xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cấp tập mua cổ phiếu quỹ

Sơn Nhung

Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã mua cổ phiếu quỹ để ổn định giá cổ phiếu, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư

VN-Index phiên cuối tuần, ngày 3-4, tăng mạnh 21,7 điểm và kết thúc tuần ở mức gần 702 điểm. Sắc xanh phủ kín các sàn với tổng cộng 415 mã cổ phiếu tăng giá.

Ồ ạt công bố mua

Theo các chuyên gia, ngoài tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán thế giới, những hành động chống dịch Covid-19 và hỗ trợ nền kinh tế quyết liệt của Chính phủ thì việc các doanh nghiệp (DN) niêm yết mạnh tay gom cổ phiếu quỹ, lãnh đạo DN đẩy mạnh mua vào khi giá cổ phiếu xuống quá thấp đã giúp thị trường lấy lại niềm tin, nhà đầu tư bớt lo lắng.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, từ sau Tết nguyên đán đến nay, các DN trên hai sàn HoSE, HNX đã đăng ký mua vào lượng cổ phiếu quỹ có giá trị khoảng 6.000 tỉ đồng. Đặc biệt, có những DN đăng ký mua cổ phiếu quỹ với số lượng rất lớn như Tập đoàn PAN (PAN) vừa đăng ký mua 21,6 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương với 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành, số tiền bỏ ra khoảng 432 tỉ đồng; giao dịch thực hiện dự kiến từ ngày 2-4 đến 29-4. Tổng Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (GEX) quyết định chi ít nhất 417 tỉ đồng để mua lại 29 triệu cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu GEX xuyên thủng vùng giá thấp nhất 3 năm; Công ty CP Gemadept (GMD) cũng lên kế hoạch trích gần 400 tỉ đồng mua 25 triệu cổ phiếu quỹ. Ngoài ra, còn có Cường Thuận Idico (CTI) mua 15,7 triệu cổ phiếu, DIC Corp (DIG) mua 15 triệu cổ phiếu, PVI mua 11,55 triệu cổ phiếu…

Cấp tập mua cổ phiếu quỹ - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết liên tục đăng ký mua cổ phiếu quỹ nhằm cứu thị trường và bảo vệ quyền lợi cổ đông Ảnh: TẤN THẠNH

Mới đây nhất, HĐQT Công ty CP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) đã thông qua nghị quyết dự chi 500 tỉ đồng mua 27 triệu cổ phiếu quỹ. HĐQT CII ra nghị quyết mua lại tối đa 14,67 triệu cổ phiếu quỹ với giá không vượt mức 25.000 đồng. Trong khi đó, giá cổ phiếu DN này trong thời gian công bố mua chỉ nằm ở mức trên dưới 20.000 đồng/cổ phiếu.

Giá nhiều cổ phiếu hiện nay thấp hơn nhiều so với giá trị DN, một số DN đang gấp rút hoàn thành thủ tục mua cổ phiếu quỹ. Như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (mã CK: TPB) trong 1 tuần từ ngày 20 đến 26-3 đã mua xong 10 triệu cổ phiếu quỹ. Giá mua vào cao nhất là 22.700 đồng/cổ phiếu và thấp nhất là 21.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng số tiền chi ra khoảng 220 tỉ đồng. Sau giao dịch, ngân hàng này nâng lượng cổ phiếu quỹ sở hữu lên hơn 40 triệu đơn vị.

Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng đã rút ngắn thủ tục đăng ký mua cổ phiếu quỹ từ 7 ngày xuống 1 ngày làm việc, sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch cổ phiếu quỹ trong thời gian tới.

Lợi cả đôi đường

Theo chuyên gia tài chính, chứng khoán Hoàng Thạch Lân, DN thường mua cổ phiếu quỹ vì 2 lý do chính: để đầu tư khi thấy giá cổ phiếu giảm mạnh hoặc chuẩn bị cho việc nào đó, ví dụ như để dành sau này bán cho nhân viên (ESOP); làm nguồn cổ phiếu thưởng, trả cổ tức...Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Everest, cho rằng giá nhiều cổ phiếu đang nằm dưới giá trị sổ sách đến 30%.

"Giai đoạn này, nếu DN có tiền thay vì gửi ngân hàng lãi suất thấp thì dùng để mua cổ phiếu quỹ là hợp lý nhằm tăng giá trị cho DN lẫn cổ đông" - ông Hoàng Thạch Lân khuyến nghị và nói thêm, với những DN nhà nước như Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nếu mua cổ phiếu vào thời điểm này sẽ rất tốt cho thị trường, cũng là cơ hội để SCIC đầu tư sinh lời cho đồng vốn nhà nước. Thực tế là ngày 1-4, SCIC đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu FPT nhằm mục đích đầu tư tài chính, thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 7-4 đến 6-5.

Các chuyên gia khác cũng đồng tình với việc DN có nguồn tiền dồi dào có thể mua cổ phiếu quỹ thời điểm này, vừa cùng cổ đông chặn đà rơi của cổ phiếu, vừa làm "của để dành", có thể bán ra khi giá cổ phiếu tăng, thu nguồn thặng dư về. Và thực tế thời kỳ khủng hoảng khoảng 10 năm trước hay vài năm gần đây, khi mọi thứ đã ổn định, giá cổ phiếu hồi phục gấp đôi đã giúp nhiều DN vừa được thặng dư vốn vừa đạt tiêu chí tăng thanh khoản. Điển hình như Ngân hàng Á Châu (ACB) từng bán ra hơn 35 triệu cổ phiếu quỹ với giá trên gần 24.000 đồng/cổ phiếu, trong khi trước đó mua vào chỉ tầm 16.000 đồng/cổ phiếu. Nhờ đó, ACB đã thu về trên 838 tỉ đồng thặng dư trong giao dịch này. Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (TCB) cũng từng chi 4.000 tỉ đồng mua 172 triệu cổ phiếu quỹ, một năm sau đã bán ra và thu về đến 12.000 tỉ đồng. Hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (mã PLX) đã được nhà đầu tư chú ý từ đợt mua cổ phiếu giá trên 10.000 đồng/cổ phiếu, sau đó bán ra với giá 60.000 đồng chỉ sau chưa đầy 1 năm mua vào. 

Vẫn có rủi ro

Một chuyên gia lưu ý không phải DN nào mua cổ phiếu quỹ cũng có lời mà vẫn còn có rủi ro. Nếu thời điểm mua vào giá cổ phiếu chưa phải rẻ nhất thì vẫn có thể giảm tiếp. Ngoài ra, khi kinh tế đang đối mặt với suy thoái, môi trường kinh doanh trở nên bấp bênh, khó khăn, dòng tiền của DN không nhiều hay không đều, có rủi ro thiếu vốn lưu động hay vốn trả nợ, nếu lại mang tiền đi mua cổ phiếu quỹ thì rủi ro thiếu tiền càng lớn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo