xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chợ truyền thống đang hồi sinh

Thanh Nhân - Nguyễn Hải - Ngọc Ánh

TP HCM triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho tiểu thương, hướng dẫn tiểu thương bắt nhịp với xu hướng mua sắm, tiêu dùng hiện đại

Lượng khách đến mua sắm, giao dịch tại các chợ truyền thống tăng dần. Nhiều tiểu thương đã quay lại chợ và kỳ vọng sức mua sẽ tốt hơn nữa kể từ mùa hè này.

Tiểu thương bám chợ trở lại

Đầu tuần (30-5), chị Dương Thị Thanh Thủy, chủ sạp Đức Tiến (chuyên bán các loại hạt, kẹo, mứt, trái cây) tại chợ Bến Thành (quận 1) dọn hàng ra bán sớm như thường lệ. "Nay thứ hai, chợ vắng hơn cuối tuần nhưng cũng có khách lai rai. Khách du lịch đã trở lại dù chưa nhiều, hôm qua tôi đã bán được một ít trái cây và hạt khô cho du khách" - chị Thanh Thủy vừa dọn hàng vừa nói.

Theo chị Thủy, khách du lịch bắt đầu đến chợ, bao gồm cả khách trong nước và du khách đến từ Malaysia, Thái Lan... "Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, một số người nước ngoài làm việc tại TP HCM và hướng dẫn viên du lịch đã đến chợ thăm hỏi và kết nối, mua hàng trở lại" - chị Thu Thủy vui mừng nói thêm.

Chị Nguyễn Thị Diễm, tiểu thương bán hàng lưu niệm tại chợ Bến Thành, mới mở cửa bán hàng trở lại từ 3 tuần nay cũng cho biết lượng khách đang tăng dần, hy vọng từ tháng sau sẽ tăng thêm.

Cũng kỳ vọng sức mua sẽ tốt dần lên từ mùa hè này và trở lại bình thường từ lễ 2-9, chị Nguyễn Thị Thái Trang, tiểu thương ngành hàng quần áo chợ An Đông (quận 5), cho biết doanh thu tháng 5 đã tăng hơn 10% so với tháng 4. Tình hình kinh doanh đang có chiều hướng tốt lên nên tiểu thương trở lại bám chợ.

An Đông Plaza có khoảng 2.200 quầy sạp thì chỉ còn hơn 300 sạp đóng cửa. "Khách ở tỉnh vẫn chưa lên coi mẫu trực tiếp mà đặt hàng qua Zalo, khách hàng là các shop quần áo thời trang tại thành phố đa số chưa trở lại bán hàng trực tiếp mà chỉ bán online nên chưa đặt hàng nhiều. Tuy vậy, tình hình đang rất khả quan" - chị Trang lạc quan.

Ghi nhận tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), lượng khách đi chợ đã nhiều hơn cách đây vài tháng. Lúc 9 giờ, khu vực bán thịt, trứng chỉ vài sạp còn thịt, còn lại đã hết hàng, đóng sạp nghỉ. Khu vực thực phẩm khô, khách hàng mua sắm thong thả, một số sạp có thêm người phụ bán. Tương tự, khu vực các sạp quần áo, đồ dùng nhà bếp dưới tầng trệt cũng khởi sắc. Chủ sạp Tường Vy bán đồ trẻ em cho biết thời gian gần đây, khách đến chợ đông dần lên, nhất là sắp nghỉ hè, nhiều phụ huynh chọn mua quần áo cho con em.

Chị Nguyễn Ngọc Như (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết gần như tháng nào cũng ghé chợ Bà Chiểu mua đồ dù nhà cạnh siêu thị. "Thường cuối tuần chợ đông hơn, khu đồ tươi sống đông nghẹt. Đồ bên trong chợ giá thường rẻ hơn siêu thị, người bán tư vấn tận tình, hàng hóa gần như gì cũng có, chỉ cần hỏi người bán sẽ đem ra" - chị Như nói.

Tại chợ Bình Khánh, chợ Đo Đạc (TP Thủ Đức), chợ Hòa Bình (quận 5) lượng khách vào chợ cũng tăng đáng kể. Bà Trương Thúy Hoa (ngụ quận 6), cho biết thường xuyên đến chợ Hòa Bình để mua thực phẩm cho gia đình vì giá cả hợp lý, tươi ngon.

Chợ truyền thống đang hồi sinh - Ảnh 1.

Tiểu thương buôn bán tại chợ Bà Chiểu sáng 30-5. Ảnh: NGỌC ÁNH

Giảm nói thách, tăng giờ mở cửa để giữ khách

Ông Trần Minh Hà, Trưởng ban quản lý chợ Thanh Đa, cho biết khách đến chợ đã tăng khá tốt nhưng vẫn còn thua xa giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19. "Dịch bệnh cũng tạo thói quen cho người tiêu dùng mua sắm online nhiều hơn nên "chợ mạng" đã lấy bớt khách hàng của chợ truyền thống" - ông Hà phản ánh.

Còn theo ông Lê Quang Thiện, Trưởng ban quản lý chợ Tân Định, quận 1, TP HCM, sức mua ở chợ từ sau Tết đến nay đã dần phục hồi, lượng khách vào chợ đạt 70% so với thời điểm chưa xảy ra dịch.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Châu - Trưởng ban quản lý chợ Thái Bình, quận 1 - TP HCM, cũng xác nhận sức mua ở chợ đã tăng đáng kể, nhất là những ngày cuối tuần không khí mua sắm tại chợ khá nhộn nhịp, tiểu thương quay lại chợ gần như đầy đủ.

Ông Ngô Văn Hà - Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành, quận 1, TP HCM - cho biết chợ Bến Thành chủ yếu đón khách du lịch nước ngoài. Hiện khách đến chợ đạt được 2/3, so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt khoảng 1/3, chủ yếu là khách du lịch nội địa từ các tỉnh, phía Bắc. Riêng khách nước ngoài tham quan chợ hiện vẫn ở mức thấp, chiếm khoảng 30% trên tổng số khách tham quan và bằng 40% so với thời điểm trước dịch.

Tại chợ Bến Thành, trên 80% trong tổng số 1.439 quầy sạp đang mở cửa hoạt động. Trong tháng 6, sẽ có thêm một số quầy sạp mở cửa trở lại. Trung bình mỗi ngày, chợ đón khoảng 1.000 - 1.200 lượt khách, trong đó 40% là khách du lịch. "Chợ tăng giờ mở cửa mỗi ngày lên đến 22 giờ, thay vì đến 18-19 giờ như trước để tạo điều kiện cho tiểu thương bán hàng" - đại diện ban quản lý chợ Bến Thành cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều tiểu thương cho hay từ sau Tết nguyên đán, người dân đã đi chợ nhiều hơn. Để giữ khách, tiểu thương ở chợ chấp nhận lời ít hơn nên hiện nay, tình trạng nói thách đã giảm đáng kể.

Nhiều hoạt động vực dậy kinh tế chợ

Theo Sở Công Thương TP HCM, hiện có 225/234 chợ truyền thống tại thành phố mở cửa hoạt động. 9 chợ còn tạm ngưng hoạt động do xuống cấp trầm trọng, chờ sửa chữa hoặc thay đổi công năng.

"Chợ đang khởi sắc, lượng khách đến chợ tăng khá so với sau Tết nguyên đán. Sở Công Thương phối hợp cùng một số tổ chức, đơn vị và các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện các giải pháp để vực dậy kinh tế chợ thông qua các chương trình hỗ trợ hoạt động kinh doanh của tiểu thương, hướng đến nhu cầu chuyển đổi số, hướng dẫn tiểu thương chuyển đổi hình thức kinh doanh..." - đại diện Sở Công Thương cho biết.

Một trong các giải pháp đó là tiếp tục đẩy mạnh mô hình chợ trực tuyến. Cụ thể, phối hợp với Tập đoàn FPT triển khai ứng dụng "Chợ trực tuyến" Utop. "Từ tháng 9-2021 đến nay, sở đã triển khai ứng dụng này cho 24 chợ. Tiểu thương đăng ký bán trực tuyến 23 ngành hàng và thực hiện thành công 8.500 đơn hàng với doanh thu 2,5 tỉ đồng. Trong quý II/2022 sẽ có thêm 10 chợ tham gia ứng dụng này" - đại diện Sở Công Thương thông tin.

Song song với hoạt động hỗ trợ tiểu thương làm quen với môi trường kinh doanh trực tuyến, ngành công thương thành phố còn phối hợp một số đơn vị tổ chức các chương trình tập huấn cho tiểu thương kỹ năng kinh doanh và chăm sóc khách hàng, phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM triển khai các nội dung liên quan hoạt động thương mại như hỗ trợ vay vốn, kết nối tiểu thương chợ truyền thống với nhà vườn, HTX, doanh nghiệp cung ứng tại các tỉnh, thành...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo