Ý KIẾN
Ông Văn Đức Mười, chuyên gia về chăn nuôi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Vissan:
Heo nái phải được đăng ký
Ở các nước tiên tiến, chăn nuôi heo phải đăng ký quy mô vì nó liên quan đến môi trường, nếu nuôi vượt phải đóng thuế môi trường rất nặng vì nguy cơ ô nhiễm. Tại Việt Nam, để giảm đàn phải thực hiện công tác thống kê, loại thải những con nái năng suất kém. Số heo nái được giữ lại phải được đăng ký tại từng địa phương để quản lý vì từ số heo nái sẽ quản lý được tổng đàn. Từng địa phương phải có quy hoạch cụ thể, tùy theo cung cầu, vùng nào được nuôi bao nhiêu con và quản lý để không bị vượt.
Theo tôi, đã đến lúc đưa ra quy định và kiên quyết thực hiện. Nếu cơ quan nhà nước vì "sợ" dân phản ứng mà e dè sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung của cả xã hội. Quy định này có thể gây khó cho người nuôi nhỏ lẻ nhưng để kiểm soát chăn nuôi tự phát đang dẫn đến hậu quả rớt giá như ngày nay. Vấn đề của ngành chăn nuôi là phải quy hoạch được sản lượng, kiểm soát được chất lượng thì sẽ đi vào chăn nuôi bền vững, không bị mất giá. Khâu mở cửa thị trường sẽ được thực hiện trước, khi có thị trường mới mở sản lượng.
Ông Lâm Tuấn Hùng: Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống Lotte Mart Việt Nam:
Nuôi trồng tự phát phải gánh hậu quả
Trong cơn khủng hoảng thừa của thịt heo, chúng ta thường nói chung là hỗ trợ nông dân nhưng thực tế Lotte Mart không thể mua heo của nông dân dù giá rẻ vì sản phẩm của họ không đạt chuẩn. Những hoạt động "giải cứu" thịt heo của Lotte Mart thực tế đang hỗ trợ cho các DN nông nghiệp chính thống, đáp ứng các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, không thể hỗ trợ chung chung theo kiểu cảm tính. Thịt heo bị thừa có nguyên nhân từ các hộ dân chăn nuôi tự phát và họ phải tự gánh chịu hậu quả cho việc làm này.
Nhìn rộng ra thị trường nông sản Việt Nam lâu nay luôn bấp bênh là do công tác dự báo không kịp thời, không có hướng dẫn nông dân sản xuất cụ thể. Khi bán được giá thì ồ ạt nuôi trồng như cá tra, hành tím, dưa hấu… dẫn đến cung vượt cầu, giá hạ lại treo ao, bỏ ruộng. Để giải quyết căn cơ vấn đề này phải có quy hoạch bài bản, sát với thực tế, người dân làm theo có lợi nhuận thì sẽ không phớt lờ "cảnh báo" như trước giờ vì công tác dự báo không chuẩn.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long:
Lỗ hổng lớn nhất là thông tin thị trường
Việc quy định chăn nuôi heo là ngành kinh doanh có điều kiện để kiểm soát việc tăng đàn và các vấn đề môi trường là không hợp lý bởi không thể tạo thêm rào cản cho DN và hộ nông dân trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập hiện nay, nhất là tránh tình trạng độc quyền. Bài toán "được mùa mất giá" của ngành nông nghiệp thời gian qua ai cũng biết nhưng cái gốc vấn đề là chúng ta nói quá nhiều nhưng chỉ đưa ra biện pháp tình thế, trong từng giai đoạn nhất định nên mang tính "giải cứu". Trong khi đó, phải có lộ trình, kế hoạch, chiến lược cụ thể của ngành khi cung lớn hơn cầu, vai trò của nhà nước, của DN và cơ quan quản lý ở đâu? Tôi cho rằng lỗ hổng lớn nhất với người nông dân hiện nay là lỗ hổng thông tin thị trường, giá cả thị trường… Đây là bệnh nan y cần được giải quyết sớm. V.Duẩn - Ng.Ánh - T.Phương ghi