xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công nghiệp chế biến thực phẩm: Tiềm năng chưa tìm được vốn

Thanh Nhân

Hầu hết doanh nghiệp mua gom xuất khẩu chứ chưa chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, đầu tư kỹ thuật và công nghệ để chế biến sâu

Việt Nam đã gia nhập sâu rộng thị trường chung thế giới. Trong lĩnh vực nông sản thực phẩm, các mặt hàng nông sản nổi bật của Việt Nam như lúa gạo, hạt điều, tiêu, cà phê, thủy hải sản, rau củ, trái cây… đã có mặt trên hơn 100 quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến giờ này, đa số sản phẩm nông sản thực phẩm được xuất đi dưới dạng tươi, thô hoặc sơ chế chứ chưa qua tinh chế, chế biến sâu nên lợi nhuận thu về còn rất thấp. Hầu hết doanh nghiệp (DN) mua gom xuất khẩu chứ chưa chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, kỹ thuật, công nghệ để chế biến sâu. Đặc biệt, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mặc dù mỗi năm rót vốn khá nhiều vào Việt Nam nhưng lại không mặn mà với lĩnh vực này.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam thu hút vốn FDI được gần 290 tỉ USD và giải ngân gần 160 tỉ USD. Thế nhưng, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm chỉ được 7,6 tỉ USD với 521 dự án.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Singapore đang dẫn đầu về các dự án đầu tư ở Việt Nam, kế đến là Hà Lan, Hàn Quốc… FDI trong chế biến thực phẩm chỉ tập trung ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và tập trung ở lĩnh vực rượu bia, đồ uống. Trong khi đó, các lĩnh vực công nghiệp thực phẩm quan trọng khác chưa được đầu tư nhiều; hoạt động đầu tư FDI cũng ít gắn kết với vùng nguyên liệu và đặc biệt rất nhiều đối tác có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm trên thế giới nhưng ít tham gia lĩnh vực này ở Việt Nam.

Hơn 90% cà phê Việt Nam vẫn chỉ xuất khẩu thô chứ không qua chế biến Ảnh: HOÀNG THANH
Hơn 90% cà phê Việt Nam vẫn chỉ xuất khẩu thô chứ không qua chế biến Ảnh: HOÀNG THANH

Theo ông Đặng Xuân Quang, một phần nguyên nhân khiến các DN FDI chưa quan tâm đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm là do nguồn nguyên liệu nông - thủy sản Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất, xuất khẩu. Song song đó, hiện chưa có chính sách ưu đãi riêng cho lĩnh vực này mà nằm rải rác ở các quy định khác nhau, trong các chính sách nông nghiệp nông thôn, tín dụng và phụ thuộc vào từng địa bàn cụ thể nên chưa thật sự “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, chính quyền địa phương cần chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư và DN phù hợp với luật pháp Việt Nam. Đồng thời, các DN, cơ sở sản xuất trong nước cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông - thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Việt Nam đang có lợi thế về nguồn nông sản thực phẩm đa dạng, dồi dào; còn đi trước các nước trong việc tham gia những hiệp định thương mại lớn trên thế giới, được nhiều ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước cũng như tiếp cận những chính sách và thu hút đầu tư… Vì vậy, đây là thời điểm đúng đắn để đầu tư vào nguồn nhân lực và mảng chế biến tinh ngành công nghiệp thực phẩm.

HỒ THỊ KIM THOA, Thứ trưởng Bộ Công Thương:

img

Cơ hội lớn cho nhà đầu tư

Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam đang trên đà phát triển nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Trong nước, lượng tiêu thụ thực phẩm hằng năm của Việt Nam ước tính chiếm khoảng 15% GDP, riêng năm 2015 là 18%. Trong khi đó, sản xuất chế biến thực phẩm chỉ tăng 8,5%, sản xuất đồ uống tăng 7,4%. Ở thị trường nước ngoài, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2015 đạt 30,14 tỉ USD, dự kiến từ năm 2017 đạt trên 31 tỉ USD. Các mặt hàng nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 100 nước trên thế giới, chất lượng nguyên liệu thực phẩm Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của bạn hàng trên khắp thế giới. Chẳng hạn, Công ty Starbucks (Mỹ) bán cà phê Arabica có xuất xứ từ Cầu Đất, Đà Lạt tại hơn 21.500 cửa hàng Starbucks ở 56 quốc gia. Điều đó chứng tỏ nguồn nguyên liệu thực phẩm của Việt Nam hiện có thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các hãng thực phẩm và đồ uống uy tín nhất trên thế giới. Các nhà đầu tư nước ngoài không nên bỏ lỡ thời cơ khai thác cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam. Đồng thời, các DN, tổ chức, địa phương của Việt Nam có nhu cầu thu hút FDI vào lĩnh vực này cũng cần chủ động xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài đến hợp tác đầu tư kinh doanh.

Ông NGUYỄN LÂM VIÊN, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit:

img

Đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam

Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam lâu nay không phát triển được là do các DN tập trung mua gom xuất khẩu nguyên liệu thô, bán thành phẩm sang các thị trường thay vì đầu tư sản xuất tinh để nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ quá lớn là Trung Quốc luôn sẵn sàng mua gom nông sản thực phẩm Việt Nam trong những tháng nghịch mùa sản xuất của họ cũng góp phần làm DN Việt chủ quan, chưa sẵn sàng bỏ vốn đầu tư sâu. Thời gian gần đây, nhà nước kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, theo tôi, có thể mang lại hiệu quả tích cực vì xu hướng các nước phương Tây tẩy chay thực phẩm bẩn Trung Quốc khiến một số nhà đầu tư Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam. So với Trung Quốc, nguồn nguyên liệu nông sản Việt Nam “sạch” hơn, lực lượng lao động nông nghiệp nhiều và chịu trồng trọt cũng là điểm cộng để thu hút đầu tư.

Riêng trong phân khúc nông sản chế biến đã có một số DN đầu tư nhưng do chi phí đầu tư cao, thiếu kinh nghiệm trong khâu tổ chức phân phối… nên chưa dám đầu tư mạnh mà chỉ làm nhỏ lẻ, chưa đủ sức cạnh tranh ở nước ngoài. Tuy nhiên, nếu các DN trong nước chậm chân thì kịch bản sẽ xảy ra tương tự với ngành cà phê, gạo, tiêu… sản phẩm xuất đi nhiều nước nhưng không xây dựng được thương hiệu, bị các DN Thái Lan, Singapore, Philippines, Trung Quốc… “ăn cắp” tên, rất khó đòi lại.

NGUYỄN THỊ HỒNG MINH, Chủ tịch Hội Thực phẩm minh bạch:

img

Quản lý chồng chéo, chưa hiệu quả

Hiện có khoảng 631 DN sản xuất thực phẩm an toàn xuất khẩu. Trong nước, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế chứng nhận 2.495 cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Cục Trồng trọt đã chứng nhận 1.585 cơ sở đạt GAP, 3.500 cơ sở đạt tiêu chuẩn VietGAP… Thế nhưng, những cơ sở này tên gì, sản phẩm của họ là gì và đang cung ứng sản phẩm ở đâu thì người tiêu dùng không biết hoặc biết nhưng không đầy đủ. Nguyên nhân là do nhiều DN đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng từ chối thông tin.

Trong khi đó, công tác thẩm định và cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan quản lý không tương thích với tiêu chuẩn chứng nhận của tổ chức quốc tế. Các cơ quan quản lý chỉ kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm theo chiến dịch, kiểm soát lô hàng mà không kiểm soát hiệu quả tại các điểm đầu tiên của chuỗi thực phẩm như biên giới, chợ đầu mối, các cảng bao gồm cảng cá, cơ sở sản xuất, thương mại, hóa chất, thức ăn và phân bón… Có quá nhiều cơ quan chịu trách nhiệm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi lại không có lực lượng thanh tra, kiểm soát.

Việc có quá nhiều cơ quan quản lý vừa dẫn đến chồng chéo vừa tạo lỗ hổng. Với cách quản lý hiện nay thì không thể nào quản lý hết và không cập nhật kịp xu hướng. Cần quản lý theo chuẩn mực, tiêu chuẩn chung giống như châu Âu và các nước đang làm.

Giáo sư VÕ TÒNG XUÂN, chuyên gia nông học:

img

Doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn

Có thể thấy nhiều hạn chế của ngành nông nghiệp Việt Nam khiến các nhà đầu tư ngoại ngại bỏ vốn vào. Thứ nhất, nguồn nguyên liệu nông - thủy sản có chất lượng không ổn định, không được kiểm soát chặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, rất rủi ro cho nhà đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu nên DN không dám đầu tư lớn. Thứ hai, công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam còn quá kém, chưa hỗ trợ được các khâu sản xuất tinh. Vì vậy, thay vì bỏ vốn vào lĩnh vực này, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn khác để bỏ vốn hiệu quả hơn. Trước thực trạng đó, tôi cho rằng cần có những DN trong nước đi trước, đầu tư hiệu quả để tạo động lực cho các DN khác làm theo.

Đ.Nghi ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo