xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gặp "Nhà khoa học của nhà nông" duy nhất ở ĐBSCL

Bài và ảnh: NHA MÂN

(NLĐO) – Giờ đây, sản phẩm gạo của “Nhà khoa học của nhà nông” đã nổi tiếng trong nước và vươn ra thế giới.

Từng rèn luyện, trưởng thành trong môi trường quân ngũ nhưng ông Nguyễn Anh Dũng (52 tuổi; ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) đã miệt mài nghiên cứu và lai tạo thành công nhiều loại giống chất lượng cao, như: Ngọc đỏ hương dứa, Sen Việt, LD2012, Tím sen và OM384, mang đậm nét riêng của vùng đất Sen hồng tỉnh Đồng Tháp.

Gặp Nhà khoa học của nhà nông duy nhất ở ĐBSCL - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Dũng kiểm tra lúa giống trồng thử nghiệm trong nhà màng

Thành tích đó, đã giúp ông Dũng trở thành nông dân duy nhất ở ĐBSCL được vinh danh, trao giải thưởng "Nhà khoa học của nhà nông".

Miệt mài lai tạo giống mới

Năm 2000, ông Dũng khi xuất ngũ trở về quê và được cha mẹ chia cho 6,5 ha đất lúa. Nhiều năm sản xuất lúa theo kiểu truyền thống, ông nhận thấy không mang lại lợi nhuận kinh tế cao về cho gia đình. "Tôi luôn trăn trở làm thế nào để giàu lên trên chính mảnh ruộng của mình. Nếu cứ làm giống IR-50404 mãi thì không thể nào giàu được", ông Dũng chia sẻ.

Từ đó, ông Dũng bắt đầu quyết tâm đi khắp nơi học hỏi nhiều người và chịu khó xin tham gia dự các lớp tập huấn ngắn hạn về cách trồng lúa, phòng trừ sâu bệnh do Viện Lúa ĐBSCL và Trường ĐH Cần Thơ tổ chức. Từ những kiến thức đã học được, ông Dũng mạnh dạn cải tạo 6,5 ha đất lúa của mình theo phương thức canh tác mới "không đụng hàng với ai".

Gặp Nhà khoa học của nhà nông duy nhất ở ĐBSCL - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Anh Dũng trồng lúa màu tím chưng Tết

Năm 2006, ông Dũng bắt đầu miệt mài lai tạo giống. Đến năm 2009, giống lúa LD2008 được đưa ra sản xuất thử 5000 m2, gạo trong dạng hình đẹp nhưng đưa ra sản xuất ở vụ hè thu và thu đông thì gạo đục, cuối cùng không thể giữ lại được nên đành phải bỏ. Tuy nhiên, ông Dũng không nản lòng mà tiếp tục chọn những cá thể còn lại rút kinh nghiệm thất bại lần trước. "Lần thứ hai, tôi cẩn thận hơn chọn thật kỹ, mãi cho đến vụ thu đông năm 2012 mới cho ra đời giống lúa có tên LD2012 có thời gian sinh trưởng ngắn 88-92 ngày, chống chịu rầy nâu và đạo ôn rất tốt", ông Dung cho biết.

Trong quá trình canh tác lúa, ông Dũng phát hiện có một cá thể đặc biệt trên ruộng giống LD2012 xuất hiện một bụi lúa có dạng hình khác, hạt dài, chiều cao cây cao hơn giống LD2012 đến 10 cm. Thấy cá thể lạ, ông mang về tiếp tục chọn đến vụ thu đông năm 2012 ông trồng thử có thời gian sinh trưởng 90-95 ngày, có mùi thơm nhẹ, gạo màu đỏ nên đặt tên "Ngọc đỏ hương dứa".

Đến vụ đông xuân 2013, ông Dũng tiếp tục trồng và theo dõi đến vụ thu đông năm 2014 ông trồng thử 1 ha rồi xay gạo dùng thử 40 kg, khi nấu cơm thấy mùi thơm đặc biệt. "Tôi rất vui mừng và quyết định xay toàn bộ số lúa thu hoạch còn lại 4 tấn mang tặng cho cán bộ, công chức, công nhân, nông dân, cho đến bác tài xe ôm, anh rửa xe đầu chợ, gửi đại lý gạo ở TP HCM... để họ dùng thử và đánh giá sản phẩm. Tôi nhận được rất nhiều sự cổ vũ và tán thành", ông Dũng phấn khởi cho biết.

Gặp Nhà khoa học của nhà nông duy nhất ở ĐBSCL - Ảnh 3.

Nhiều nông dân đến tham quan mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao của ông Dũng

Trồng thành công giống "Ngọc đỏ hương dứa", ông Dũng tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất. Ở vụ hè thu năm 2015, ông mở rộng diện tích liên kết với nông dân, sản xuất 8 ha, đến vụ thu đông sản xuất 23 ha. Thu hoạch xong, tổng sản lượng được 96,7 tấn, bán với giá lúa tươi mua tại ruộng 7.000 đồng/kg. Vụ đông xuân 2015, sản xuất 55 ha và mở rộng diện tích các địa phương khác trong địa bàn huyện Lấp Vò. "Trong vụ đông xuân 2016, tại hội thảo đánh giá tổng số 48 giống hơn 400 đại biểu khu vực ĐBSCL và nông dân các tỉnh vùng Đông Nam Bộ về dự và chọn giống "Ngọc đỏ hương dứa" của tôi đạt hạng nhất", ông Dũng khoe.

Điều đặc biệt là giống lúa do ông Dũng lai tạo chưa trồng được ở bất kỳ nơi đâu ngoài huyện Lấp Vò. "Giống lúa của tôi độc quyền, bởi không thể sản xuất ở vùng đất khác do đặc sản vùng miền. Trong quá trình nghiên cứu áp dụng trên thổ nhưỡng ở huyện Lấp Vò", ông Dũng lý giải.

Tết Kỷ Hợi 2019, ông Dũng trồng cây lúa có màu tím lên chậu kiểng để chưng Tết, trông rất lạ mắt với nhiều khách hàng. Theo ông Dũng, những năm gần đây, vào dịp Tết Nguyên đán, người dân thích chưng những loại nông sản "độc, lạ", nên ông bắt đầu trồng lúa có màu tím rất được khách hàng ưa chuộng và tìm mua. Ông Dũng cũng cho biết việc chưng lúa kiểng trong ngày Tết tượng trưng một năm mùa màng bội thu.

Gặp Nhà khoa học của nhà nông duy nhất ở ĐBSCL - Ảnh 4.

Nông dân Nguyễn Anh Dũng được vinh danh, trao giải thưởng “Nhà khoa học của nhà nông”

Ông Dũng được nông dân ví là "vua lúa giống ở miền Tây" nên việc trồng lúa kiểng màu tím đối với người nông dân này không quá khó. Mỗi chậu lúa kiểng bán với giá 50.000 đồng nhưng không đủ số cung cấp cho thị trường. Năm tới, ông Dũng cho biết sẽ trồng tăng số lượng gấp nhiều lần để cung ứng cho thị trường Tết.

Ông Lê Minh Hùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, nhận xét: "Thời gian qua, anh Dũng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tìm tòi, lai tạo ra nhiều loại giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo của Việt Nam. Anh Dũng là một trong những hình tượng nông dân rất đáng ghi nhận trong phong trào lao động, sáng tạo của quần chúng nhân dân ở ĐBSCL cũng như cả nước".

Bỏ tiền túi xây dựng HTX kiểu mẫu

Năm 2012, ông Dũng vận động nhiều nông dân hợp tác thành lập HTX Giống nông nghiệp Định An do ông làm giám đốc với mong muốn mở rộng diện tích trồng giống lúa, liên kết tiêu thụ nông sản. HTX có 17 thành viên với vốn điều lệ khoảng 500 triệu đồng và quy mô sản xuất diện tích 30 ha.

Ông Dũng tự bỏ tiền túi ra khoảng 2 tỉ đồng để xây dựng nhiều hạng mục của HTX, như: phòng trưng bày; kho nguyên liệu; nhà sơ chế... tại trại nghiên cứu và sản xuất lúa giống của HTX. "Mô hình HTX không được nhà nước đầu tư. Tôi muốn xây dựng mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam", ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cho biết thời gian qua, nhiều đoàn du khách nước ngoài, các trung tâm nghiên cứu, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, các trường đại học, sinh viên thực tập và nông dân các địa phương đến HTX để học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Mô hình "Trải nghiệm nông dân", sẽ được khai thác với nhiều hoạt động thú vị khi du khách được câu cá, bơi xuồng, tự tay nấu những món ăn mà mình yêu thích. "Tôi dành một khu riêng cho nông dân đến học tập kinh nghiệm, cho học sinh đến tham quan, trải nghiệm, sinh viên thực tập sản xuất nông nghiệp,… hoàn toàn miễn phí. Tôi đang chuẩn bị xây dựng mô hình trồng rau sạch, phát triển vườn cây ăn trái, hoa kiểng", ông Dũng cho biết.

Sự lai tạo thành công nhiều loại giống lúa của ông Dũng đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao giá trị thương hiệu gạo của tỉnh Đồng Tháp cũng như của Việt Nam. Giờ đây, sản phẩm gạo của ông Dũng đã nổi tiếng trong nước và vươn ra thế giới.

Thời gian qua, ông Nguyễn Anh Dũng được nhận: Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, danh hiệu cá nhân điển hình tiên tiến toàn quốc, Huy chương vàng tại Festival Quốc tế nông nghiệp vùng ĐBSCL, Huân chương Lao động hạng Ba, giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam, giải thưởng "Nhà khoa học của nhà nông",…


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo