xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hải quan điện tử vẫn phiền toái

Bài và ảnh: LINH AN

Sau hơn 2 tháng áp dụng, hệ thống thông quan điện tử mới từng được kỳ vọng sẽ rút gọn thời gian làm thủ tục thông quan lại liên tiếp sai sót, trục trặc khiến doanh nghiệp gặp nhiều phiền toái

Công ty TNHH Samsung Vina (Tập đoàn Samsung) đã 3 lần bị cưỡng chế, không được làm thủ tục thông quan vì liên quan đến nợ đọng thuế. Theo ông Hồ Huy Thế, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Samsung Vina, lỗi không phải do doanh nhiệp (DN) này.

Đủ thứ hành doanh nghiệp

Ông Hồ Huy Thế cho hay hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS) do Tổng cục Hải quan quản lý nhưng việc nhập dữ liệu đầu vào, thông tin về hàng hóa xuất nhập khẩu lại do các chi cục thực hiện. Trước đây, DN chỉ mất khoảng 2-3 phút làm một tờ khai thì nay hết 30 phút. Nguyên nhân do có quá nhiều dữ liệu phải điền (từ 10-15 trường trước đây nay tăng lên hơn 100 trường dữ liệu). “Nhiều thông tin DN thấy không cần thiết vẫn phải kê khai làm tốn thêm thời gian của DN” - ông Thế nói.

Cán bộ hải quan TP HCM làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng cho doanh nghiệp

Cán bộ hải quan TP HCM làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng cho doanh nghiệp (ảnh mang tính chất minh họa)

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Phạm Xuân Hồng, nêu nghịch lý: Hải quan điện tử yêu cầu DN kê khai số lượng hàng hóa cố định ngay từ ban đầu là không phù hợp với đặc thù của ngành dệt may. Với một tờ khai cho 10.000 sản phẩm áo sơ mi, đến giờ chót, DN có thể thiếu/thừa một vài sản phẩm nhưng lại không thể điều chỉnh. Cuối cùng, DN phải báo khách hàng khi nhận hàng thông cảm, lưu ý số lượng hàng trên tờ khai và thực tế.

Theo ông Hồng, DN dệt may thường nhập khẩu nguyên phụ liệu gia công rồi xuất nên được hưởng ân hạn thuế 275 ngày. Tuy nhiên, dữ liệu hải quan lại xếp một số DN vào dạng… nợ đọng thuế và không cho thông quan hàng hóa. Hậu quả, một thương hiệu có tiếng trong ngành dệt may đã tất tả từ TP HCM ra Hà Nội giải quyết vụ bị cưỡng chế do nợ đọng thuế dù không phải lỗi DN. Nhiều DN đã đóng lệ phí đầy đủ nhưng thông tin không hiện lên trên hệ thống mạng nên vẫn bị coi là nợ thuế, dẫn đến không được hoàn thuế hoặc thông quan hàng hóa…

Về vấn đề này, ông Bùi Lê Hùng, Trưởng Phòng Giám sát quản lý - Cục Hải quan TP HCM, cho hay việc kết nối dữ liệu với kho bạc và ngân hàng chưa thực hiện được hoặc dữ liệu không kịp thời để phục vụ cho việc kiểm tra tình trạng nợ thuế của DN. Hiện các chi cục vẫn cập nhật chứng từ thủ công vào hệ thống kế toán để thông quan hàng hóa. Ngay hệ thống kế toán thuế cũng không chính xác, nhiều DN không nợ thuế quá hạn nhưng hệ thống vẫn báo khiến DN không được đăng ký tờ khai.

“Tổng cục Hải quan nên nhanh chóng phối hợp với kho bạc và ngân hàng để có thông tin nộp thuế kịp thời phục vụ thông quan hàng hóa nhanh và sớm kiểm tra, khắc phục tình trạng cưỡng chế thuế không đúng” - ông Hùng kiến nghị.

Hai phương án xử lý bất cập

Hệ thống VNACCS/VCIS nằm trong khuôn khổ dự án viện trợ không hoàn lại do Nhật Bản tài trợ, được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh nhờ giảm chi phí và thời gian làm thủ tục thông quan.

Theo Bộ Tài chính, đây là hệ thống hải quan điện tử tiên tiến, được áp dụng tại Nhật Bản từ lâu, bảo đảm tính tự động hóa và thời gian thông quan nhanh chóng. Tuy nhiên, khi triển khai ở Việt Nam còn nhiều điểm chưa phù hợp. Chẳng hạn, hệ thống nguyên bản của Nhật Bản có trên 600 chức năng để quản lý hoạt động của hải quan và các chức năng có liên quan nhưng khi chuyển giao cho Việt Nam chỉ hơn 120 chức năng.

“Với các chức năng được phép sử dụng, trong quá trình áp dụng đã phát sinh một số bất cập, không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Những chức năng còn thiếu, ngành hải quan phải xây dựng các chương trình vệ tinh bổ trợ làm giảm hiệu quả của hệ thống này” - Bộ Tài chính giải thích.

Theo nội dung đã ký kết giữa 2 bên, các nội dung do Nhật Bản thiết kế, Việt Nam không được phép hiệu chỉnh nên ngành hải quan cũng đang gặp nhiều khó khăn. Bộ Tài chính cho biết ngành hải quan đang đề ra 2 phương án xử lý.

Một là, tiếp tục đàm phán, ký kết với hải quan Nhật Bản về việc phát triển hệ thống này để hiệu chỉnh lỗi và đưa thêm chức năng cần thiết vào hệ thống, thay thế dần các hệ thống vệ tinh. Hai là, ngành hải quan đầu tư, phát triển các hệ thống vệ tinh đủ mạnh, bù đắp các chức năng còn thiếu và hiệu chỉnh những bất cập khi cần thiết.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc nhận định hệ thống VNACCS/VCIS dù còn nhiều bất cập nhưng quan trọng nhất là đưa được một nền tảng công nghệ thông tin vững chắc và sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Lãnh đạo địa phương cũng khổ

Tại cuộc họp sơ kết ngành hải quan TP HCM 6 tháng đầu năm 2014, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho hay trước khi áp dụng hệ thống này, UBND TP cần thông tin về hải quan để giải quyết từng vụ việc cụ thể. Nhưng từ khi chuyển sang VNACCS/VCIS, mọi thông tin chuyển về Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính nên khi UBND TP hoặc các sở, ngành cần thông tin xử lý phải xin thông tin của bộ, rồi mất từ 1-3 ngày mới chuyển thông tin ngược về. Đây là vấn đề bất hợp lý và UBND TP đã kiến nghị nhiều lần để bộ có hướng giải quyết theo hướng vừa chuyển dữ liệu lên bộ vừa cung cấp cho lãnh đạo các tỉnh, thành.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo