xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chính phủ hỗ trợ, địa phương tận thu

Tô Hà

Trong khi Chính phủ nỗ lực có các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, có địa phương lại tăng mạnh thu phí, ban hành thêm các thủ tục hải quan mới làm phát sinh thêm chi phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6-2 về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là năm thứ tư liên tiếp, Chính phủ có nghị quyết yêu cầu các cơ quan liên quan phải nỗ lực cải thiện nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh.

Nỗ lực để tăng bậc

Nghị quyết 19/2017 đặt mục tiêu đến hết năm 2017 đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh. Ví dụ khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày. Đến năm 2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới); các chỉ số Đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) đạt trung bình ASEAN 5.


Xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển Hải Phòng Ảnh: Trọng Đức

Xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển Hải Phòng Ảnh: Trọng Đức

Bên cạnh việc giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, Chính phủ còn yêu cầu Văn phòng Chính phủ nâng cao hiệu quả hoạt động của diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của doanh nghiệp (DN) và người dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, tổng hợp báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ tháng cuối quý, cuối năm.

Đặc biệt, Chính phủ giao Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề xây dựng tiêu chí đánh giá cải cách thủ tục hành chính ở các bộ, ngành, địa phương, khảo sát đánh giá định kỳ việc thực hiện cải cách và báo cáo đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hải Phòng ngược dòng

Cùng ngày, Thủ tướng ban hành Nghị quyết 19, VCCI có văn bản kiến nghị Chính phủ cân nhắc xem xét những kiến nghị của UBND TP Hải Phòng về tăng thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng theo Nghị quyết 148 của HĐND thành phố, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, “chạy trước” Nghị định 19.

Theo đó, DN thông quan tại cảng biển Hải Phòng phải chịu một số loại phí tăng gần 70%-100% và bổ sung một số phí mới. Đây là đợt tăng phí thứ 3 kể từ năm 2015 của Hải Phòng nhưng không giải đáp được thỏa đáng các câu hỏi liên quan, như mức thu phí này được bù đắp thế nào, tại sao phải tăng cao và tăng liên tục? Đáng lưu ý là nghị quyết được ban hành ngày 13-12-2016 của HĐND TP có hiệu lực chỉ sau 17 ngày, không đủ thời gian cho DN góp ý kiến và chuẩn bị để áp dụng. Nhiều DN cho biết có những chuyến hàng đã bị lỗ vì mua bán theo giá cũ, đang trên đường về đã bị áp phí mới.

Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng nghị quyết của TP Hải Phòng đang đi ngược với những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN. Căn cứ để tăng phí không rõ ràng, áp đặt mức quá cao, tăng thêm thủ tục làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

Là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, khẳng định Nghị quyết 148 của HĐND TP Hải Phòng có nhiều vấn đề đặc biệt bất ổn. Cụ thể, có hiện tượng phí chồng phí, đưa ra mức phí quá cao nhưng không chứng minh được nguyên tắc thu phí là để cơ bản bù đắp chi phí, không tuân thủ quy định của pháp luật về ban hành văn bản, làm tăng chi phí thời gian, tiền bạc nhưng chưa đánh giá được tác động của chính sách đến hoạt động của DN. Đáng lưu ý, hiệp hội này cho rằng nguồn gốc của việc Hải Phòng tăng phí hạ tầng cảng biển có thể bắt nguồn từ chủ trương cắt giảm một phần ngân sách các địa phương mà Quốc hội thông qua trong kỳ họp trước. Quy định này có thể mở đầu cho một loạt địa phương khác ban hành các phí tương tự theo chủ trương tăng thu bù chi, làm sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh Việt Nam.

Cùng quan điểm này, VCCI lo ngại sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm để các địa phương có cảng biển, sân bay đặt ra các loại phí trong thời gian tới, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của DN.

Doanh nghiệp cần thời gian chuẩn bị

Để bảo đảm tính nhất quán trong chính sách, VCCI đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền của Hải Phòng giải trình thuyết phục về căn cứ đưa ra các mức phí mới. Nếu giải trình không thuyết phục, phải giữ nguyên mức phí trước thời điểm Nghị quyết 148 có hiệu lực. Trường hợp giải trình thuyết phục phải kéo giãn thời gian thực hiện ít nhất 6 tháng để DN có thời gian chuẩn bị.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo