Hiện toàn tỉnh Hải Dương có 11.000 ha vải, trong đó tập trung ở 2 huyện Thanh Hà và Chí Linh. Năm nay, vải được mùa, dự kiến sản lượng toàn tỉnh đạt trên 50.000 tấn, nếu cộng cả sản lượng vải của tỉnh Bắc Giang thì sẽ đạt hơn 200.000 tấn. Mùa vụ vải ngắn, kéo dài từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 7 và khoảng 20 ngày nữa sẽ thu hoạch rộ. “Năm 2014, Bắc Giang, Hải Dương thu hoạch 200.000 tấn vải, tiêu thụ trong nước được 90.000 tấn, trong đó bán vào TP HCM và các tỉnh phía Nam 60.000 tấn. Chúng tôi xác định thị trường nội địa rất quan trọng. Với dân số gần 100 triệu người, chỉ cần mỗi người tiêu thụ 2 kg vải thì cung đã đủ cầu, không lo hàng tồn, rớt giá” - ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, nói.
Bộ Công Thương thành lập “tổ phản ứng nhanh”
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, ông Võ Văn Quyền, cho biết bộ này đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ việc thành lập tổ công tác liên ngành nhằm xử lý những vấn đề mang tính liên ngành, thời sự, có thể coi như “tổ phản ứng nhanh” giải quyết đầu ra cho nông sản.
Theo ông Quyền, sản lượng vải năm nay khoảng 200.000 tấn, trong đó khả năng xuất khẩu khoảng 80.000 tấn, còn 120.000 tấn tiêu thụ nội địa. Nhiều thị trường đã quan tâm đến trái vải của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Úc, Mỹ... “Phải nói rằng để trái vải thâm nhập được 1 thị trường là cả vấn đề, đàm phán rất nhiều năm và đòi hỏi tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định” - ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, kinh nghiệm cho thấy những sản phẩm tốt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thường bán được giá cao hơn và tiêu thụ tốt hơn. Vì vậy, không chỉ các thị trường khó tính mà ngay cả thị trường truyền thống dễ tính như Trung Quốc hay thị trường trong nước cũng đều phải lưu ý về chất lượng.
T.Dương