xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần khắc phục lỗi để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh hơn

Nhóm phóng viên

(NLĐO) – TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho rằng việc sửa đổi Nghị định 153 là rất cần thiết để làm lành mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi có những lỗ hổng cần thời gian nhận diện và khắc phục triệt để.

Thời gian qua, phát hành trái phiếu để huy động vốn đã trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn của ngân hàng thu hẹp; các ngân hàng từng bước giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Nếu năm 2017, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 4,9% GDP thì đến năm 2021, con số này đã tăng lên tới 16,6% GDP.

Cần khắc phục lỗi để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh hơn - Ảnh 1.

Một số diễn giả tham gia tọa đàm: "Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp". Đồ họa: Tấn Nguyên

Dù vậy, trong 2 năm trở lại đây, có thực trạng là nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao gấp đôi lãi suất tiền gửi để thu hút vốn. Doanh nghiệp huy động được vốn cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư… nhưng tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, cho thị trường.

Trong bối cảnh đó, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp" nhằm tạo điều kiện để cơ quan quản lý, chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp… trao đổi, hiến kế giải pháp góp phần đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả. Đúng như mục tiêu tại Nghị quyết 54 về cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 vừa được Chính phủ ban hành là dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 20% GDP.

Tọa đàm sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ 30 ngày 19-4 qua hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hội trường Lầu 2, trụ sở Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM. 

Đơn vị đồng hành: CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN RỒNG VIỆT

Các đại biểu, khách mời tham gia tọa đàm: 

1. TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia;

2. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế;

3. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM;

4. TS Lê Đạt Chí - Trường ĐH Kinh tế TP HCM; 

5. Ths Nguyễn Anh Vũ - Trường Đại học Ngân hàng TP HCM;

6. TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital;

7. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật SBLAW;

8. Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á;

9. Ông Phùng Xuân Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Raiting);

10. Ông Trương Quốc Bình, Phó tổng giám đốc Saigon Raiting; 

11. Ông Trần Huy Doãn - Phó Phòng đầu tư Công ty Chứng khoán ACBS.

Tiêu điểm sự kiện

    14:58 ngày 19/04/2022

    TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia;

    Theo tôi, để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp chúng ta cần nhận diện ngay những bất cập để có giải pháp cụ thể, như: 

    - Thị trường phát triển mới, nhanh

    - Tính công khai, minh bạch bạc và tuân thủ của thị trường chưa nghiêm

    - Chất lượng chủ thể thể phát hành và nhà đầu tư đều chưa tốt. Nền tảng nhà đầu tư rõ ràng còn hẹp nên cần thúc dẩy nhiều hơn nữa những quỹ đầu tư (quỹ đầu tư tư nân, quỹ ký tác bất động sản…) để họ gom tiền, quản lý và đầu tư. Đây là hướng đi bảo đảm tính chuyên nghiệp giúp nhà đầu tư cá nhân an toàn, phù hợp hơn.

    - Khung pháp lý cần phải rõ ràng để phù hợp với sự phát triển tương đối nóng của thị trường thị trường thời gian qua.

    - Xếp hạng tín nhiệm: Khuyến kích hay bắt buộc, nhiều hay ít? Có thể quy định cụ thể hơn DN nào phải có xếp hạng tín nhiệm, DN nào chỉ khuyến khích. Đặt ra cơ chế cây gậy củ cà rốt rõ ràng

    - Nhà đầu tư cá nhân: Cần xem xét hạn chế nhà đầu tư cá nhân tràn lan, như Singapore quy định nhà đầu tư cá nhân chỉ được đầu tư loại trái phiếu nào đó.

    - Cuối cùng, kiểm tra, giám sát thế nào là vừa phải, hợp lý cũng là điều quan trọng. Chặt quá thị trường không phát triển được, lỏng quá cũng nhiều vấn đề. Không thể quên cơ sở dữ liệu hiện còn nhiều bất cập.

    12:16 ngày 19/04/2022

    TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:

    Cần khắc phục lỗi để thị trường phát triển lành mạnh hơn

    Chúng ta đều nhận thức được rằng cần có thị trường trái phiếu cũng như thị trường vốn cho sự phát triển của đất nước. Nếu không nhìn thẳng vào nguyên nhân thì không thể khắc phục triệt để được những tồn tại. Việc sửa đổi Nghị định 153 là rất cần thiết để làm lành mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi có những lỗ hổng cần thời gian nhận diện và khắc phục triệt để.

    undefined - Ảnh 1.

    TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

    Có nhiều ý kiến chuyên gia nhìn nhận rõ thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn non trẻ, quy mô chưa lớn, chưa có nhiều kinh nghiệm so với nhiều quốc gia khác. Do vậy, chắc chắn sẽ có kẽ hở. Nhận diện được kẽ hở sẽ góp phần giúp các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn để tương lai có thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, công khai, minh bạch.

    Qua hơn 3 giờ diễn ra toạ đàm, có 19 ý kiến của các chuyên gia, đại biểu. Trong đó, có ý kiến chuyên gia trả lời câu hỏi của bạn đọc, chứng tỏ bạn đọc nói chung rất quan tâm đến câu chuyện về thị trường trái phiếu doanh nghiệp chứ không riêng các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thực tế, thị trường chứng khoán đã đảo chiều những ngày qua, nhiều mã cổ phiếu tốt nhưng bị "vạ lây" bởi một số vụ việc trên thị trường. Như thế sẽ không công bằng cho toàn thị trường. Mục tiêu của chúng ta là làm sao phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, bền vững trong tương lai.

    Một số đại biểu, chuyên gia phát biểu 2-3 lần với nhiều ý kiến sâu sắc, ngoài nêu thực trạng còn đặt ra giải pháp rất hợp lý, có tính khả thi cao, có thể áp dụng được với cách tiếp cận không phải vì có lỗi xảy ra trên thị trường mà "siết" lại, cần khắc phục lỗi đó để thị trường phát triển lành mạnh hơn. Như 1 đại biểu nói, lỗi không phải ở thị trường, thị trường không có lỗi.

    undefined - Ảnh 2.

    TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

    Qua ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu, tôi xin tổng hợp lại 10 giải pháp chính cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

    Thứ nhất, cần xử lý rốt ráo những vụ việc xảy ra trong thời gian qua nhằm tạo niềm tin cho thị trường, cho trái chủ và những người có liên quan (dù không đầu tư trái phiếu).

    Thứ hai, cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn. Ở bất cứ nước nào, lĩnh vực nào thì pháp lý cũng đi sau thực tế, nếu thấy có vấn đề trên thực tế thì cần điều chỉnh ngay.

    Thứ ba, cần nâng cao chất lượng nhà đầu tư. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có tâm lý "bầy đàn", rất nguy hiểm.

    Thứ tư, tăng cường quản lý thị trường thứ cấp

    Thứ năm, tăng cường giám sát của cơ quan chức năng, theo sát quá trình này.

    Thứ sáu, quy định rõ tỉ lệ vốn vay trên vốn sở hữu. Doanh nghiệp có vốn vay lớn so với vốn sở hữu thì chắc chắn sẽ đổ vỡ, như nhiều bài học trên thị trường quốc tế.

    Thứ bảy, phát triển thị trường dịch vụ đánh giá tín nhiệm giúp trái chủ đánh giá được rủi ro khi quyết định đầu tư. Hiện Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp trong lĩnh vực này là quá ít so với nhu cầu thị trường.

    Thứ tám, quy định chặt chẽ hơn về thị trường OTC như PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đề cập.

    Thứ chín, tăng cường hậu kiểm việc sử dụng nguồn vốn bảo đảm đúng mục đích.

    Cuối cùng, cần sự quyết tâm vào cuộc của tất cả đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần soi rọi lại mình thời gian qua làm đúng chưa, chưa đúng thì cần khắc phục. Cơ quan báo chí truyền thông đồng hành với cơ quan chức năng, doanh nghiệp… để lên tiếng báo động, góp phần đưa hành vi vi phạm ra trước pháp luật. 

    Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng cùng sự ủng hộ, đồng hành của xã hội có thể xây dựng được thị trường vốn nói chung cũng như thị trường trái phiếu nói riêng góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

    11:47 ngày 19/04/2022

    Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM


    undefined - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Đức Lệnh

    Tôi đánh giá toạ đàm hôm nay của Báo Người Lao Động hết sức thời sự, xuất phát từ tồn tại, phát sinh trên thị trường trái phiếu thời gian qua. Các diễn giả đã phân tích, mổ xẻ, đề xuất một số cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường tài chính nói chung tại TP HCM với mục tiêu xây dựng TP thành trung tâm tài chính quốc tế.

    Các ý kiến cũng đưa giải pháp cụ thể thiết thực để phát triển thị trường trái phiếu, hạn chế rủi ro, tập trung vào cách thức phát hành.

    11:37 ngày 19/04/2022

    PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

    Phải có những quy định minh bạch hóa và phù hợp thông lệ quốc tế 

    undefined - Ảnh 1.

    Ở các quốc gia trên thế giới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp khá đặc biệt vì nhà đầu tư cá nhân biết rủi ro nhưng vì lãi suất cao nên họ vẫn tham gia sau khi cân đối giữa rủi ro tài chính và lãi suất, chúng ta cũng cần có những quy định để minh bạch hóa, làm cho thị trường này phù hợp với Việt Nam và thông lệ quốc tế. Nói cách khác, chúng ta là thị trường mới, nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng chưa nhiều. Do đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải hoàn chỉnh các thể chế, chính sách, nhất là Nghị định 153 sửa đổi, quy định điều kiện được phát hành trái phiếu, do ở ta hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, cần phải quy định vốn vay/vốn chủ sở hữu, cân đối giữa vốn vay ngân hàng và vốn chủ sở hữu ở mức hợp lý.

    Rồi quá trình doanh nghiệp thành lập bao nhiêu năm hay các vấn đề liên quan, doanh nghiệp có lãi hay không có lãi…  Ngoài ra, nếu có xếp hạng tín nhiệm đầy đủ sẽ giúp hiểu rõ hơn doanh nghiệp phát hành.

    Trước mắt, cần quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần xếp hạng tín nhiệm trong khoảng thời gian ngắn, đi cùng với các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm.

    Cần phải chú trọng phát triển thị trường chứng khoán chưa chính thức (OTC), quy định điều kiện bán chứng khoán lần đầu và quy định về mua đi bán lại của các doanh nghiệp niêm yết. Đây là những điều rất quan trọng nhằm tạo ra dòng chảy vốn tốt hơn. Chính việc mua đi bán lại sẽ tạo thuận lợi cho các thành phần tham gia cũng như cơ quan giám sát.

    11:26 ngày 19/04/2022

    TS Lê Đạt Chí, trường ĐH Kinh tế TP HCM

    Cần có luật xếp hạng tín nhiệm để nhà đầu tư khiếu nại 

    Trong lộ trình phát triển kinh tế của Việt Nam và TP HCM đều nói rất nhiều về các trung tâm tài chính quốc tế, nên việc siết chặt thị trường nợ không phù hợp với xu hướng của nền kinh tế. Theo tôi, tinh thần là nhìn thấy rủi ro để điều chỉnh, kiện toàn, như các chuyên gia đã đề cập ở trên.

    undefined - Ảnh 1.

    TS Lê Đạt Chí

    Về giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ở thị trường sơ cấp, chúng ta có nói về việc sử dụng vốn có đúng với mục đích phát hành và đề cập thời gian qua có một số đơn vị sử dụng vốn không đúng mục đích, theo tôi việc này không thể đặt hết lên vai của Ủy ban chứng khoán nhà nước mà doanh nghiệp phải tự chịu, cơ quan quản lý cần giám sát chặt.

    Đơn cử, ngay cả một trang tin về các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng tôi là nhà đầu tư cá nhân tìm thấy rất ít thông tin về các doanh nghiệp phát hành. Do đó, cần phải có kênh để cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư bởi họ là người giám sát tốt nhất quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp.

    Do đó, trong quá trình sửa đổi Nghị định 153 cần quy định rõ thời hạn DN nộp hồ sơ tối đa là 14 ngày hay bao nhiêu ngày cơ quan quản lý phải trả lời hồ sơ có đúng quy định không…

    Với xếp hạng tín nhiệm là yếu tố quan trọng nhưng không phải tất cả các nước đều bắt buộc, còn nếu khuyến khích thì ai là người trả phí, cũng cần cân nhắc khi sửa đổi quy định. Cũng liên quan đến xếp hạng tín nhiệm, theo tôi quy định Nghị định 153 hiện nay ở chưa đủ, chưa đặt nặng vai trò trách nhiệm, chuẩn mực, đạo đức trong hành nghề đánh giá tín nhiệm. Do đó, cần phải có Luật, để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp họ làm không đúng chuẩn mực. Muốn phát triển thị trường nợ thì phải nâng lên thành luật.

    11:11 ngày 19/04/2022

    Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật SBLAW:

    Bịt lỗ hổng chứ không nên tạo thêm nhiều thủ tục hành chính

    undefined - Ảnh 1.

    Với việc sửa đổi Nghị định 153, theo tôi nên có quy định giai đoạn đầu, việc DN phát hành trái phiếu riêng lẻ cần sự tham gia của tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm. Khi sửa đổi nghị định, yêu cầu bắt buộc là phải có kết luận của tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm. Thị trường Việt Nam hiện có rất ít DN cung cấp dịch vụ đánh giá, xếp hạng tín nhiệm nên thời gian tới, Nghị định nên mở cửa cho tổ chức nước ngoài có kinh ngiệm tham gia. 

    Quan điểm sửa đổi Nghị định là bịt lỗ hổng nhưng phải thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu nói riêng và chứng khoán nói chung chứ không nên tạo nhiều thủ tục hành chính hơn, gây cản trở hoạt động phát hành trái phiếu của DN. 

    Hiện có nhiều quan điểm cho rằng việc phát hành trái phiếu phải kiểm soát được mục đích sử dụng, tránh trường hợp DN huy động rồi sử dụng cho mục đích đảo nợ, đầu tư cho dự án khác. Do đó, Nghị định sửa đổi cần nêu rõ hơn DN nếu không sử dụng đúng mục đích, hay có dấu hiệu chiếm đoạt thì nạn nhân có thể khởi kiện… 

    Xu hướng sửa đổi hay ban hành mới quy định pháp luật phải theo hướng chuyển đổi để phát triển, không vì một số sự kiện gần đây mà tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

    10:54 ngày 19/04/2022

    Ths Nguyễn Anh Vũ - Trường Đại học Ngân hàng TP HCM;

    Cần nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp

    undefined - Ảnh 1.

    Ths Nguyễn Anh Vũ - Trường Đại học Ngân hàng TP HCM;

    Theo tôi, có một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đầu tiên, về điều kiện phát hành, tại bất cứ quốc gia nào, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng đều rất cao và chặt chẽ hơn so với phát hành riêng lẻ. Đó là nguyên tắc chung. 

    Tiếp đến, nhà đầu tư nào được quyền tham gia? Việc phân biệt phát hành riêng lẻ, cá nhân đủ điều kiện tài chính để thuê người tư vấn chuyên nghiệp đánh giá rủi ro. Với chuẩn số tiền nhà đầu tư đang có, có cần nâng chuẩn quy định nhà tư vấn… 

    Số lượng nhà đầu tư có cần khống chế hay là không? Nếu chào bán trái phiếu qua phương tiện thông tin đại chúng thì đều coi là phát hành ra công chúng. Do vậy, hiện nay việc xác định phương tiện thông tin chào bán phức tạp bởi với sự phát triển của internet, mạng xã hội thì thông tin chuyển tải rất lớn.

    Cuối cùng, một vấn đề cần xem xét là ban đầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ cho đối tượng hạn chế, đến khi lên thị trường thứ cấp thì sẽ quy định như nào khi số nhà đầu tư sở hữu lượng trái phiếu lớn hơn. Một vấn đề khác là vai trò quỹ đầu tư trái phiếu ở Việt Nam hiện còn quá ít.

    10:45 ngày 19/04/2022

    Ông Phùng Xuân Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Raiting)

    Thị trường trái phiếu còn quá mới mẻ

    undefined - Ảnh 1.

    Chúng tôi thấy hội thảo có ý nghĩa quan trọng, khẳng định trái phiếu doanh nghiệp là thị trường tài chính tiềm năng, kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

    Chúng tôi đồng tình nhận định thị trường này còn quá mới và non trẻ. Với kinh nghiệm 12 năm khảo sát một số thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…, chúng tôi nhận thấy những gì chúng ta đã trải qua cũng là những "lỗi" mà họ mắc phải từ 20-30 năm trước khi còn ở thị trường sơ khai. Thị trường bản thân không có lỗi, chính sách do chúng ta làm nên.

    undefined - Ảnh 2.

    Ông Phùng Xuân Minh

    Hiện nay thị tường trái phiếu doanh nghiệp cần sẵn sàng 3 chủ thể quan trọng đáp ứng được nhu cầu, gồm: nhà nước định hướng quản lý, tiền kiểm là khâu quan trọng; minh bạch thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; sự tuân thủ của các chủ thể trên thị trường (nhà phát hành, tổ chức xếp hạng…). Trong đó, nhà nước cần có cơ chế để tạo điều kiện cho chủ thể tham gia thị trường có nhu cầu phát triển, nâng cao văn hoá xếp hạng tín nhiệm… Do đó, việc góp ý cải thiện chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng luật hiện nay là điều rất quan trọng.

    Chúng tôi cũng nhận thấy một thực trạng đáng lo ngại trên thị trường hiện nay là đại dịch gần như khiến cả nền kinh tế tê liệt, dự án ngưng đọng nhưng nhu cầu vốn lại rất nóng. Vậy tiền đi đâu, làm gì, về đâu? Trong khi có hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu không sử dụng đúng mục đích.

    10:31 ngày 19/04/2022

    TS Cấn Văn Lực

    Kiến nghị xử lý nhanh những vụ việc vừa qua

    Theo tôi, đã gọi là thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường tài chính rất văn minh, do đó hãy để thị trường tự điều chỉnh, chứ không phải là các hoạt động can thiệp, kiểm tra, giám sát quá chặt để doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu được. Nhất là trong bối cảnh tiếp cận vốn xưa nay là một điểm nghẽn lớn của thị trường tài chính.


    undefined - Ảnh 1.

    Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm

    Không phải vì một số trường hợp, vài "con sâu làm rầu nồi canh" mà thắt chăt quá mức nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội. Thực tế, thị trường trái phiếu và thị trường vốn còn rất nhiều dư địa phát triển.

    Về dư địa thị trường, quy mô thị trường vốn hiện khoảng 17,5% GDP, con số này rất thấp so với Trung Quốc là 35,7%; Hàn Quốc 87% GDP; Singapore khoảng 36,5% GDP, Thái Lan khoảng 25% GDP… Bản thân quy mô nền kinh tế của họ lớn và quy mô thị trường vốn của họ lớn mà số liệu cho thấy vẫn rất lớn.

    Tôi cũng xin chia sẻ để rõ thông tin về mặt cơ cấu nhà phát hành trái phiếu năm 2021, doanh nghiệp bất động sản chiếm tỉ trọng 39%; tổ chức tín dụng chiếm khoảng 35%; lĩnh vực xây dựng 5,4%; công ty chứng khoán 3,3%...

    Về chủ thể phát hành, có 2 chủ thể chính hiện nay là doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng. Trong khi tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu có quy định, quy trình rất chặt chẽ và thông tin phải công khai minh bạch và báo cáo tài chính luôn được kiểm toán nên phát hành chủ yếu phát hành ra công chúng.

    Riêng với nhà đầu tư, hiện nay, ngân hàng thương mại chiếm tỉ trọng 30%; công ty chứng khoán 30-31%; tổ chức khác 26%, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân chỉ khoảng 5%-10%... Các công ty chứng khoán thời gian qua cũng đã tích cực và đầu tư tương đối nhiều trong thị trường sơ cấp của thị trường này. Về thông tin tài sản bảo đảm chủ yếu là DN có tài sản bảo đảm, bảo đảm bằng cổ phiếu và không có tài sản bảo đảm chiếm khoảng 20%, chứ không phải con số lên tới 40% như thông tin trước đó.

    Để phát triển thị trường trái phiếu bền vững, chúng tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua, để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành, kể cả doanh nghiệp. Xử lý càng nhanh càng tốt và nên công khai minh bạch kết quả.

    Khuyến khích thành lập nhiều công ty xếp hàng tín nhiệm

    Ngoài ra, cần phải khuyến khích hình thành các hãng xếp hạng tín nhiệm, như ở Singapore, Hàn Quốc… có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá tốt nhưng họ không bắt buộc 100% mà khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. Nhưng ở Việt Nam, nên khuyến khích hay bắt buộc, cần phải cân nhắc. Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra.

    Như ở Singapore, khuyến khích xếp hạng tín nhiệm và phát hành trái phiếu sẽ được hỗ trợ gấp đôi chi phí so với doanh nghiệp không có xếp hạng tín nhiệm.

    Nhưng, nếu chúng ta đưa ra bài toán xếp hạng tín nhiệm mà chúng ta có quá ít công ty xếp hạng tín nhiệm, năng lực của họ cũng chưa bảo đảm năng lực thị trường hiện nay thì phải làm sao? Do đó, bài toán này cần phải cân nhắc, cho phép thành lập nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm hơn, rút ngắn thời gian xếp hạng để không làm mất cơ hội của doanh nghiệp. Chưa kể,  quy trình, thủ tục xét duyệt còn quá lâu, khi phát hành ra công chúng quy trình là đúng nhưng cần xem thời gian xét duyệt, quy trình thủ tục cần nhanh hơn, như 14 ngày hoặc 3 tuần, thay vì vài tháng hiện nay.

    Liên quan đến thị trường thứ cấp, sau khi phát hành, chúng ta theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền phát hành ra như thế nào, hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau. Theo tôi, Ủy ban chứng khoán nhà nước không thể làm được việc giám sát, kiểm soát dòng vốn sau phát hành, vì vậy chủ yếu là cam kết của doanh nghiệp ở bản cáo bạch, trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp. Sau đó, nhà đầu tư thông qua các quỹ đầu tư để mua trái phiếu doanh nghiệp, thì các quỹ này sẽ có trách nhiệm theo dõi, chứ không thể bắt buộc theo dõi, sử dụng vốn phát hành ra như thế nào, cũng là bài toán cần cân nhắc.

    Ngoài ra, tiêu chí, tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng cần nâng lên. Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, sớm có phương án cuối cùng, tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, chúng tôi đang tham vấn, kiến tạo thị trường mà vẫn kiểm soát được rủi ro.

    Cuối cùng, cần tăng chất lượng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân. Vì hiện nay, giáo dục tài chính hiện nay còn bỏ ngỏ, còn xét cho cùng, để cho thị trường chứng khoán phát triển, thì tôi vẫn cho rằng cần chuyên nghiệp - minh bạch và trên nền tảng thị trường, thay vì biện pháp hành chính quá nhiều.

    10:21 ngày 19/04/2022

    Ông Trần Huy Doãn - Phó Phòng Đầu tư Công ty Chứng khoán ACBS:

    Vai trò của trái phiếu Chính phủ cũng rất quan trọng

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Trần Huy Doãn - Phó Phòng Đầu tư Công ty Chứng khoán ACBS:

    Về mặt tổ chức thị trường, nhiệm vụ của các định chế tài chính trung gian là cung ứng thanh khoản cho thị trường.

    Để những tổ chức trung gian tài chính có nguồn vốn cung cấp cho thị trường hiệu quả thì thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng.

    Trái phiếu là tài sản cơ bản trong danh mục chiến lược dài hạn của các tổ chức. Việc quan trọng nhất cần có cơ sở so sánh và cơ sở đó nằm ở thị trường trái phiếu Chính phủ. Do đó đòi hỏi trái phiếu Chính phủ phải phát triển ở độ sâu, rộng, cung ứng co thị trường thanh khoản và để giá cả cung ứng phù hợp. Trái phiếu DN không thể tách rời trái phiếu Chính phủ.

    Theo tôi, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, cần tạo ra được những nhà đầu tư trái phiếu hùng mạnh, mà những quốc gia tiên tiến đã làm được. Ở Việt Nam, như Quỹ bảo hiểm y tế và Quỹ bảo hiểm xã hội vẫn chủ yếu dùng nguồn vốn huy động được gửi tiết kiệm. 

    Do đó, có thể đề xuất chính sách để đưa các quỹ đầu tư này tham gia vào thị trường trái phiếu, có thể nghiên cứu đầu tư cổ phiếu… để từ đó định hướng cho nhà đầu tư cá nhân tham gia vào các quỹ đầu tư này. Việc này cũng góp phần nắn dòng tiền gửi tiết kiệm của người dân, thay vì chỉ gửi ngắn hạn 3-6-12 tháng, có thể mạnh dạn gửi tới 3-5 năm.

    10:12 ngày 19/04/2022

    TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital;

    Bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có đánh giá tín dụng

    undefined - Ảnh 1.

    TS Lê Anh Tuấn

    Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh chia lửa cho thị trường ngân hàng. Do đó, đối với thị trường Việt Nam, tôi cho rằng khi kiểm tra giám sát không nên làm quá chặt hoặc quá lỏng mà cần có cơ chế thị trường để họ tự điều tiết, để nhà đầu tư thấy được rủi ro nằm ở đâu.

    Vậy làm sao để kiểm soát? Gần đây, có khoảng 2-3 công ty được Ủy ban chứng khoán nhà nước và Ngân hàng Nhà nước được cấp phép cho đánh giá tín dụng, xếp hạng tín nhiệm. Tôi cho rằng ở điều kiện tối thiểu nhất của trái phiếu phát hành doanh nghiệp, cần đánh giá tín dụng. Thậm chí bắt buộc tất cả những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều bắt buộc phải đánh giá cơ chế tín dụng từ những tổ chức được cấp phép này.

    10:03 ngày 19/04/2022

    GS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế:

    Có nhiều kẽ hở cần được lấp lại

    Khi nói đến bất cập trong huy động vốn trái phiếu, ta thấy tỉ lệ phát hành trái phiếu "3 không" trong tổng khối lượng phát hành trái phiếu DN tới hơn 30% là rất nghiêm trọng. Đây là phát hành của những DN chưa niêm yết.

    undefined - Ảnh 1.

    GS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế:

    Ở nhiều quốc gia, việc không cần báo cáo tài chính, chứng minh tài sản là bình tường nhưng với thị trường non trẻ như Việt Nam thì điều này chưa phù hợp. Ngay cả việc xem xét số lượng phát hành trái phiếu của chúng ta cũng không đến nơi đến chốn, quy định vốn vay trên vốn chủ sở hữu cần phù hợp để bảo đảm khả năng trả nợ.

    Việc các ngân hàng đứng ra mua trái phiếu DN chiếm tỉ trọng lớn trong tổng khối lượng vốn tiêu thụ cũng là vấn đề nghiêm trọng. Đó có thể là tình trạng ngân hàng giúp DN phát hành trái phiếu để "đảo nợ", chuyển từ ngân hàng cho vay nợ có bảo đảm, quản lý giám sát, sử dụng chặt chẽ sang cho vay thông qua trái phiếu DN, tức gần như giao nguyên số tiền cho DN, họ sử dụng gì, đầu tư ra sao, ngân hàng cũng không quản lý được.

    Bên cạnh đó còn có hiện tượng mua bán lòng vòng, gần như ngân hàng cũng không quản lý được. Công ty con mới thành lập và lượng vốn rất bé vẫn tham gia phát hành trái phiếu. Chủ thể mua trái phiếu không chú ý đến khả năng tài chính, hấp thụ, rõ ràng đã làm lu mờ hình ảnh công ty phát hành.

    Trong điều kiện quy định người mua trái phiếu DN chỉ là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì có nhiều công ty môi giới, chứng khoán đã đứng ra chỉ dẫn cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp bằng cách ký những hợp đồng uỷ quyền bán cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp.

    Ngoài ra, còn có tình trạng bán chui không qua thị trường mà chỉ qua tin nhắn Facebook, Zalo để gạ gẫm mua với lãi suất rất cao. Đặc biệt, việc giám sát quá trình sử dụng vốn gần như buông lỏng. Vì vậy, có nhiều kẽ hở cần được lấp lại để làm sao tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu DN trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, an toàn của nền kinh tế.

    09:55 ngày 19/04/2022

    Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á:

    Nhà đầu tư "chuyên nghiệp" mà không biết đọc cả báo cáo tài chính!

    Câu chuyện phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là tự vay và tự trả nên không có cơ chế kiểm soát dòng vốn sau phát hành. Và sau khi phát hành xong, các kênh như ngân hàng, công ty chứng khoán tiếp tục phân phối trái phiếu thông qua kênh bán lẻ của họ, thậm chí chào mời cả những nhà đầu tư đã gửi tiết kiệm.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á:

    Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khoảng 12%/năm và tổng chi phí cho kênh này là khoảng 15%/năm với chi phí cho kênh phân phối, bảo lãnh phát hành. Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi hiện nay là khoảng 6%/năm, điều này khiến nhà đầu tư bị hấp dẫn khi mua trái phiếu doanh nghiệp… Dù vậy, đang có kẽ hở mà các định chế tài chính, các nhà đầu tư mua trái phiếu riêng lẻ phát hành sau đó phân phối lại cho nhà đầu tư cá nhân.

    Thời gian qua, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không cần xin phép, chỉ lập phương án, kêu gọi đầu tư là phát hành cho thấy hình thức phát hành này quá dễ. Trong khi phát hành đại chúng phải thông qua Ủy ban chứng khoán nhà nước, phải được phê duyệt phương án phát hành, khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều chọn phát hành riêng lẻ và chọn kênh phân phối tiếp theo để chuyển tiếp trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân… Chưa kể, câu chuyện hậu kiểm là doanh nghiệp phát hành có sử dụng nguồn tiền đúng mục đích không lại là chuyện khác.

    Ngay quy định về các nhà đầu tư chuyên nghiệp là cần vốn khoảng 2 tỉ đồng trở lên thì các công ty chứng khoán hoặc nhà phân phối cũng có thể giúp chuyển thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nói "chuyên nghiệp" nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân thậm chí không biết đọc báo cáo tài chính, không hiểu biết về doanh nghiệp mà chỉ thông qua kênh môi giới. Chưa kể, các tập đoàn lớn không đứng ra phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông qua công ty con, không có thương hiệu, còn người mua trái phiếu chỉ nhìn tập đoàn lớn là rất rủi ro...

    Do đó, cần quy định để kiểm soát được điều kiện phát hành trái phiếu, nếu không các tập đoàn đều không đứng ra phát hành mà chỉ sử dụng công ty con, là hình thức mượn kẽ hở của pháp luật.

    09:40 ngày 19/04/2022

    Thạc sỹ Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM:

    Có nhiều điều còn đáng lo ngại hơn khái niệm "3 không"

    Gần đây báo chí hay dùng khái niệm "3 không" với DN phát hành trái phiếu (không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm).

    Về không có bảo lãnh từ tổ chức tài chính có uy tín, chúng ta không phân biệt được bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh phát hành. Bảo lãnh thanh toán là trả nợ thay, nếu ngân hàng bảo lãnh thì họ phải phân tích, thẩm định trước khi chấp thuận. Nhà đầu tư khi mua trái phiếu này thì cũng yên tâm thêm. Bảo đảm bằng tài sản nôm na là nếu DN không trả được nợ thì bên bảo lãnh sẽ bán tài sản để thanh toán, tạo an toàn cho người mua trái phiếu.

    Nguyên tắc cho vay nói chung và đầu tư trái phiếu nói riêng thì tài sản bảo đảm không phải yếu tố duy nhất hay quan tọng hàng đầu để xem xét mua trái phiếu. Quan trọng nhất là đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động của DN.

    Tôi lo ngại ngoài "3 không" thì còn có cái "không" thứ 4, thứ 5 khác, như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm.

    undefined - Ảnh 1.

    Thạc sỹ Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM:

    Năm 2021, phát hành trái phiếu DN bằng cả giai đoạn 2011-2018, trong đó 95% là phát hành riêng lẻ, 5% phát hành ra công chúng. Tôi băn khoăn số lượng trái phiếu DN tăng đột biến, mà năng lực phân phối, bán trái phiếu của DN, ngân hàng vẫn rất tốt. Pháp luật hiện nay quy định điều kiện phát hành riêng lẻ luôn thấp hơn phát hành công chúng. Trước kia, nhà đầu tư cá nhân không quan tâm nhiều đến kênh trái phiếu DN mà chỉ quan tâm kênh cổ phiếu thôi. Vấn đề ở chỗ là tại sao DN lại phát hành riêng lẻ nhiều như vậy? Trong khi nhà đầu tư cá nhân mua chỉ chiếm chưa đến 9% lượng trái phiếu phát hành.

    Ngoài ra, còn có nguyên nhân do chúng ta nới rộng định nghĩa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không chỉ tổ chức mà còn DN khác, nhà đầu tư cá nhân sở hữu danh mục đầu tư cổ phiếu. Do vậy, nhà đầu tư phải có trách nhiệm cao trong phân tích đánh giá rủi ro của bên phát hành.

    09:30 ngày 19/04/2022

    TS Lê Đạt Chí, trường ĐH Kinh tế TP HCM

    Khoảng 60% người mua trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng

    Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp đang thu hút sự quan tâm của dư luận và thị trường sau những sự vụ "nóng" vừa qua. Điều này cho thấy việc hoàn thiện chính sách là hết sức cần thiết.

    undefined - Ảnh 1.

    TS Lê Đạt Chí

    Ở các nước có thị trường tài chính phát triển phải nhắc đến là thị trường nợ. Tuy nhiên, để có một thị trường phát triển các nước trên thế giới họ cũng phải trải qua rất nhiều quá trình điều chỉnh quy định pháp luật. Do đó, việc điều chỉnh quy phạm pháp luật của chúng ta hiện nay là cần thiết để điều chỉnh những rủi ro và chưa hoàn chỉnh trên thị trường.

    Trước đây, ít thấy doanh nghiệp sử dụng công cụ trái phiếu để huy động vốn nhưng kể từ sau Nghị định 81 của Chính phủ sửa đổi các quy định trước đó thì quy mô của thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ. Đáng lưu ý, trái phiếu tài trợ cho doanh nghiệp bất động sản chiếm phần lớn trong tổng tài sản của các doanh nghiệp lớn ở thị trường Việt Nam. Nhưng rủi ro xuất hiện khi doanh nghiệp sử dụng đâu đó một số công ty con, công ty liên kết… để huy động vốn qua kênh trái phiếu.

    Ở góc độ khác, khoảng 60% người mua trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng. Và trong quá trình triển khai các gói chính sách, gói hỗ trợ kinh tế cần kiểm soát dòng vốn này để tránh hạn chế chảy vào trái phiếu doanh nghiệp, tránh bài học về nợ xấu trong quá khứ.

    Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản hướng dẫn hệ thống ngân hàng trong vấn đề nắm giữ trái phiếu của doanh nghiệp, bởi nhà đầu tư nắm giữ phần lớn lượng trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng sẽ rất rủi ro.

    Theo tôi, nếu Chính phủ muốn phát triển thị trường nợ như kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế thì khi sửa đổi Nghị định 153 phải lưu ý ngoài chủ thể là thị trường sơ cấp, và người mua trái phiếu phát hành riêng lẻ thì khi công cụ này được giao dịch, mua bán trên thị trường thứ cấp sau đó, ai sẽ mua đi bán lại, rủi ro thế nào, cần phải được làm rõ…?

    Để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, Chính phủ thời gian qua đã có một số động thái và chúng ta kỳ vọng trong lần sửa đổi này sẽ khắc phục những rủi ro, nguy cơ hiện nay.

    09:12 ngày 19/04/2022

    TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia:

    Cần nhìn nhận đúng vai trò của trái phiếu doanh nghiệp

    Chương trình toạ đàm của Báo Người Lao Động hôm nay có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh DN, nhà đầu tư, cơ quan quản lý đang băn khoăn lo lắng về tương lai của thị trường này và bối cảnh Chính phủ đang chuẩn bị sửa đổi Nghị định 153 của Chính phủ để có khung pháp lý chuẩn hơn cho thị trường phát triển. Chúng ta cần nhìn nhận vai trò của thị trường này. 


    undefined - Ảnh 1.

    TS Cấn Văn Lực

    Thứ nhất, đây là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng. Hằng năm hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế 1,4-1,5 triệu tỉ đồng, 45% trong đó là vốn trung dài hạn. Như vậy, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn. Ước tính giai 2022-2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỉ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi vốn nhà nước chỉ chiếm 25%-26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài. Từ đó cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu DN nói riêng. 

    Thứ hai, góp phần phát triển lành mạnh, cân đối hơn hệ thống tài chính. Bản chất của hệ thống ngân hàng là huy động vốn gửi ngắn và trung hạn, cho vay cũng chủ yếu ngắn và trung hạn chứ không phải dài hạn là chủ yếu. 

    Thứ ba, khi thị trường trái phiếu DN phát triển sẽ góp pần đa dạng hoá kênh đầu tư, đa dạng hoá sản phẩm tài chính. 

    Ngoài ra, đây còn là kênh huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và DN hay tổ chức khác, hạn chế vàng hoá, đô la hóa. Huy động vốn nguồn lực cả trong và ngoài nước qua đầu tư qua quỹ hay trực tiếp.

    Bên cạnh nhìn nhận vai trò của thị trường trái phiếu, cần bắt đúng “bệnh” của nó từ đó có kiến nghị cơ quan quản lý, nhà dầu tư cho thị trường phát triển lành mạnh hơn. 

    undefined - Ảnh 2.

    Thị trường trái phiếu hiện nay vẫn còn rất non trẻ, mới chỉ hơn 10 năm và chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. Trái phiếu DN chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm 3,5% tổng lượng vốn đưa ra nền kinh tế. Do đó, thị trường trái phiếu còn nhiều dư địa phát triển.

    08:50 ngày 19/04/2022

    Toàn cảnh Tọa đàm: "Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp"

    undefined - Ảnh 1.
    undefined - Ảnh 2.
    undefined - Ảnh 3.

    Lãnh đạo Báo Người Lao Động và các diễn giả, khách mời có mặt tại tọa đàm sáng nay, 19-4

    Lên trên
    Lên đầu Top

    Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.

    Thanh toán mua bài thành công

    Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

    • Tặng bằng link
    • Tặng bạn đọc thành viên
    Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

    Chọn phương thức thanh toán

    Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

      Chọn phương thức thanh toán

      Chọn một trong số các hình thức sau

      Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

      Thông báo