xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đông nghịt trên trời, kẹt cứng dưới đất: Sửa sân bay, có tiền cũng chịu!

THÁI PHƯƠNG - DƯƠNG NGỌC

Tình trạng xuống cấp, hư hỏng ở đường băng, đường lăn trong các sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài từng được cảnh báo rất nhiều nhưng vướng cơ chế, chưa thể sửa được

Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, cùng với cuộc đua gay cấn về mở rộng thị phần, hãng bay là áp lực rất lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành hàng không vốn quá tải, nhất là ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Trong khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) không có vốn để đầu tư nâng cấp đường cất, hạ cánh và đường lăn tại sân bay Nội Bài, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV - đơn vị khai thác khu bay) có sẵn tiền song cơ chế lại không cho phép doanh nghiệp (DN) này tự ý sửa chữa.

Muốn sửa phải xin

Theo ACV, DN này đang điều hành và khai thác 21 cảng hàng không dân dụng trên cả nước. Năm 2012, tổng công suất thiết kế toàn mạng cảng hàng không trực thuộc ACV đạt 50,1 triệu khách/năm, đến năm 2018 đã đạt 96,05 triệu hành khách/năm. Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất từ 18 triệu khách/năm năm 2012 nâng lên 28 triệu khách/năm năm 2018, Nội Bài từ 6 triệu khách/năm nâng lên 25 triệu khách/năm…

Dự kiến năm nay, sản lượng hành khách thông qua các cảng sẽ vượt 112 triệu - vượt xa tổng công suất hệ thống sân bay. Điều này đặt áp lực lớn lên các sân bay và đòi hỏi cần sớm nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, đặc biệt là những sân bay đã và đang khai thác vượt công suất thiết kế. Chẳng hạn, sân bay Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế khoảng 28 triệu hành khách nhưng năm ngoái đã thông qua hơn 38,4 triệu người.

Đông nghịt trên trời, kẹt cứng dưới đất: Sửa sân bay, có tiền cũng chịu! - Ảnh 1.

Sân đỗ tại Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng đông đúc Ảnh: Tấn Thạnh

Sự phát triển nóng của ngành hàng không, khi các hãng không ngừng đầu tư thêm máy bay, mở rộng thị phần, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của hành khách… gây áp lực lên hạ tầng. Tình trạng quá tải, thường xuyên hư hỏng, xuống cấp đáng báo động đã xảy ra ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài thời gian qua.

Tình trạng quá tải đã khiến sân bay Tân Sơn Nhất không thể cấp thêm slot (lượt cất/hạ cánh) cho các hãng hàng không nước ngoài, phần nào khiến phân khúc thị trường quốc tế chững lại. Đại diện ACV nhìn nhận hàng không đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn cục bộ, điển hình là ở sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tắc nghẽn ở các sân bay khác, dù chủ trương giảm tải cho sân bay này đã có nhưng đến nay vẫn chưa tìm được chủ đầu tư. Ngay cả việc sửa chữa hư hỏng, xuống cấp tạm thời tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất cũng gặp khó vì vướng cơ chế.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một cán bộ Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết đường lăn, đường băng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất xuống cấp ảnh hưởng đến hoạt động khai thác. Để bảo đảm an toàn khai thác, cán bộ Cục HKVN hằng ngày phải đi kiểm tra đánh giá tình trạng mặt đường; còn chi tiết đánh giá sâu phải báo cáo Bộ GTVT tìm hướng xử lý, cần sự khảo sát, đánh giá, xác định của tổ đánh giá độc lập.

Vị này cho biết hiện nay, do khu bay, đường cất cánh, đường lăn là tài sản nhà nước (theo Nghị định 44/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không) nên Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng, kiến nghị đưa vào tìm nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, do chưa bố trí được vốn nên chưa triển khai sửa chữa nâng cấp.

Gỡ cơ chế để giao cho doanh nghiệp

Theo quy định, khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay) là kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước quản lý. Trước khi ACV cổ phần hóa, khu bay tại các sân bay là tài sản của DN này. Sau khi ACV cổ phần hóa từ năm 2017, toàn bộ tài sản này được xác định là của nhà nước. Việc đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa khu bay này do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Hiện Bộ GTVT không có vốn để đầu tư nâng cấp đường cất/hạ cánh và đường lăn tại sân bay Nội Bài. Trong khi đó, ACV - đơn vị khai thác khu bay - có vốn song cơ chế không cho phép tự ý đầu tư xây dựng. Ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc ACV, cho biết ngay từ đầu năm 2019, DN đã bố trí vốn cho việc duy tu, sửa chữa lớn ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế nên đến giờ, dù có sẵn vốn, sẵn sàng giải ngân để đầu tư nâng cấp, cải tạo nhưng cũng không thể thực hiện.

Đông nghịt trên trời, kẹt cứng dưới đất: Sửa sân bay, có tiền cũng chịu! - Ảnh 2.

Một góc sân bay Tân Sơn Nhất bị hư hỏng, sụt lún Ảnh: Linh Anh

"Dù ACV đã cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn chiếm 95,4% vốn nên khi Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương, chúng tôi mới được phép sửa chữa, cải tạo nâng cấp 2 sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài…" - ông Đỗ Tất Bình nói.

Lãnh đạo sân bay Nội Bài cũng kiến nghị cần xem xét, sớm giải quyết vướng mắc về cơ chế vốn đối với tài sản khu bay để tăng tính chủ động, đẩy nhanh việc đầu tư, sửa chữa các dự án trọng điểm.

Mới đây, ngày 20-8, Cục HKVN tiếp tục gửi công văn báo cáo khẩn cấp với Bộ GTVT về việc vốn đầu tư công gặp khó khăn nên đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vẫn chưa có nguồn tiền cải tạo, nâng cấp. Hiện các hạng mục về đầu tư và sửa chữa tài sản khu bay đều tạm dừng do vướng mắc về cơ chế.

Để bảo đảm an toàn khai thác, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài chỉ có thể thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên và khắc phục sự cố của hệ thống sân đường. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho hoạt động bay, thậm chí phải dừng khai thác bất cứ thời điểm nào.

Trước tình hình xuống cấp nghiêm trọng của hệ thống đường cất/hạ cánh, đường lăn tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, có nguy cơ mất an toàn hàng không, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét bố trí một phần vốn phù hợp với nhu cầu tiến độ từ nguồn dự phòng trung hạn 2016-2020 của Chính phủ để chuẩn bị thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp; kể cả hệ thống hàng rào an ninh khu bay và đường công vụ tuần tra tại một số cảng hàng không. "Trong trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách nhà nước như nêu trên, kính đề nghị Thủ tướng xem xét phương án sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện, tiến hành ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước như giai đoạn trước 31-12-2017 đã được Thủ tướng chấp thuận. Phương án này từng được Bộ GTVT kiến nghị tại văn bản ngày 4-7-2018" - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu rõ.

Được biết, đề án khai thác khu bay đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ, chờ quyết định để thực hiện.

Cần sớm xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Theo các chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại và tương lai, cần thiết phải đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3. Việc đầu tư xây dựng nhà ga T3 với công suất 20 triệu khách sẽ giải quyết được tình trạng quá tải của sân bay này, đáp ứng nhu cầu theo quy hoạch phát triển GTVT lĩnh vực hàng không đã được Thủ tướng phê duyệt.

Ông Đỗ Tất Bình cho biết trong cuộc họp gần đây nhất, Thủ tướng đã giao các bộ, ngành nghiên cứu, thẩm định phương án chọn chủ đầu tư triển khai xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sau khi Bộ GTVT đề xuất ACV làm chủ đầu tư triển khai dự án.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo