xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chứng khoán bùng nổ: Mừng hay lo?

SƠN NHUNG - THÁI PHƯƠNG

Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp xô đổ những kỷ lục về chỉ số, thanh khoản, khối lượng giao dịch và nhà đầu tư mới tham gia thị trường

Bất chấp khó khăn do dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục bùng nổ. Được ví như "hàn thử biểu" của nền kinh tế nhưng việc tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán thời gian qua có phải là tín hiệu đáng mừng, đặc biệt khi dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào, bao gồm cả dịch chuyển từ kênh gửi tiết kiệm...

Từ đà tăng mạnh nhất khu vực

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9-6, thị trường chứng khoán đã tăng trở lại sau 2 phiên lao dốc mạnh. VN-Index tăng 13,02 điểm, lên 1.332,9 điểm; HNX-Index tăng 10,49 điểm, đóng cửa ở mức 316.87 điểm. Dù không bằng 2 phiên trước nhưng thanh khoản tiếp tục ở mức cao khi cả 2 sàn HoSE và HNX đạt trên 29.000 tỉ đồng.

Thống kê từ cơ quan quản lý đến ngày 31-5, VN-Index đạt 1.328,05 điểm, tăng 20,3% so với cuối năm 2020. HNX-Index đóng cửa ở mức 317,85 điểm, tăng 56,5% so với cuối năm 2020. Trong tháng 5-2021, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.178 tỉ đồng/phiên, tăng 16% so với tháng trước. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 21.214 tỉ đồng/phiên, tăng đến 185,9% so với bình quân năm trước.

Tính đến cuối tháng 5-2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6,44 triệu tỉ đồng, tương đương 102,3% GDP.

Chứng khoán bùng nổ: Mừng hay lo? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán đang thu hút nhiều giới tham gia Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đặc biệt, trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, chưa bao giờ nhà đầu tư cá nhân lại tích cực tham gia thị trường như gần đây. Chỉ tính trong tháng 5, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới 113.674 tài khoản chứng khoán và lũy kế 5 tháng đầu năm, số lượng tài khoản cá nhân mở mới trên 480.000 tài khoản, vượt 20% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm ngoái.

Hiện tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam đạt hơn 3,25 triệu, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới trong 5 tháng qua.

Theo ghi nhận, không chỉ những người có hiểu biết về cổ phiếu và thị trường mà rất nhiều nhà đầu tư mới gồm cả các bà nội trợ, dân văn phòng, sinh viên, thậm chí lãnh đạo doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề khác đang gặp khó khăn do dịch bệnh cũng chuyển qua chơi chứng khoán trong lúc "rỗi việc"...

Đến "kỷ lục" trục trặc

Tuy nhiên, sự tăng trưởng của những chỉ số, thanh khoản và khối lượng giao dịch kỷ lục, cũng đi kèm với những trục trặc "kỷ lục" gây bức xúc cho nhà đầu tư.

Từ đầu tháng 6-2021, khi thanh khoản và khối lượng giao dịch trên thị trường liên tục phá những kỷ lục mới, tình trạng tắc nghẽn, đơ xảy ra trên sàn HoSE ngày một nhiều. Ban đầu, các công ty chứng khoán khuyến khích khách hàng hạn chế sửa, hủy lệnh giao dịch; đến ngày 3-6, một số công ty chứng khoán chính thức không cho nhà đầu tư sửa, hủy lệnh trong thời gian giao dịch...

"Cộng thêm nhiều thời điểm cả sàn HoSE rơi vào tình trạng "mù" khi không hiển thị khối lượng, giá trị khớp lệnh, bảng giá không biết ai mua - ai bán. Đặt lệnh vài phút sau mới hiển thị do sàn nghẽn, khiến giá khớp tăng cao hơn hoặc giảm sâu hơn so với giá đặt ban đầu. Có lệnh đến lúc khớp thì về giá sàn, nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề. Chưa bao giờ thấy giao dịch chứng khoán trong tình trạng "bịt mắt" như vậy" - anh Việt Anh (một nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường) bức xúc.

Trên khắp các diễn đàn, cộng đồng đầu tư chứng khoán với hàng trăm ngàn thành viên, nhà đầu tư từ "khóc ròng" đến phẫn nộ, thậm chí yêu cầu lãnh đạo HoSE từ chức hoặc phải có trách nhiệm với nhà đầu tư. Thậm chí, một số nhà đầu tư còn phản ứng mạnh mẽ hơn bằng cách đánh giá "một sao" cho HoSE trên Google.

Nhiều nhà đầu tư thẳng thắn chứng khoán là kênh đầu tư, kênh huy động vốn của hàng ngàn doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng việc giải quyết bài toán nghẽn, đơ sàn bằng cách không cho nhà đầu tư hủy, sửa lệnh đã đẩy nhà đầu tư vào thế rủi ro, thiệt hại nặng nề.

"Rất nhiều người trong phiên giao dịch rớt gần 40 điểm của VN-Index ngày 8-6 đã phải đua lệnh MP (lệnh bán với giá thấp nhất hoặc mua với giá cao nhất) để bán tháo, chấp nhận rủi ro vì sợ sàn đơ, nghẽn, thậm chí "cúp cầu dao" bất cứ lúc nào. Bạn tôi do dùng margin (đòn bẩy tài chính) nên 2 phiên lao dốc của thị trường vừa qua đã bị "bốc hơi" 50% lợi nhuận khi lo sợ sàn đơ phải cắt lỗ" - chị Mỹ Hạnh (một nhà đầu tư vừa tham gia thị trường chứng khoán từ đầu năm) ấm ức.

Chứng khoán có tăng nóng?

Có sự "nóng, sốt" trên thị trường chứng khoán, theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu. Năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 2,91% và đạt 3,48% trong quý I/2021 nhưng vẫn thấp hơn nhiều độ tăng của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm đã khiến dòng tiền từ tiết kiệm dịch chuyển qua chứng khoán và bất động sản. Hiện đây có thể xem là 2 kênh hấp dẫn nhà đầu tư nhất.

Với thị trường chứng khoán, chỉ cần vài chục triệu đồng cũng có thể mua cổ phiếu đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Đặc biệt, với nhà đầu tư cá nhân, họ thường theo tâm lý đám đông, mua bán ào ào giúp chứng khoán lập đỉnh.

"Thị trường chứng khoán vốn là kênh giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu huy động vốn để phục vụ cho sản xuất - kinh doanh là tốt cho nền kinh tế. Nhưng nếu thị trường tăng nóng, giá cổ phiếu tăng vượt giá trị thực của doanh nghiệp gấp nhiều lần có thể gây rủi ro cho người mua giá cao. Nếu không kiểm soát tốt có thể xảy ra hiện tượng bong bóng, ảnh hưởng đến nền kinh tế" - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian ngắn đã tăng mạnh, cùng với nhiều kỷ lục đã được phá nhưng nhìn lại cả quá trình và so sánh ở các nước thì không gọi là tăng nóng. "Chúng ta đã đi chậm, lại thêm vừa qua có sự tăng tốc nên nhìn có vẻ bứt phá mạnh".

Dưới góc nhìn của TS Lê Đạt Chí - Phó trưởng Khoa Tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP HCM - trong bối cảnh các ngân hàng liên tục hạ lãi suất huy động khiến thị trường chứng khoán và bất động sản trở thành 2 kênh thu hút nhà đầu tư nhất. Nhìn ở góc độ vĩ mô, kinh tế Việt Nam hiện tại so với các quốc gia khác vẫn đang rất tốt, tăng trưởng cao ở giai đoạn dịch Covid-19.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhận định mối quan hệ giữa giá cổ phiếu với tình hình tài chính của doanh nghiệp không được gắn chặt như trước đây, thậm chí có phần trở nên lỏng lẻo. Khi kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp khó khăn, phá sản; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng giảm nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam lại liên tiếp lập kỷ lục và đã có lúc trở nên hưng phấn thái quá. Điều này khiến vai trò "hàn thử biểu" nền kinh tế của thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu bị lung lay, quan ngại.

"Nguy cơ rủi ro là sức tăng nóng đến từ các nhà đầu tư F0, khi đặc điểm của những nhà đầu tư này là mang tâm lý đám đông lớn. Nếu như thị trường có đà đi xuống hoặc gặp sự cố, họ sẽ thoái vốn khỏi thị trường rất nhanh. Dòng tiền rẻ kết hợp với tâm lý đám đông và đòn bẩy tài chính, đặc biệt đòn bẩy đầu tư cá nhân tăng cao sẽ khuếch đại mức độ và phạm vi rủi ro. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng hơn khi tham gia thị trường" - TS Cấn Văn Lực phân tích. 

Ngày 14-6 thử nghiệm hệ thống giao dịch KRX

Trong ngày 9-6, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã gửi thông báo đến các công ty chứng khoán về việc sẽ bắt đầu kết nối thử nghiệm hệ thống giao dịch KRX vào ngày14-6. Theo đó, ngày 11-6, HoSE sẽ gửi thông số kỹ thuật qua forum cho các công ty chứng khoán, để từ ngày 14-6 đến 23-7 sẽ thử nghiệm kết nối. Từ ngày 26-7 đến 6-8 thử nghiệm chức năng, trong đó công ty chứng khoán kết nối vào hệ thống mới của HoSE từ 8 giờ 30 phút đến 15 giờ các ngày làm việc trong tuần.

HoSE đã ký hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) để triển khai gói thầu "Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin". Gói thầu này có giá hơn 600 tỉ đồng.

Trước thực trạng hệ thống giao dịch trên HoSE vẫn tiếp tục trục trặc, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE, cho rằng thời gian qua, hệ thống chung của HoSE đã phát đi tín hiệu cảnh báo quá tải. Đã có rất nhiều phiên lệnh bị nghẽn. Vì vậy câu chuyện hạn chế sửa, hủy lệnh là biện pháp khuyến nghị phù hợp nhằm hạn chế lỗi 2G (một dạng lỗi kỹ thuật) chạm ngưỡng, có thể gây rủi ro "sập" hệ thống. Đó là giải pháp tình thế, có thể tạo sự bất tiện cho nhà đầu tư nhưng vì mục tiêu chung là an toàn cho toàn hệ thống nên vẫn phải áp dụng và rất mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân nhà đầu tư.

Về vấn đề có hay không sự ưu ái khi các nhà đầu tư cho rằng khối tự doanh các công ty chứng khoán được sửa, hủy lệnh, còn nhà đầu tư cá nhân thì không, lãnh đạo HoSE khẳng định cơ quan quản lý và cả HoSE đã quán triệt và không cho phép các công ty chứng khoán thành viên làm điều này. Hiện HoSE cũng giám sát rất chặt chẽ. Trước đó, các công ty chứng khoán cũng đều có cam kết tuân thủ bình đẳng với tất cả nhà đầu tư nếu áp dụng ngừng hủy, sửa lệnh.

HoSE đã làm tất cả những gì có thể vì lợi ích chung của thị trường. "Lãnh đạo HoSE sẵn sàng chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền" - ông Lê Hải Trà nói.

(Còn tiếp)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo