xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh (*): Cần bơm "vắc-xin" theo sức khỏe

PGS-TS Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM)

Nếu việc điều trị các ca mắc Covid-19 được chia thành nhiều tầng theo triệu chứng thì những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần phân chia theo hướng tương tự

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có lời kêu gọi toàn dân đoàn kết hơn nữa; dành mọi nguồn lực, thời gian, công sức cho việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, xem đó là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng nhất.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng chống dịch… để vượt qua Covid-19.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Thực tế, hơn 1 năm qua, công tác phòng chống dịch của nước ta đã phát huy hiệu quả tích cực, nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm hỗ trợ đời sống nhân dân, duy trì hoạt động một số thành phần kinh tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với mức độ lây lan nhanh của biến thể Delta, số ca nhiễm ngày càng tăng, nhiều tỉnh, thành phố phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội. Từ đó, sức khỏe của từng doanh nghiệp (DN) đã suy giảm theo diễn biến dịch bệnh, tình trạng DN tạm ngừng hoạt động khá phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế.

Đây là một vấn đề cần phải xem xét để khi kiểm soát được và chiến thắng đại dịch, chúng ta bảo đảm được công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Vì thế, ngay từ bây giờ, nhà nước cần tính đến nhiều giải pháp đồng bộ nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh, trước hết là bảo đảm sức khỏe của người dân, tiếp đến cấp cứu DN nhằm phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh (*): Cần bơm vắc-xin theo sức khỏe - Ảnh 1.

Không ít doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường sau một thời gian chống chọi với dịch Covid-19 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tuy vậy, chúng ta cần lưu ý không phân bổ đồng đều mà cần căn cứ vào mức độ dịch bệnh tại từng địa phương cụ thể để áp dụng chính sách hỗ trợ sao cho hợp lý. Nhà nước có thể giảm 50% thuế thu nhập cho toàn bộ DN nhưng đối với DN nằm trong vùng dịch, nguy cơ lây nhiễm cao thì nên giảm 70%-80%. Còn đối với DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh ngưng hoạt động thì nên giảm 100% thuế thu nhập…

Mặt khác, ngành y tế cần linh hoạt về các quy định phòng dịch đối với DN đang hoạt động. Vì lẽ cách đây gần 2 tháng, chúng ta tập trung tiêm vắc-xin cho công nhân là để DN có đủ lao động nhằm duy trì hoạt động. Vậy nhưng, khi có ca F0 thì DN phải ngưng hoạt động là chưa hợp lý. Thế nên, giải pháp đặt ra là ngành y tế cần nhanh chóng bóc tách F0, chỉ tạm dừng hoạt động của DN trong vài ngày để rà soát, xét nghiệm đối tượng tiếp xúc gần F0, sau đó cho phép DN hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất để tránh đứt gãy sản xuất.

Nên phân tầng đối tượng

Nói thêm về chính sách hỗ trợ, nếu hiện nay chúng ta phân tầng điều trị ca mắc Covid-19 theo triệu chứng của từng bệnh nhân thì những giải pháp hỗ trợ DN cũng cần phân chia theo hướng tương tự. Nghĩa là tùy theo lĩnh vực, sức khỏe của từng DN để nhà nước bơm liều lượng "vắc-xin" phù hợp, hỗ trợ DN đó duy trì và khôi phục hoạt động.

Cụ thể, DN đang hoạt động cần phải có cơ chế hỗ trợ tối đa sao cho họ sản xuất an toàn. Ví dụ, DN cần xét nghiệm người lao động thì nhà nước nên thực hiện miễn phí, đồng thời các ngân hàng thương mại ưu tiên bơm thêm vốn giúp DN đó tăng thêm thanh khoản. Trường hợp DN hoạt động chưa hết công suất thì nhà nước có phương án giúp họ nhận thêm hợp đồng gia công, sản xuất từ các DN đang tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh.

Đối với DN đang gặp khó khăn nhưng có khả năng tồn tại, chúng ta cần có giải pháp để họ duy trì hoạt động. Bởi lẽ, khi triển khai hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" (sản xuất - ăn uống - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc "một cung đường - 2 điểm đến", DN gặp nhiều khó khăn, nhất là các chi phí để cải tạo cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Khi đó, nhà nước có thể cho DN sử dụng miễn phí các dự án nhà xã hội nằm gần khu vực sản xuất để họ sắp xếp chỗ ở cho người lao động. Trường hợp DN bố trí người lao động lưu trú ở khách sạn thì nhà nước nên tính toán giảm mạnh số tiền thuế, phí cho chủ khách sạn để họ giảm chi phí cho DN…

Còn với những DN tạm ngưng hoạt động nhưng có khả năng phục hồi, nhà nước nên giãn rộng thời gian nộp thuế, phí, trả vốn và lãi vay ngân hàng… để sau đại dịch họ có thể yên tâm phục hồi hoạt động. Riêng nhóm DN giải thể, cơ quan chức năng cần sớm giúp họ "siêu thoát" theo trình tự thủ tục rút gọn, để nhóm DN này không còn nợ nần, vướng mắc các yếu tố pháp lý… và có thể thành lập DN mới nhằm tạo ra việc làm sau khi đại dịch kết thúc.

Chính phủ đồng ý miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp

Ngày 5-8, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 4-8 về một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, Thường trực Chính phủ và các cơ quan tham dự cuộc họp cơ bản nhất trí với các giải pháp miễn, giảm thuế để hỗ trợ DN, người dân theo đề xuất của Bộ Tài chính. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần các giải pháp khi được ban hành cần phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, DN, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết để có thể thực hiện ngay; cân nhắc phân tích, đánh giá kỹ tác động giảm thuế thu nhập đối với các đối tượng, về thuế GTGT cân nhắc mở rộng đối tượng, bảo đảm công bằng, tham vấn thêm ý kiến cộng đồng DN. Thủ tướng nêu rõ thời hạn áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế trước mắt thực hiện trong năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tổng hợp hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ trước ngày 10-8 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn. Ngoài ra, Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp ý kiến các bộ, cơ quan liên quan để trình Chính phủ, Thủ tướng trước ngày 10-8 về việc tiếp tục giảm tiền thuê đất; tiếp tục rà soát, đề xuất các biện pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng để hỗ trợ DN, người dân trong bối cảnh dịch Covid-19.

M.Chiến

Ông ĐẶNG HỒNG ANH, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam:

Giãn, giảm thuế thôi thì chưa đủ

Chính phủ đã và chuẩn bị ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các giải pháp về thuế, để giúp DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, chính sách giãn, giảm thuế hiện vẫn chưa đủ.

Để cân bằng lợi ích của nhà nước với lợi ích của DN, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới đang làm như: miễn, giảm thuế, kéo dài thời gian chuyển lỗ hoặc giảm trừ chi phí khi tính thuế; miễn và hoàn thuế GTGT... Nếu không có những quyết sách cụ thể hơn, sát sườn hơn để hỗ trợ, e rằng sẽ có thêm nhiều DN đóng cửa, kéo theo tình trạng người lao động mất việc, nền kinh tế nước nhà bị ảnh hưởng. Do vậy, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất Chính phủ và các cơ quan, ban - ngành một số giải pháp hỗ trợ DN về thuế. Cụ thể, giảm thuế suất thu nhập DN xuống 10% cho tất cả DN đối với kỳ tính thuế của năm 2019, 2020 và 2021; thống nhất từ ngày 1-6-2021, áp dụng thuế suất GTGT 0% đối với những mặt hàng đang chịu thuế 5% và thuế suất 5% đối với những mặt hàng đang chịu thuế 10%; mức thuế suất GTGT áp dụng cho tất cả mặt hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu là -10% (tức là xuất khẩu được 100 đồng thì ngân sách cho thoái thêm 10 đồng).

Bên cạnh đó, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với khoản đầu tư của những người khởi nghiệp (start-up), cho phép DN được tính các khoản chi ủng hộ chống dịch vào chi phí trước thuế mà không có giới hạn hạn mức, giãn các loại thuế theo Nghị định 41 đến hết tháng 12-2021. Ngoài ra, cần sớm thực hiện việc hoàn thuế cho DN; có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, kịp thời đối với các loại thuế, phí đã có hướng dẫn về miễn, giảm, hoãn; xem xét miễn tiền thuê đất đối với các DN bị ảnh hưởng trong năm 2020, 2021, thậm chí có thể kéo dài đến giữa hoặc cuối năm 2022. Xem xét các chính sách tài khóa có liên quan tới những DN nhỏ và siêu nhỏ; giãn nợ vay cho DN sang năm 2022; miễn/hoãn nộp thuế GTGT, thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc chế biến nông sản, kho lạnh trữ nông sản; miễn thuế tiền mặt bằng, nhà xưởng sản xuất ít nhất 6 tháng hoặc đến hết năm 2021.

Các DN rất cần được Chính phủ hỗ trợ giãn, hoãn, giảm thuế, lãi suất... để duy trì hoạt động sản xuất và khôi phục sau dịch nên cần phải triển khai ngay, nhanh, kịp thời, đơn giản hóa thủ tục và hướng dẫn cụ thể cho DN tiếp cận dễ dàng.

Thanh Nhân ghi

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-8

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo