Chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển:
Cùng sử dụng một số liệu cho thấy có sự thông đồng
Quá trình định giá tài sản của AVG nhìn theo quy trình thì có vẻ đúng. Nghĩa là một thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) đã được thuê một công ty chứng khoán lớn làm dịch vụ, thuê thêm 2 công ty định giá để cho có bài bản. Tuy nhiên, thương vụ này không phải là M&A bình thường. MobiFone là DN nhà nước quy mô lớn. Tiền của nhà nước nên không thể tìm một công ty định giá để tham khảo là đủ mà việc định giá để có tính khoa học, độ tin cậy cao thì phải dựa vào số liệu có so sánh thực tế thông qua nhiều dữ liệu chứ không chỉ lấy một nơi. Cụ thể là phải xem AVG hoạt động bao nhiêu năm, dự đoán tốc độ tăng trưởng trong 5 năm tới, độ lớn của thị trường có so sánh cả GDP. Đặc biệt là cần có những công ty tương tự về hoạt động để tham khảo như K+, Truyền hình Cáp Sài Gòn, kể cả Đài Truyền hình Vĩnh Long… Nghĩa là việc định giá đúng là cần phải tham khảo tất cả cơ sở từ bên trong và bên ngoài; đồng thời lãnh đạo công ty phải luôn đặt câu hỏi số liệu lấy ở đâu, minh bạch chưa, đủ và đúng không?
Việc này sai phạm ngay từ đầu là cả 3 công ty cùng sử dụng một số liệu, cho thấy có sự thông đồng. Có thể nói đây là ý chí chủ quan của lãnh đạo công ty chứ một chuyên gia độc lập nhìn vào đã biết ngay là "mờ ám". Chỉ cần công bố, các chuyên gia tính nháp cũng có thể ra giá trị, nếu có sai thì chỉ trong tầm 10%-20% chứ không thể nhiều được. Đáng nói là thương vụ này được xem là mật, không được công bố. Trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp thẩm định giá tài sản nhà nước mà tài sản thật và tài sản định giá sai lệch đến 100 lần, như vụ Công ty Cho thuê Tài chính II của Agribank, con tàu được định giá đến 100 tỉ đồng, hay ụ nổi trong vụ Vinashin định giá cả ngàn tỉ đồng.
Trước đây, khi Bộ Tài chính đưa ra 2 quy trình định giá tài sản của một DN khi CPH. Một là định giá theo phương pháp so sánh. Hai là định giá theo phương pháp dòng tiền. Trước năm 2005, hầu như việc CPH không chú ý đến việc tính đến giá trị thương hiệu. Lúc đó, chỉ liệt kê sổ sách, tài sản. Riêng về giá trị đất (dù là thuê dài hạn) cũng không định giá. Thời điểm đó, thị trường chứng khoán chưa phát triển, không hình dung được giá trị DN như thế nào. Hơn nữa, nhiều DN hoạt động èo uột, khi định giá chỉ căn cứ theo lợi nhuận hằng năm nên giá trị CPH thời điểm đó rất thấp. Quan trọng hơn là lúc đó, nhà nước muốn đưa DN ra CPH nhưng vẫn phải hoạt động tốt, người lao động không mất việc. Mà thật ra, những DN nhà nước lãi cao thì đã được giữ lại. Như vậy, trong bối cảnh đó có thể thông cảm được. Nhưng sau này, thị trường chứng khoán phát triển, nhà nước cần phải chặt chẽ, quan tâm và dùng đến phương pháp định giá thông qua dòng tiền. Hiện nay, nhà nước tính luôn thương hiệu, quyền sử dụng đất nên tương đối đầy đủ.
Thực tế, việc định giá chỉ là một bước của quá trình. Việc đấu giá phải tổ chức công khai, ai muốn mua thì mua, cổ phiếu đó do thị trường quyết định.
Thật ra, đấu giá cũng không phải là cây đũa thần nhưng một công ty chuyển đổi từ nhà nước sang cổ phần nên thực hiện dần theo 3 bước. Một là, sau khi định giá xong, tìm một vài đối tác là tổ chức tài chính trong nước tham gia quyền mua ban đầu, tham gia HĐQT. Sau đó, bước 2 là khi đã thành công ty cổ phần, bán cho CB-CNV nhưng vốn nhà nước vẫn còn 65%. Tiếp theo cho lên sàn, lúc đó nhà nước cứ muốn thoái vốn thêm bao nhiêu thì thoái. Nghĩa là nhà nước nên bán từng phần nhưng theo thời giá tốt nhất. Điển hình như Vinamilk, Sabeco… bán rất được giá. Cuối cùng, người đứng đầu phải có tâm. Bởi dù mọi quy định đúng bài bản nhưng người lãnh đạo không có tâm thì đều có thể bị "lọt".
S.NHUNG ghi