xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cam kết mạnh mẽ từ chính quyền

NGUYỄN PHAN

Bằng những giải pháp cụ thể, TP HCM đặt mục tiêu tốp 5 địa phương đứng đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư không phải câu chuyện mới mà đã được lãnh đạo TP HCM thực hiện rất nhiều năm. Mỗi khi nhắc đến chuyện này, người đứng đầu chính quyền TP - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong - luôn mang nhiều trăn trở và mong muốn cải thiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và tăng khả năng thu hút vốn đầu tư vào TP.

Nhìn lại vấn đề một cách nghiêm túc

Chủ tịch UBND TP tâm sự: "Nhiều người nói tại sao TP HCM vẫn loay hoay ở Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2016, PCI của TP đứng hạng 8, đến năm 2020 tụt xuống hạng 14. Tại sao trong thời gian qua TP đã nỗ lực rất nhiều, làm rất nhiều việc cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư nhưng PCI vẫn nằm ngoài nhóm dẫn đầu. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ, đánh giá lại". Theo ông, việc này cũng giống như học sinh đi học, bảng điểm cuối cùng mới là kết quả quan trọng. "Dù anh thức suốt đêm học bài như thế nào không cần biết, điểm số cao hay thấp mới là kết quả cuối cùng. Người ta đánh giá một học sinh giỏi hay dở là nhìn vào điểm số đó" - Chủ tịch UBND TP nói và nhắc lại lần nữa TP cần nhìn lại vấn đề này một cách nghiêm túc để có giải pháp cải thiện phù hợp và hiệu quả.

Chủ tịch UBND TP cho biết vừa rồi TP phải hoãn hội nghị tổng kết cải cách hành chính lại vì báo cáo lên thấy đơn vị nào cũng xuất sắc. "Đơn vị nào cũng xuất sắc nhưng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của TP lại tụt hạng. Từ vị trí 31 vào năm 2019 xuống 46 vào năm 2020. Chỉ sau một năm, TP giảm 15 bậc, nằm trong nhóm 15 địa phương có chỉ số PAPI trung bình thấp" - Chủ tịch UBND TP đặt vấn đề và cảnh báo nếu chúng ta không đánh giá chính xác, thực chất về mình sẽ dẫn đến chủ quan. Do đó, ông yêu cầu các đơn vị phải nhìn nhận lại xem có thật sự xuất sắc hay không khi mà trên bàn làm việc của lãnh đạo TP vẫn còn nhiều đề án, dự án khiến người dân, DN bức xúc vì kéo dài quá lâu. Ông lấy ví dụ ở quận 7, có dự án bệnh viện chuyển từ chuyên khoa sang đa khoa mà kéo dài 2 năm không được trả lời. "Đặt mình trong hoàn cảnh đó mình cũng thấy rất bức xúc" - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh từ những vấn đề thực tế đặt ra, TP cần phải đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư.

Cam kết mạnh mẽ từ chính quyền - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong một buổi đối thoại gần đây Ảnh: LAM GIANG

Cụ thể hơn nữa lời hứa ấy, TP đã chọn chủ đề năm 2021 là "Cải thiện môi trường đầu tư và xây dựng chính quyền đô thị". Điều này lần nữa đã cho thấy quyết tâm và hành động cụ thể của lãnh đạo TP bằng việc dồn tổng lực để cải thiện môi trường đầu tư. Đầu tháng 4-2021, chính Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã ký Quyết định số 1229 ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI của TP HCM giai đoạn 2021-2025. TP đặt mục tiêu cải thiện ngay chỉ số PCI ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, tăng điểm và tăng hạng qua từng năm, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 đứng trong nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước về PCI; kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp tự hoàn thiện để có các bước cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của TP theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; đưa TP vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế - xã hội ở nhóm tốt nhất cả nước. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng chuyển đổi số hướng đến phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó giúp các DN trên địa bàn TP phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, TP trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, DN và các nhà đầu tư.

Hành động mạnh mẽ bằng giải pháp cụ thể

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND TP đã đề ra 2 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn. Một là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, trong đó thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, chấn chỉnh kịp thời công tác cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tại đơn vị.

Cấp ủy lãnh đạo cơ quan chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, DN; thông qua kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, đảng viên. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy tối đa vai trò giám sát của HĐND, đặc biệt là giám sát của người dân, DN đối với hoạt động của cơ quan hành chính thông qua Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan báo chí. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn thứ 2 là cải thiện các chỉ số thành phần PCI giai đoạn 2021-2025.

Để cải thiện 10 chỉ số thành phần của chỉ số PCI, UBND TP đã lên hàng loạt giải pháp đột phá với sự vào cuộc của tất các sở, ban, ngành liên quan. Điển hình như về chỉ số gia nhập thị trường cho DN, UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép, điều chỉnh giấy phép hoạt động kinh doanh của DN, công khai trên Cổng thông tin điện tử TP và website của các cơ quan có liên quan đến việc đăng ký DN và điều kiện ban đầu để DN đi vào hoạt động; tiếp tục kiến nghị hoàn thiện phần mềm hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN. Với chỉ số về chi phí không chính thức, UBND TP đã giao thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng cơ chế giám sát và kiểm tra định kỳ để bảo đảm mọi phản ánh, khiếu kiện đều được ghi nhận và trả lời thỏa đáng, kịp thời cho DN. Còn Thanh tra TP xây dựng ngay cơ chế, quy trình giúp DN tố cáo các hành vi tham nhũng của cán bộ. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu DN. 

Nâng cao chỉ số cải cách hành chính

Bên cạnh kế hoạch nâng cao chỉ số PCI của TP giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng vừa ký quyết định ban hành kế hoạch thực hiện chương trình cải cách hành chính và giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu phấn đấu chỉ số này của TP thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước. Có 90% sở, ngành, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện được đánh giá PAR Index từ loại tốt trở lên...

Phải đột phá vào cơ sở hạ tầng

Chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Trần Du Lịch

Thời gian qua, TP HCM có tụt hạng về chỉ số PCI so với một số địa phương khác nhưng theo tôi, TP vẫn còn rất nhiều nguồn lực, tiềm lực để phát triển. Vì vậy cần đặt mục tiêu so sánh với những đô thị lớn khác trong khu vực. Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, TP cần đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông, nhất là phải giảm tình trạng kẹt xe, ngập nước.

Những mục tiêu phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP hay khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông (TP Thủ Đức) cần thực hiện trong trung dài hạn 5-10 năm tới. Riêng với câu chuyện hiện nay, TP cần tiếp tục đột phá vào cơ sở hạ tầng. Từ khoảng năm 2010, tôi đã đề xuất TP cần đặt mục tiêu kinh tế tập trung vào chất lượng cấu kết hạ tầng đô thị phải đồng bộ, bởi làm nhưng không đồng bộ sẽ không hiệu quả. Đơn cử như tuyến đường Vành đai 2 kết nối các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn TP Thủ Đức nhưng nhiều năm qua chưa triển khai xong. Hay như dự án cầu Thủ Thiêm 2 triển khai thi công khi chưa giải phóng mặt bằng xong gây cản trở giao thông trong thời gian dài... Nút thắt lớn nhất TP đang vướng là cứ gặp cái khó là dừng lại, thiếu quyết tâm vượt qua. Bài học lớn nhất, khi một vấn đề được xác định là trọng điểm, cần phải làm thì chúng ta cần tập trung nguồn lực, có quyết tâm lớn để triển khai, nếu gặp khó khăn thì phải dồn sức để tháo gỡ mới hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, một vấn đề khác, với các chuyên gia nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài, khi họ chọn đến TP làm việc, cũng cần quan tâm đến điều kiện, môi trường sống thật sự tốt, do đó bài toán về cải thiện môi trường sống cũng cần được chú trọng không kém bên cạnh cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời, TP phải đi đầu trong công nghệ số của quốc gia trong bối cảnh phát triển công nghệ mạnh như hiện nay nếu muốn cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư.

Thái Phương ghi

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo