dịch.

Bằng cách giải trình tự bộ gien SARS-CoV-2 thu từ các bệnh nhân trong chùm ca này, họ khẳng định được chúng giống nhau gần như tuyệt đối, từ đó cho thấy buổi tiệc đêm 14-3 ở quán Buddha đúng là điểm khởi nguồn chung gây ra chùm ca 19 người. Bài công bố nhấn mạnh nguyên nhân khiến mầm bệnh phát tán nhanh đến đáng sợ ở đây là một không gian kín, thông gió kém.

Khoa học đối đầu SARS-CoV-2 - Ảnh 2.

Một công đoạn trong quy trình xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TS Lê Văn Tấn nhớ lại điểm khởi đầu của cuộc chiến: "Đó là ngày nghỉ Tết Tây 1-1. Tôi lên mạng xã hội, đọc được về căn bệnh mới. Không ai dám khẳng định gì về nó. Tôi vội vã liên lạc với TS Châu. Nghỉ Tết Tây xong, chúng tôi bắt đầu".

Một năm trước, khi hầu hết người dân Việt đang bận rộn lẫn háo hức chuẩn bị cho cái Tết nguyên đán, TS Lê Văn Tấn, TS Vĩnh Châu và các cộng sự dốc sức để thiết kế ra một phương cách xác định căn "bệnh lạ" bằng kỹ thuật gọi là "metagenomic". Nếu bệnh nhân có nguy cơ cao, họ sẽ giải trình tự các vật liệu di truyền lấy từ dịch phết mũi họng. Trong đó có vật liệu di truyền của người và có thể là của cả virus. Đem đối chiếu với cơ sở dữ liệu có sẵn, họ sẽ "bắt" được virus lạ, hiểu được bộ gien của nó từ khi quy trình xét nghiệm PCR vẫn chưa được hình thành. Kỹ thuật này vô cùng cần thiết trong điều kiện xuất hiện sớm ca bệnh mới, chưa có đối chứng để thực hiện PCR, đồng thời đem lại những viên gạch nền quan trọng cho xét nghiệm PCR về sau. Công trình này cũng đăng tải trên Clinical Infectious Diseases.   

3. "Nếu em không... sợ anh" - đó là câu nói vui mà nhiều bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM đã trả lời tôi trong suốt mùa dịch này, khi tôi đề nghị được gặp họ để phỏng vấn trực tiếp, tại chính nơi họ đang làm việc. Bởi lẽ đằng sau những lời ngợi ca, nhiều nhân viên y tế làm công tác phòng chống dịch đã phải nhận ánh mắt nghi ngại từ người khác khi tiếp xúc, cho dù trong những giai đoạn có nguy cơ thì họ đã tuân thủ cách ly, còn khi có thể về với gia đình hay gặp gỡ mọi người, họ đã an toàn.

Một lần nữa, họ trả lời bằng khoa học và cũng là một cách để kiểm tra lại bản thân xem mình đã tự bảo vệ đúng mức khi tham gia chống dịch chưa. Những nhân viên y tế nhận nhiệm vụ đối đầu Covid-19 hiểu rõ rằng sự an toàn của bản thân còn là một trách nhiệm: họ cần phải khỏe mạnh để tiếp tục công việc trong những ngày "nước sôi lửa bỏng", cũng như để bảo vệ những bệnh nhân khác và gia đình mình. Vì thế, họ đã tham gia nghiên cứu mới trên chính bản thân mình.

480 người từ nhân viên y tế trực tiếp điều trị các bệnh nhân Covid-19, hay những nhân viên xét nghiệm đã xử lý hơn gần 50.000 mẫu, trong đó có nhiều mẫu dương tính đã được xác nhận; rồi bộ phận văn phòng, bảo vệ, vệ sinh... đã được xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR và cả xét nghiệm kháng thể. Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, xét nghiệm kháng thể giúp kiểm tra chắc chắn những người tham gia chưa từng bị bệnh. Vì nếu họ từng bệnh mà không có triệu chứng, không hay biết thì vẫn sẽ có kháng thể!

Công bố trên Tạp chí khoa học Journal of Infection của Hội Nhiễm trùng Anh Quốc vào giữa tháng 11-2020, nghiên cứu khẳng định tỉ lệ lưu hành huyết thanh SARS-CoV-2 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ và cả "đội đặc nhiệm" tiếp sức cho Quảng Nam đợt dịch ở miền Trung vừa qua là 0%, chỉ nhờ việc kiên trì và cẩn trọng thực hiện đúng những gì mình được tập huấn về mặc/cởi đồ bảo hộ, khử trùng, các thao tác y khoa cho bệnh nhân nặng... Đây là một con số đặc biệt, bởi lẽ các thống kê ở nhiều bệnh viện trên khắp thế giới cho thấy tỉ lệ nhân viên y tế bị nhiễm virus này lên tới 1,2%-17,4%.

"Trong suốt quá trình điều trị một bệnh mới, bao giờ cũng cần vừa điều trị vừa nghiên cứu khoa học. Khi mới bắt đầu, chúng ta chữa cho bệnh nhân và phòng dịch bằng các kiến thức đúc kết từ các bệnh tương tự trong quá khứ. Nhưng sau đó, chính công tác nghiên cứu sẽ giúp việc điều trị và kiểm soát căn bệnh này tốt hơn” - TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo