xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Động lực tăng trưởng mới của TP HCM (*): Mở đường cho kinh tế số

NHÓM PHÓNG VIÊN

Để tận dụng tối đa lợi ích từ các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là kinh tế số, cần chính sách thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía nhà nước

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký Quyết định 503 phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án).

Với đề án này, TP HCM mong muốn góp phần tạo nhận thức thống nhất về các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và các loại hình kinh tế sáng tạo khác theo đà phát triển của khoa học - công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tăng tỉ trọng kinh tế số trong GRDP

Mục tiêu của Đề án là kinh tế số chiếm 25% GRDP của TP HCM vào năm 2025 và chiếm 40% GRDP vào năm 2030; cải thiện các chỉ số sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm; TP HCM thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số kinh tế số.

Động lực tăng trưởng mới của TP HCM (*): Mở đường cho kinh tế số - Ảnh 1.

Giới thiệu các công nghệ, ứng dụng trong chuyển đổi số ở lĩnh vực ngân hàng tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ ở TP HCM mới đây .Ảnh: BÌNH AN

Thực tế, nhiều ngành, lĩnh vực tại TP HCM đã chủ động chuyển đổi số cũng như tích cực gia nhập hệ sinh thái kinh tế số. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết không ít doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đã chuyển đổi số khá mạnh mẽ khi mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ, tăng cường tự động hóa nhằm cải tiến quản trị, tiếp thị khách hàng đa kênh. "Dịch Covid-19 gây thiếu hụt lao động buộc DN ngành gỗ phải đầu tư thiết bị, tự động hóa dây chuyền sản xuất. Đây cũng là xu hướng trong tương lai khi đại dịch qua đi" - ông Hoài cho hay.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), nhiều DN có ý thức chuyển đổi số mạnh mẽ và thực hiện khá tốt, thể hiện ở năng suất tăng, quản trị DN tốt hơn. Các DN thương mại chuyển đổi số hiệu quả hơn nhóm sản xuất do áp lực phải thích ứng với thay đổi của thị trường. Trong mảng thiết kế, với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và rành về công nghệ, ứng dụng số cũng phát huy hiệu quả cao.

"Sắp tới, HAWA sẽ thành lập cộng đồng CIO (giám đốc công nghệ thông tin) trong ngành gỗ, chuyển đổi nguồn lực con người, tập xây dựng năng lực về chuyển đổi số, năng lực lãnh đạo trong nền kinh tế số. Trước đó, từ năm 2020, HAWA cùng một số đối tác đã thành lập sàn trưng bày các showroom trực tuyến theo định dạng 3D để khách hàng nước ngoài tham quan, tìm hiểu sản phẩm cũng như hoạt động sản xuất thực tế tại các nhà máy, nhờ đó nhiều DN ký được hợp đồng xuất khẩu giá trị cao" - tổng thư ký HAWA cho hay.

Trong lĩnh vực bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), nhìn nhận số hóa và thương mại điện tử trong 2 năm qua được thúc đẩy và mang lại những giá trị nhất định cho DN. "Saigon Co.op xác định số hóa là trung tâm trong các hoạt động, nhất là trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị chung. Do tính đặc thù nên Saigon Co.op số hóa theo cách riêng của mình và không gây ra chi phí quá lớn song vẫn tạo nên sự khác biệt" - ông Đức nói.

Về phía cơ quan quản lý, nhiều năm qua, Cục Thuế TP HCM đã xây dựng và đưa vào hoạt động cổng giao dịch điện tử HCMTAX kết nối cơ quan thuế và người nộp thuế để tiếp nhận ý kiến, phản ánh và trả lời các vướng mắc của DN, người dân. Thời gian tới, Cục Thuế sẽ mở rộng cung cấp các dịch vụ qua cổng này nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch của đối tượng nộp thuế với cơ quan thuế qua hình thức trực tuyến.

Đặc biệt, ngành thuế sẽ phối hợp với một số ngân hàng thương mại triển khai nộp thuế điện tử cho hộ cá nhân kinh doanh, nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng như các khoản thuế, phí, lệ phí khác qua ứng dụng HCMTAX; tiếp tục triển khai ứng dụng quản lý hộ kinh doanh trên bản đồ số.

Vượt trở ngại để chuyển đổi số

Ngoài nhóm DN tích cực chuyển đổi số, tham gia vào nền kinh tế số, còn một bộ phận vẫn e ngại trong việc tiếp cận các ứng dụng số vì nhiều lý do.

Bà Hồ Đức Minh, Chánh Văn phòng Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết số hóa là một trong những nội dung được hội quan tâm đưa vào chương trình hoạt động trong thời gian qua và sắp tới. Qua khảo sát, hội ghi nhận các DN đã số hóa từng phần hoạt động như kế toán, quản lý khách hàng kho vận… nhưng chưa liên thông, kết nối với nhau.

Do vậy, khi cần số liệu, DN vẫn mất thời gian để in ra mà không thể xuất dữ liệu nhanh chóng như số hóa toàn bộ. "Nếu cách đây 5 năm, chúng tôi còn phải truyền thông cho DN về tầm quan trọng của số hóa thì nay hầu hết DN nhận thức rõ số hóa là xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động vẫn còn khoảng cách, nhất là khi DN thuộc hội phần lớn là DN tiêu dùng, nhiều chủ DN lớn tuổi không rành về công nghệ. Không những thế, khách hàng của họ chủ yếu ở kênh truyền thống nên chưa thấy tính bức thiết của chuyển đổi số. Đáng mừng, hiện đã xuất hiện một thế hệ lãnh đạo trẻ kế nghiệp nên chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ nhanh hơn trong thời gian tới" - bà Minh bày tỏ.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, việc đầu tư chuyển đổi số, số hóa rất tốn kém nên DN phải cân nhắc và có bước đi thận trọng, nhất là trong bối cảnh khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19. Đó là lý do mà tỉ lệ DN chuyển đổi số, tham gia vào nền kinh tế số hiện còn chưa cao.

Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) đánh giá chuyển đổi số là xu thế, đồng thời là yêu cầu bắt buộc cho sự phát triển của DN trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, phần lớn DN nhỏ và vừa còn có nhận thức khác nhau về chuyển đổi số; một bộ phận có tâm lý e ngại, né tránh thực hiện. "Các DN nhỏ và vừa một mặt tìm kiếm đối tác cung cấp giải pháp uy tín, linh hoạt, sẵn sàng hỗ trợ họ trong hoạt động chuyển đổi số, mặt khác mong muốn thành phố đẩy nhanh chuyển đổi số trong thủ tục hành chính, thuế, hải quan... để giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động" - ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực HUBA, cho biết.

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM - phản ánh nhiều DN chưa mặn mà, hào hứng với chuyển đổi số. Lý do không phải DN lo ngại về kinh phí phục vụ chuyển đổi số mà bởi nhận thức, tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo DN chưa đủ.

"Đây là câu chuyện của DN bởi chuyển đổi số không chỉ là phát triển thương mại điện tử mà còn là hệ thống hóa về kho, logistics, quản trị DN... Khi chuyển đổi số, mọi thứ sẽ rõ ràng, minh bạch hơn và đây chưa hẳn là điều mà các nhân viên của DN mong muốn" - ông Tuấn giải thích.

Theo TS Lê Đặng Trung, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Real-Time Analytics (RTA), đối tác của Ngân hàng Thế giới trong dự án "Hỗ trợ DN vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số", cần có chính sách thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Ông Trung cho rằng Việt Nam có thể học mô hình của Singapore trong triển khai chuyển đổi số.

Theo đó, DN tự tìm mua giải pháp công nghệ, Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí. Từ hiệu quả của số hóa, chuyển đổi số, DN có thể tăng năng suất, doanh thu và lợi nhuận, đóng thuế nhiều hơn để bù đắp lại phần ngân sách đã bỏ ra trước để hỗ trợ DN. Ngoài ra, nhà nước cũng cần có quy định cụ thể trong việc ưu tiên sử dụng giải pháp công nghệ trong nước đối với lĩnh vực hành chính công để DN công nghệ nội địa phát triển.

Thách thức về nguồn nhân lực số

Dưới góc nhìn của các chuyên gia Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), bài toán cần giải quyết trong lộ trình phát triển kinh tế số và xây dựng đô thị thông minh cho TP HCM là câu chuyện nguồn nhân lực. TP HCM đang thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao và phù hợp với nhu cầu phát triển của DN cũng như thành phố, dù có lợi thế hơn các tỉnh về nguồn cung nhân lực.

Theo các chuyên gia, cơ cấu kinh tế TP HCM hiện nay và 5-10 năm tới sẽ dịch chuyển theo hướng tập trung vào lĩnh vực dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cần tập trung vào khu vực này và gắn với kinh tế số, quản lý đô thị thông minh.

Xây dựng chính quyền số

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết thời gian tới, sở sẽ tham mưu và thực hiện những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số của thành phố, trọng tâm là xây dựng chính quyền số. Cụ thể, sở tham mưu triển khai Hệ thống theo dõi việc giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân theo thời gian thực thông qua tổng đài 1022 và Cổng giao tiếp thống nhất đa phương tiện giữa người dân và chính quyền thành phố.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo