xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh (*): Cần sự hỗ trợ thiết thực

Linh Anh - Ngọc Ánh - Thanh Nhân

Hơn lúc nào hết, sự chia sẻ, hỗ trợ của chính quyền với doanh nghiệp trong lúc này có ý nghĩa rất đặc biệt

Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An - Mỹ Bình (tỉnh Long An), vẫn biết tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp nhưng thực tế có những biện pháp phòng chống dịch "quá tay", gây khó khăn không cần thiết cho sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Tính đến kịch bản "hậu 3 tại chỗ"

"Khó khăn lớn nhất hiện nay là đang đến mùa thu hoạch sầu riêng, nhãn, tôm… nhưng công nhân lành nghề trong lĩnh vực này không đi lại được, còn lao động phổ thông thì không thể làm vì cần có kỹ thuật để thu hái, đánh giá và sơ chế sản phẩm đạt chuẩn. Nhà chức trách cần có hướng mở để công nhân di chuyển, kèm điều kiện phòng chống dịch để doanh nghiệp (DN) duy trì sản xuất, không làm chuỗi cung ứng đứt gãy.

Ở Tây Ninh có mô hình rất hay là tạo điều kiện cho nông dân ra đồng làm việc theo kiểu "1 cung đường, 2 điểm đến". Ngoài ra, lãnh đạo DN cũng được phép di chuyển để chỉ huy sản xuất, tiếp tế cho công nhân nhưng phải bảo đảm các quy định phòng chống dịch" - ông Huy đề xuất.

Giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh (*): Cần sự hỗ trợ thiết thực - Ảnh 1.

Doanh nghiệp rất mong được thế chấp hàng trong kho để vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu thu mua nông sản cho nông dân khi mùa thu hoạch .Ảnh: AN NA

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, cho biết trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, DN đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, chuyển hướng sang xây dựng nội lực, xây dựng các kênh phân phối phục vụ thị trường nội địa. Hiện Tân Long đang có 8 nhà máy quy mô lớn tại Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, ngoài ra còn có các kho trung chuyển ở các tỉnh. DN đã áp dụng "3 tại chỗ" nhưng đang vấp phải một số khó khăn. Ngay ở kênh phân phối, khi đưa hàng về các kho trung chuyển thì có ca dương tính với SARS-CoV-2 nên hàng hóa bị kẹt. May mắn là công ty đã xây dựng chuỗi 40 cửa hàng nên vẫn hoạt động bình thường.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn, nhìn nhận "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế, DN chỉ đạt tối đa 50% công suất, không thể giải quyết lượng cá đang tồn đọng. Các DN đang tính đến kịch bản "hậu 3 tại chỗ" dựa theo kinh nghiệm các nước. "Như ở Anh đang áp dụng cho 500 DN thủy sản, tương tự như Việt Nam được sản xuất bình thường khi công nhân tiêm đủ vắc-xin với điều kiện nhà máy đó phải có năng lực xét nghiệm nhanh để kiểm soát dịch bệnh. Nhờ vậy, dù ở Anh dịch bệnh vẫn còn, nhiều khu vực chưa được mở cửa hoàn toàn nhưng vẫn duy trì được sản xuất" - bà Tâm cho biết.

Còn bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu (Bến Tre), cho hay mỗi ngày bà đều nhận rất nhiều cuộc điện thoại của nông dân, HTX gọi mua nông sản ở nơi này nơi kia nhưng không thể đáp ứng hết vì tài chính có hạn. "Nông sản có tính mùa vụ nên rất mong ngân hàng có thể cho DN vay tín chấp dựa trên tồn kho để chúng tôi mua nhiều hàng cho nông dân" - bà Vy bày tỏ.

Tương tự, đại diện Công ty Cỏ May (Đồng Tháp) cũng mong muốn ngân hàng cho DN thủy sản thế chấp tài sản là hàng hóa trong kho để vay vốn, đồng thời giảm lãi suất, tăng thời hạn cho vay và giảm phí dịch vụ để hỗ trợ DN. Nhà nước cũng nên xem xét giảm thuế thu nhập và thuế thu nhập cá nhân cho người lao động để tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN.

Hỗ trợ đúng, trúng và hiệu quả

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng để DN sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, không có cách nào khác ngoài việc nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vắc-xin Covid-19. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ người dân và DN đã được ban hành cùng với việc đánh giá, nghiên cứu có thể cần đưa ra các phương án, gói hỗ trợ bổ sung tiếp theo.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng dịch bệnh trong năm 2021 tác động nghiêm trọng hơn năm ngoái và lan rộng sang nhiều DN ở các KCN thuộc Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP HCM, Long An… Con số 7 tháng chưa phản ánh hết thực tế nên những tháng tới cần có giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ DN trong bối cảnh quá nhiều DN khó khăn. Đặc biệt gần đây nhiều DN phản ánh khó khăn trong vận chuyển, lưu thông, xuất khẩu hàng hóa… DN sản xuất cũng đang lúng túng trong duy trì hoạt động để tồn tại và giữ khách hàng.

Theo ông Tuấn, các gói hỗ trợ trước đó chưa tính tới đợt bùng phát dịch lần thứ 4 nên chưa đủ liều. Vì vậy, Chính phủ cần có thêm những giải pháp mạnh hơn nữa để hỗ trợ DN trong thời gian tới. "Hiện tại, giải pháp trung và dài hạn đã có nhưng các DN có sống sót được để tiếp cận hay không lại là vấn đề cần bàn đến. Điều đáng mừng, sau gói 62.000 tỉ đồng và gói 16.000 tỉ đồng thời gian qua thì gói 26.000 tỉ đồng đang được triển khai có cách thức tiếp cận dễ dàng hơn, hiệu quả hơn" - ông Đậu Anh Tuấn nói.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành đặc biệt ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức "3 tại chỗ". Bên cạnh đó, VASEP kiến nghị Chính phủ có thêm chính sách ưu tiên về giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện cho đến ít nhất hết năm 2021 để hỗ trợ DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay nhằm duy trì được "3 tại chỗ" và đặc biệt là có thêm cơ hội, nguồn lực cho việc phục hồi sản xuất - xuất khẩu. Ngoài ra, cần tăng mức hỗ trợ từ nguồn BHXH, BHYT, thất nghiệp lao động cho DN và đề nghị BHXH chi trả lương và chi phí cho các trường hợp người lao động đi cách ly do dịch Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Tại TP HCM, trong báo cáo tổng hợp những hiến kế chính sách, giải pháp duy trì, ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn phòng chống Covid-19 gửi đến UBND TP mới đây, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, đã dành một phần nội dung để kiến nghị về gói hỗ trợ lần 2 mà TP chuẩn bị triển khai.

Theo ông Chu Tiến Dũng, TP cần phân loại DN thành 3 loại hình (DN đã ngừng hoạt động, giải thể; DN tạm ngừng hoạt động và DN đang hoạt động) để có giải pháp, chính sách hỗ trợ đúng, trúng và hiệu quả. DN đang còn hoạt động sẽ được nhận nhiều giải pháp đồng bộ để được giải cứu đến cùng. Hiệp hội cũng kiến nghị TP rà soát và quy định chi tiết, đầy đủ các loại thuế DN được giảm, giãn, chậm nộp đến 31-12-2021, lộ trình đến hết tháng 3-2022; rà soát và quy định chi tiết, đầy đủ các loại phí DN được giảm, giãn, chậm nộp đến 31-12-2021, lộ trình đến hết tháng 3-2022, kể cả phí BHXH, Công đoàn, tiền thuê đất, sử dụng đất…

Cũng theo ông Dũng, các DN rất cần Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ đến hạn ít nhất đến hết quý I/2022 để giảm áp lực trả nợ… Tuy nhiên, cần cơ cấu nợ sao cho không làm ảnh hưởng xếp hạng tín dụng của DN. Cùng với đó là cho phép DN tiếp cận vốn từ Quỹ bảo lãnh DN để bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-8

Còn nhiều bất cập

Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã nêu ý kiến góp ý về việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và một số biện pháp cấp bách hỗ trợ DN vượt khó, bảo đảm mục tiêu kép trong đại dịch.

Theo Ban IV, việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần hỗ trợ trực tiếp cho người lao động tự do, lao động bị mất việc, ngừng việc và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại địch được người dân và DN rất hoan nghênh. Tuy nhiên, thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đang còn có những quy định gây khó, khiến hầu hết DN không thể tiếp cận chính sách.

Do đó, kiến nghị Chính phủ xem xét loại bỏ quy định DN "đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn"; kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét cơ chế hoặc trình xin ý kiến Quốc hội để ban hành cơ chế cho phép DN sau thời gian giãn cách được chủ động bố trí thời gian làm thêm của người lao động có thể hơn 40 giờ/tháng để giải quyết các công việc gấp, tồn đọng.

Về việc bảo đảm các chuỗi vận tải hàng hóa và xuất nhập khẩu, Ban IV kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hoặc giao đầu mối các bộ ngành, địa phương, rà soát và áp dụng quy định, điều kiện đi lại thống nhất cho các nhóm nhân sự chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu, nhân viên cảng, nhân viên bốc xếp... Ngoài ra, đề xuất Thủ tướng xem xét, đánh giá kỹ "quy trình vận tải an toàn - lái xe không tiếp xúc" mà Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Ôtô - Vận tải Việt Nam đã kiến nghị, bởi việc sử dụng kết quả xét nghiệm sàng lọc Covid-19 như giấy thông hành hiện nay là chưa đúng với bản chất ý nghĩa của việc xét nghiệm và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ph.Nhung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo