xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giá xăng dầu tăng: Các doanh nghiệp vẫn kìm giữ giá hàng hoá

Minh Châu - Nguyễn Hải

NHẬN ĐỊNH: Tăng giá là việc làm hết sức tế nhị trong kinh doanh, vì nó ảnh hưởng đến thương hiệu, đến sức mua. Do vậy, dù giá xăng dầu tăng nhưng ở các siêu thị, chưa có nhà cung cấp nào đề nghị tăng giá. Các nhà sản xuất đang cố kìm giữ giá các mặt hàng để cạnh tranh. Nhưng về lâu về dài, việc tăng giá là khó tránh khỏi, dù tỉ lệ tăng thấp...

Trước mắt hàng hóa thiết yếu đều ổn định giá, nhưng về lâu dài một số mặt hàng khó giữ giá vì giá nguyên liệu tăng

Ngay sau quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giá trần bán lẻ xăng dầu tăng thêm 200 đồng - 300 đồng/lít, tùy loại kể từ ngày 18-2, giá bán xăng dầu trên thị trường đã đồng loạt tăng tương ứng, tác động mạnh đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Qua ghi nhận thực tế của nhóm phóng viên thị trường Báo NLĐ, cho đến nay chưa có mặt hàng nào tăng giá do ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu. Song nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đang phải áp dụng nhiều biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất để kìm giữ giá sản phẩm.

Giữ giá ổn định để cạnh tranh.- Hầu hết các công ty đều cho rằng giá hàng hóa sẽ không thay đổi ít nhất cho đến hết quý I/2003. Một cán bộ ở Phòng Kinh doanh Xí nghiệp Xuất khẩu Cầu Tre, cho biết do đặc thù công việc, XN Cầu Tre  phải dùng máy phát điện bơm nước cho các nhà máy nên tốn thêm khá nhiều chi phí xăng dầu, chưa kể đến giá nguyên liệu đầu vào có nguy cơ tăng cao. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, xí nghiệp siết chặt biện pháp tiết kiệm điện nước, nhiên liệu để giảm chi phí sản xuất. Các dây chuyền cấp đông, kho trữ hàng tận dụng hết công suất, diện tích... Trước mắt, XN Cầu Tre cố gắng giữ  bình ổn giá các mặt hàng chế biến thực phẩm trên thị trường nội địa. Đối với thị trường xuất khẩu lại càng khó khăn khi thương thảo tăng giá nên vẫn áp dụng giá cũ cho đến hết quý I/2003. Ông Phan Văn Thiện, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica), cho biết giá xăng dầu tăng là một áp lực rất lớn cho nhà sản xuất. Tuy tỉ lệ sử dụng xăng dầu trực tiếp của Bibica chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong chi phí sản xuất nhưng lại ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào như bao bì, bột, đường và vận chuyển hàng hóa. Về lâu dài, giá hàng đầu ra có thể tăng nhưng trong thời điểm này, Bibica sẽ điều chỉnh lại khâu vận chuyển, tiết giảm các chi phí khác để bảo đảm giá không tăng, giữ uy tín với khách hàng. Ông Trần Xuân Trạch, Phó Giám đốc Siêu thị Bình Dân (Q. Gò Vấp), cho rằng việc tăng giá ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, sức mua nên hầu hết các nhà sản xuất đều rất cân nhắc. Phòng Kinh doanh Siêu thị Sài Gòn cho biết hiện cũng chưa có nhà cung cấp nào đề nghị lên giá.

Giá hàng hóa ở các chợ ổn định

Tại chợ đầu mối thịt heo Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, theo ghi nhận của chúng tôi, giá thịt heo sỉ tại chợ vẫn ở mức từ 22.000 đồng - 25.000 đồng/kg, đây là mức giá không thay đổi trong 2 tuần qua. Giá thịt bán lẻ tại chợ vẫn ở mức từ 35.000 đồng - 40.000 đồng/kg thịt nạc, từ 30.000 đồng - 33.000 đồng/kg thịt đùi, từ 28.000 đồng - 30.000 đồng/kg thịt ba rọi. Theo các tiểu thương ở chợ Bình Tây và Tân Bình giá cả tại chợ hiện nay bình thường, chưa thấy xuất hiện giá hàng hóa tăng do giá nhiên liệu tăng. Đối với mặt hàng nông sản, chi phí vận chuyển cao do cự ly xa, trọng lượng lớn nhưng giá nhiều mặt hàng nông sản tại chợ Trần Chánh Chiếu, quận 5 hiện nay giảm so với tuần trước do lượng hàng về chợ nhiều trong khi sức mua không tăng. Chẳng hạn gạo thơm Thái, thơm Đài Loan giảm 300 đồng/kg, đậu các loại giảm từ 200 đồng- 500 đồng/kg, gia cầm giảm 500 đồng/kg. Các mặt hàng rau củ Đà Lạt về các chợ đầu mối Mai Xuân Thưởng, quận 6, chợ Cầu Muối- Ông Lãnh, quận 1 giá vẫn bình thường.

Ông Nguyễn Chí Trung, Phó Ban Quản lý chợ Trần Chánh Chiếu, cho biết về nguyên tắc, giá nhiên liệu tăng sẽ kéo theo giá vận chuyển tăng và đẩy giá cả nhiều mặt hàng tăng lên tương ứng. Thế nhưng, vào thời điểm này giá cả hàng hóa chưa thấy tăng, có thể do nhà sản xuất - cung cấp tiết kiệm các chi phí khác để kìm giữ giá.

Tuy nhiên, khảo sát tại các chợ bán lẻ cho thấy cũng đã có hiện tượng một số tiểu thương lợi dụng giá xăng dầu tăng để tăng giá. Một sạp bán thịt tại chợ tạm Minh Phụng, quận 6 giải thích với người mua: “Thịt heo này phải lấy ở các tỉnh, xa hàng trăm cây số, giá xăng dầu tăng vọt, công vận chuyển cũng tăng theo nên giá thịt tăng chút đỉnh cũng là đương nhiên...”. Tuy nhiên, đa số tiểu thương đều cho biết giá bán vẫn không có gì khác so với trước khi tăng giá xăng dầu.

Long Giang

Khó giữ giá khi giá nguyên liệu cùng tăng.- Đối với một số ngành công nghiệp như dệt, cao su, giấy... mức ảnh hưởng của giá xăng dầu là đáng kể. Do đặc điểm của ngành chế biến sản phẩm từ cao su, các loại hóa chất đều có nguồn gốc từ dầu mỏ, các nhà cung cấp nguyên liệu đều tăng giá thì các nhà sản xuất trong nước khó lòng giữ  nguyên giá cũ. Riêng ngành giấy và ngành nhựa hiện đang canh cánh nỗi lo “cộng hưởng tăng” của xăng dầu, giá hạt nhựa và giá nguyên liệu giấy. Hiện nay, tại các chợ và siêu thị các mặt hàng nhựa gia dụng đã nhích nhẹ do giá hạt nhựa nhập khẩu tăng mạnh trong suốt thời gian qua. Ông Lữ Trung Đạt, Giám đốc Công ty Giấy tập Lệ Hoa, cho biết chi phí vận chuyển chỉ chiếm khoảng 0,5% trong tổng chi phí sản xuất nếu chỉ xăng dầu tăng giá thì không ảnh hưởng gì nhiều, nhà sản xuất, có thể gồng được bằng cách giảm lãi để giữ giá. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là giá nguyên liệu giấy tăng, cộng với những chi phí phát sinh tăng liên tục thì không biết các doanh nghiệp sẽ đi về đâu.

Ông Phí Văn Đãi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dệt Việt Thắng, lo ngại hiện nay chi phí đầu vào ngành dệt đã tăng từ 10 -15% nhưng giá vải trong nước vẫn không tăng. Sức ép cạnh tranh với hàng Trung Quốc sẽ ngày càng lớn đối với các doanh nghiệp trong nước khi các chi phí cho điện, gas, xăng dầu... đều tăng. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu bông, xơ tăng 15% - 30% gây khó khăn không ít cho ngành vải. Với thực tế này, đến hết tháng 2-2003 rất có khả năng các doanh nghiệp dệt buộc phải tính lại giá bán. Hiện nay cũng đã có một vài đơn vị dệt may tăng giá khoảng 5% để bù đắp chi phí.

Xe buýt mẫu sẽ đề nghị xem xét mức bù lỗ.- Ông Huỳnh Văn Thanh, Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết việc giá xăng dầu tăng vừa qua đã khiến cho giới nhà xe than rất dữ, nhất là những tuyến đường dài do chi phí lên khá cao. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có đơn vị vận tải nào kiến nghị tăng giá. Song theo ông Thanh, với giá cước hiện nay chỉ đủ bù đắp chi phí, nếu kinh doanh tuân thủ đúng nguyên tắc của ngành.

Theo ông Phùng Đăng Hải, Chủ nhiệm HTX Xe buýt Quyết Thắng, đối với hoạt động xe buýt, lâu nay đã thua lỗ và đã được bù lỗ. Các nhà xe muốn hoạt động phải tìm cho mình nguồn thu khác như chạy xe hợp đồng chẳng hạn. Riêng các đơn vị có tuyến xe buýt mẫu đang chuẩn bị kiến nghị lên Sở Giao thông Công chánh và các cơ quan chức năng xem xét lại mức bù lỗ hiện nay không còn phù hợp, do giá xăng dầu đã tăng.

Tương tự, các hãng taxi cũng cho biết dù giá xăng dầu tăng như hiện nay (khoảng gần 2%) nhưng các đơn vị vẫn cố gắng giữ giá để cạnh tranh vì ngày càng có nhiều đơn vị kinh doanh taxi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo