Thách thức không nhỏ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nhìn nhận sự kiện xuất khẩu lô bưởi tươi đầu tiên sang Mỹ mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng giá trị xuất khẩu nhưng thách thức đi kèm cũng không ít.
"Thị trường đã có nhưng vấn đề là phải khai thác sao cho hiệu quả. Ở vùng trồng, nông dân phải chuyển dịch sang canh tác theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, với các thị trường xa như: Mỹ, châu Âu, Úc… công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn yếu nên chủ yếu quả tươi phải xuất khẩu bằng đường hàng không với số lượng ít do chi phí cao. Việt Nam cần có những nghiên cứu đột phá về bảo quản sau thu hoạch để tăng nhanh được lượng xuất khẩu trái cây" - ông Nguyên bày tỏ.
Ngoài ra, theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý trái bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) và phải được kiểm tra giám sát định kỳ trong suốt vụ bưởi.
Bên cạnh đó, các lô hàng bưởi tươi xuất khẩu sang Mỹ phải được xử lý chiếu xạ với liều tối thiểu là 150 Gy, kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, trong đó phần khai báo bổ sung phải ghi rõ lô hàng không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật và được sản xuất theo phương pháp tiếp cận hệ thống.
Tổng Thư ký Vinafruit cũng khuyến cáo các DN cần tuân thủ quy định thị trường Mỹ, không cạnh tranh phá giá, làm ảnh hưởng uy tín trái cây Việt.
Ông Vương Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (Long An), cũng rất kỳ vọng vào quả bưởi xuất khẩu vào Mỹ sẽ đem lại giá trị lớn vì loại quả này thu hoạch quanh năm, thời gian bảo quản dài nên có thể vận chuyển bằng đường tàu biển với chi phí thấp.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đã phá vỡ được thế độc quyền chiếu xạ trái cây xuất khẩu sang Mỹ, giúp các nhà xuất khẩu trái cây có thêm nhiều lựa chọn và giá chiếu xạ cũng giảm 20%-30% so với trước.
"Tiềm năng là vậy nhưng bưởi Việt Nam không phải một mình một chợ tại Mỹ mà phải cạnh tranh với nhiều nguồn khác, đặc biệt là bưởi tươi từ Nam Mỹ có giá rất rẻ. Trong khi đó, ở Việt Nam ngay khi có thông tin bưởi được xuất khẩu sang Mỹ thì loại quả này đã tăng giá. Bên cạnh đó, bưởi xuất khẩu phải được sản xuất theo tiêu chuẩn Mỹ cũng gây khó cho DN trong việc phát triển thị trường. Với ngành này, để bảo đảm chất lượng cần phải tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết nhưng sự liên kết này hiện vẫn chưa chặt nên chưa tạo được sự ổn định cho thị trường" - ông Hiếu bày tỏ.
Bà Amy Nguyen, Chủ tịch Công ty Dragonberry Produce (Mỹ) - chuyên xuất nhập khẩu trái cây tươi, cho biết đã nhập khẩu thanh long, nhãn, dừa, vải… từ Việt Nam và đang muốn tăng thêm sản lượng trong năm 2023 nên cần có thêm đối tác mới.
Tuy nhiên, bà có nhận xét là trái cây của Việt Nam rất ngon nhưng thiếu sự đồng đều về chất lượng và mẫu mã nên khó bán. Vì vậy, các nhà sản xuất, xuất khẩu cần phải tiêu chuẩn hóa các loại trái cây, phân loại kích cỡ rõ ràng. Ví dụ dễ hiểu như 1 hộp trái cây Mỹ (cherry, táo, cam,…) có kích cỡ rất đều nhau, trong khi 1 thùng trái cây Việt Nam sẽ có quả lớn, quả bé - chênh lệch nhau rất nhiều.
"Đưa trái cây tươi sang Mỹ mất thời gian dài nên cần có kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển đúng chuẩn để khi hàng lên kệ tại Mỹ vẫn bảo đảm chất lượng. Chúng tôi đang hướng dẫn cho nông dân, nhà máy đóng gói trái cây các kỹ thuật cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thị trường" - bà Amy Nguyen chia sẻ.
Cũng theo bà Amy Nguyen, trước giờ trái cây Việt Nam tại Mỹ chủ yếu được bán ở cộng đồng người châu Á hạn hẹp, còn Công ty Dragonberry Produce phân phối cho các siêu thị Mỹ, nôm na là bán cho dân "Tây" nên đòi hỏi khắt khe hơn nhưng thị trường rộng lớn hơn.