xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

DU LỊCH MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN TĂNG TỐC (*): Ba quốc gia, một điểm đến

Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

"Ba quốc gia, một điểm đến" là tên gọi của một giải pháp kết nối du lịch gắn liền 3 nước gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, ra đời vào tháng 9-2009 tại TP HCM từ sự khởi xướng của Tổng cục Du lịch Việt Nam

Các giải pháp kết nối "Ba quốc gia, một điểm đến" là dựa vào thuận lợi về mặt địa lý, giao thông và đặc trưng văn hóa giữa 3 nước, cùng phối hợp xúc tiến, quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực... nhằm tạo sức mạnh chung, cùng tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng cao. Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo tâm lý thoải mái cho du khách, cải thiện giao thông hàng không giữa 3 nước với các chuyến bay nối các điểm đến của 3 nước cũng là những biện pháp đi kèm...

Mở ra cơ hội cất cánh

Năm năm sau, hội nghị liên kết du lịch của TP Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế tổ chức từ ngày 11 đến 13-9-2014 tại quận 7, TP HCM và Hội chợ Du lịch Quốc tế TP HCM năm 2014 (ITE - HCMC 2014) lại tiếp tục đưa ra chủ đề "Năm quốc gia, một điểm đến" nhằm quảng bá hình ảnh chung của 5 nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam; đồng thời khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch hấp dẫn của mỗi nước; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng hợp tác kinh doanh với các thị trường trọng điểm quốc tế.

DU LỊCH MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN TĂNG TỐC (*): Ba quốc gia, một điểm đến - Ảnh 1.

Biên giới Lào - Việt nằm trong khu vực thuộc dự án Hành lang Kinh tế Đông Tây

Thực ra, du lịch chỉ là 1 trong 10 chương trình mà dự án Hành lang Kinh tế Đông Tây (East West Economic Corridor: EWEC) ra đời vào năm 1998 tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần thứ 8 tổ chức ở Manila - Philippines nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa 4 nước Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Hành lang này chính thức thông tuyến vào ngày 20-12-2006 khi chiếc cầu Hữu Nghị nối 2 tỉnh Savannakhet (Lào) và Mukdahan (Thái Lan) hoàn thành. Hành lang Kinh tế Đông Tây bao gồm 10 dự án và các tiểu dự án liên quan như: Xây dựng tuyến đường bộ Đông - Tây, các cảng trung chuyển tại Mawlamyine (hoặc Yangon - Myanmar) và Đà Nẵng, tạo ra sự thông thương vận chuyển người và hàng hóa qua các biên giới; phát triển nguồn nhân lực phục vụ giao thông vận tải; phát triển năng lượng (điện năng); thúc đẩy thực hiện các hiệp định về trao đổi năng lượng; phát triển cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc; phát triển du lịch, phát triển kinh tế vùng và địa phương dọc theo Hành lang Kinh tế Đông Tây hướng tới phát triển toàn diện và bình đẳng khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông… Ngoài ra, còn gần 70 dự án/tiểu dự án khác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, thông tin liên lạc, du lịch, tạo thuận lợi cho thương mại, nông nghiệp, đầu tư tư nhân và phát triển các khu công nghiệp. Các dự án này cùng với 10 dự án lớn nói trên hợp thành một "ma trận" phát triển.

Từ khi chiếc cầu Hữu Nghị nối Savannakhet và Mukdahan được xây xong (năm 2006) và sau đó là cầu Neak Luong ở phía Nam, hạ tầng giao thông giữa các nước Đông Dương với Thái Lan xem ra cơ bản hoàn thành. Việc UNESCO liên tiếp công nhận hàng chục di sản văn hóa thế giới ở các nước đã tạo ra sự quan tâm từ các thị trường khách du lịch quốc tế. Những đường bay thẳng nối Đông Nam Á, Đông Á, châu Âu với Việt Nam (nhất là các tỉnh miền Trung), Campuchia rồi Myanmar như một kết quả tiếp theo để đáp ứng nhu cầu khám phá, giao lưu rộng lớn hơn với khu vực. Các hãng logistics liên tục tổ chức nhiều cuộc khảo sát về vận chuyển hàng hóa xuyên vùng đến các cảng ven biển nhằm tìm cơ hội đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ và giao thương hàng hóa, mở ra cơ hội cất cánh của một vùng nghèo khó rộng lớn nhưng lại giàu tài nguyên và đa văn hóa.

Chưa được như mong đợi

Tuy nhiên đến nay, sau nhiều hội nghị, hội thảo liên vùng, liên ngành, liên chính phủ thì việc đầu tư, vận chuyển hàng hóa xem ra vẫn còn nhiều rào cản về thủ tục hành chính, hải quan, quy chuẩn kỹ thuật… trong giao thông vận tải, cước phí vận tải và cảng vụ. Giao thương hàng hóa đã không bùng nổ như mong đợi ban đầu mà chỉ diễn ra theo từng phân khúc riêng rẽ, như vận chuyển lâm sản giữa Lào với miền Trung Việt Nam, hải sản và nông sản giữa Campuchia với các tỉnh miền Nam Việt Nam, khoáng sản giữa Lào với vùng Đông Bắc Thái Lan. Hình ảnh nhộn nhịp trong vận chuyển hàng hóa liên vận giữa Thái Lan - Malaysia - Singapore trên đường liên Á chưa thể thực hiện về phía Việt Nam như mong đợi.

Tại Việt Nam, di chuyển trên Quốc lộ 9 là chuyện khổ ải mà du khách phương Tây hoặc các nhà lữ hành Thái Lan từng than phiền với tôi tại một roadshow tổ chức ở Bangkok: Tình trạng hạn chế tốc độ ở mức 50 km trên nhiều cung đường hoặc nạn cảnh sát giao thông "núp lùm" bắn tốc độ đã tác động tiêu cực đến nhiều tour khách đi bằng đường bộ qua 3 nước để "ăn 3 bữa cơm trong 1 ngày". Ở nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam, thuộc các tuyến liên Á, hoàn toàn chưa có điểm dừng nào xây nhà vệ sinh "tươm tất" để du khách (nhất là du khách nữ) dừng chân một cách thoải mái. Tình trạng bán hàng rong và đổi tiền chui ở nhiều điểm đến cũng tạo ra sự bất an cho du khách.

Ba điểm đến hay 5 điểm đến chỉ là một khái niệm và hoàn toàn có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật. Nhưng "điểm đến" trong văn hóa và giao lưu văn hóa là một rào cản hết sức tế nhị và khó khăn mà các nhà lập dự án Hành lang Kinh tế Đông Tây từ 3 thập niên trước đã không thể mường tượng hết từ đầu. Xóa bỏ rào cản ấy chính là vai trò của các nhà chức trách! 

Kỳ tới: Tường thuật Hội nghị "Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên"

Đẩy mạnh liên kết vùng

Chiều 15-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị giao ban Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập cách đây 22 năm gồm 4 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và sau này bổ sung tỉnh Bình Định. Thủ tướng nhìn nhận hạ tầng giao thông khu vực miền Trung ngày càng được hoàn thiện cả về hàng không, đường sắt, đường biển và đường bộ. Toàn vùng đã hình thành được 11 khu kinh tế ven biển với nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai, hứa hẹn những đổi thay to lớn trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các tỉnh, thành miền Trung cần tận dụng tốt hơn nguồn lực đất đai, con người trong phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt cần chú trọng yếu tố liên kết vùng trong phát triển du lịch. Cụ thể, cần có sự phối hợp trong việc xây dựng các tour, tuyến du lịch; làm đường ven biển và nhất là nghiên cứu hình thành liên kết các cảng du lịch để phát huy thế mạnh du lịch biển. Cùng với đó là nâng cấp sân bay, mở cửa bầu trời để thu hút khách du lịch quốc tế trên cơ sở đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa.

Q.Nhật

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo