Ý KIẾN
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM:
Theo dõi sát diễn biến giá
Trong buổi làm việc với Bộ Công Thương về tình hình hàng Tết mới đây, các DN TP HCM đều cam kết chuẩn bị đủ nguồn hàng và giữ ổn định giá hàng Tết. Ba chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức cũng cam kết theo dõi chặt diễn biến số lượng, giá cả hàng hóa nhập chợ, báo cáo hằng ngày để Sở Công Thương chủ động nắm tình hình diễn biến giá thị trường. Hiện diễn biến giá cũng như việc luân chuyển hàng hóa tại thị trường TP HCM đang bình thường, các sở ngành đang theo dõi sát sao nếu có biến động đột biến sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời.
Đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính:
Thận trọng tăng giá xăng dầu, giáo dục
Lạm phát năm 2018 dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bởi lộ trình điều chỉnh giá các dịch vụ do nhà nước quản lý. Tuy nhiên, tác động lớn nhất đến CPI sẽ là mặt hàng xăng dầu. Dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tăng khoảng 5%-15% trong năm 2018, tác động vào CPI chung khoảng 0,28%-0,64%. Nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 8% - 10%, tác động khoảng 0,3% vào CPI chung. Giá dịch vụ khám chữa bệnh tác động làm tăng CPI khoảng 0,17% nếu các địa phương còn lại điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bênh. Giá điện trước mắt cũng làm tăng CPI khoảng 0,1% do việc tăng giá cuối tháng 12-2017.
Đặc biệt, với việc tăng giá điện, Bộ Công Thương cần phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động (trực tiếp và gián tiếp) của việc điều chỉnh giá điện ngày 1-12-2017 đến chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm 2018, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để tránh tạo dư luận trong xã hội và kỳ vọng về lạm phát. Đồng thời, phải xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý "ăn theo" giá điện.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam:
Lựa chọn thời điểm phù hợp để tăng giá dịch vụ
Năm 2018 cần chú ý 2 nhóm là điều tiết giá và điều hành giá. Nhóm điều tiết gồm hàng và tiền. Hàng kiên quyết không để thiếu trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Đây là bài học kinh nghiệm không bao giờ cũ trong điều tiết giá trong nền cơ chế thị trường. Vì nhà nước không còn quyết định giá thì không thể buộc phải bán giá này giá kia cho người tiêu dùng.
Nhóm điều hành giá có 2 nội dung. Một là, lộ trình thực hiện giá thị trường đối với một số dịch vụ công phải lựa chọn vào thời điểm thích hợp tránh cộng hưởng lan tỏa đến mặt bằng giá nói chung. Thời điểm phải loại trừ lễ Tết, mùa vụ nhu cầu tiêu dùng cao. Hai là, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ giảm chi phí cho DN, cắt giảm thuế theo lộ trình cam kết, cắt giảm phí, lệ phí. Đồng thời, tiếp tục xem xét giảm lãi suất phù hợp với lạm phát và bình ổn tỉ giá.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội:
Lo nhất là giá hàng thực phẩm
Trong dịp Tết, tâm lý người tiêu dùng là hàng thực phẩm phải tươi, sống nên siêu thị khó đáp ứng hết nhu cầu, vẫn phải phụ thuộc vào các chợ. Theo quy luật, từ Tết ông Công ông Táo, giá cả thị trường sẽ tăng nhanh 10%-15%. Nguồn hàng của siêu thị có hạn, còn hàng hóa ngoài chợ không ai ép giữ giá, giảm giá được. Cho nên trong công tác điều hành giá cần một "nhạc trưởng" chỉ huy, tính toán điều hòa cung - cầu hợp lý. Phải chuẩn bị nguồn hàng thật dồi dào và có kế hoạch bổ sung hàng nghìn tỉ đồng vốn cho sản xuất nông nghiệp để giải quyết nguồn hàng. Tiếp đó là tổ chức khâu phân phối. Đây vẫn là điểm yếu cần khắc phục.
Phương An - Tô Hà ghi