xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hoàng Anh Gia Lai tạm thở phào!

THÁI PHƯƠNG - SƠN NHUNG

Nhóm các ngân hàng chủ nợ của Hoàng Anh Gia Lai đã có cuộc họp thống nhất phương án tái cơ cấu các khoản nợ của tập đoàn này (hơn 33.000 tỉ đồng)

Chiều 17-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cho biết phương án tái cơ cấu các khoản nợ của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang được xem xét để trình Chính phủ quyết định. Trước đó, một nhóm các NH chủ nợ của HAGL đã nhóm họp ở Hà Nội thông qua phương án đề xuất của doanh nghiệp này để tháo gỡ khó khăn.

Ngân hàng đề nghị giảm lãi suất khoản vay

NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hiện là đơn vị cho vay lớn nhất, chiếm khoảng 50% dư nợ tại HAGL, cùng với nhiều NH khác như NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), NH Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)…

Tại cuộc họp, các NH đã đề nghị cho HAGL được giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất các khoản vay. Trên thực tế, việc tái cơ cấu nợ cho khách hàng doanh nghiệp là bình thường đối với ngành NH, khi hoạt động gặp khó khăn và giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh. Vậy vì sao các NH phải xin ý kiến NHNN và NHNN trình Chính phủ xem xét phương án tái cơ cấu nợ?

Hoàng Anh Gia Lai hiện đầu tư vào nhiều dự án công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao Ảnh: HOÀNG THANH
Hoàng Anh Gia Lai hiện đầu tư vào nhiều dự án công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao Ảnh: HOÀNG THANH

Theo phân tích của lãnh đạo một số NH đang cho HAGL vay, nếu HAGL đề xuất yêu cầu này từ thời điểm trước tháng 4-2015 khi Quyết định 780 và Thông tư 09 của NHNN về khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ cho doanh nghiệp còn hiệu lực thì các NH sẽ được tự quyết định. Nhưng nay, các quy định này đã hết hiệu lực nên muốn tái cơ cấu các khoản nợ thì phải xin ý kiến của NHNN.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 vừa công bố giữa tháng 4-2016, tổng số nợ phải trả của HAGL tính đến cuối năm ngoái là hơn 33.000 tỉ đồng, gồm nợ ngắn hạn là 13.212 tỉ đồng và nợ dài hạn là 19.749 tỉ đồng. Trong đó, khoản nợ từ việc vay NH có sự góp mặt của nhiều NH thương mại thông qua cho vay trực tiếp hoặc các khoản vay từ phát hành trái phiếu của chính doanh nghiệp này.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 của HAGL vừa công bố cho thấy tổng số nợ phải trả tiếp tục tăng thêm, trong đó tổng số nợ vay ngắn hạn và vay dài hạn từ các NH thương mại vào khoảng 28.106 tỉ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 cũng cho thấy doanh thu công ty này đạt trên 6.250 tỉ đồng nhưng do chi phí lãi vay lớn nên lợi nhuận giảm sút chỉ còn 602 tỉ đồng. Doanh thu lớn nhất của tập đoàn này đến từ việc nuôi bò và đầu tư vào bất động sản…

Chia sẻ chứ không phải là giải cứu

Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết việc các NH thương mại đồng ý phương án gia hạn nợ, giảm lãi suất cho HAGL là cần thiết nhằm giúp doanh nghiệp này vượt qua khó khăn. Dù không thông tin chi tiết dư nợ của HAGL tại Sacombank nhưng lãnh đạo NH này khẳng định HAGL chưa hề vướng nợ xấu và vẫn đang trả nợ đúng hạn. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, HAGL trả cho Sacombank gần 700 tỉ đồng, chưa kể các NH thương mại khác. Trong nhiều năm qua, HAGL đã có quan hệ tín dụng với Sacombank nhưng chưa từng trả nợ trễ hạn.

Hiện các khoản nợ của HAGL vẫn ở nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) nhưng doanh nghiệp này vẫn xin tái cơ cấu các khoản nợ gồm không chuyển nhóm nợ, giãn nợ cho các khoản nợ đến hạn và xin giảm lãi suất cho các khoản nợ. HAGL gặp khó chủ yếu do giá cổ phiếu xuống thấp thời gian qua và tình hình ngành cao su gặp khó khăn kéo giá mặt hàng này xuống thấp. Các lĩnh vực khác của doanh nghiệp này như chăn nuôi bò, mía đường… vẫn ổn định, hoạt động kinh doanh tốt.

“Nếu bị chuyển nhóm nợ, HAGL sẽ không được tiếp tục vay vốn cho các dự án đang triển khai, trong khi NH cũng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này. Thực tế, khó khăn của doanh nghiệp này là khách quan nên các NH sẵn sàng đồng hành để tháo gỡ. Đây không phải là giải cứu vì ngân sách không tốn đồng nào, doanh nghiệp chỉ xin giãn thời hạn trả nợ… ” - ông Phan Đình Tuệ phân tích.

Trước đó, tại đại hội cổ đông của BIDV - chủ nợ lớn nhất của HAGL - các cổ đông cũng chất vấn khoản nợ “khủng” của doanh nghiệp này. Trả lời cổ đông, Tổng Giám đốc BIDV Phan Đức Tú khẳng định khoản nợ hiện còn 10.500 tỉ đồng, trong đó một nửa là trái phiếu doanh nghiệp. Các khoản vay đều có tài sản bảo đảm và con số dư nợ đang được kiểm soát. HAGL gặp khó khăn về thanh khoản chứ không mất khả năng trả nợ.

Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cũng khẳng định HAGL quan hệ với NH này 20 năm nay, vay trả sòng phẳng nhưng do tình hình thị trường nên có chậm. Nếu bán toàn bộ các khoản thế chấp của HAGL có thể thu đủ nợ gốc và lãi nhưng quan trọng là NH phải có trách nhiệm đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp khi tình hình khó khăn.

Tin tưởng vào các dự án triển vọng

Theo lãnh đạo một số NH, HAGL hiện đầu tư nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao - ngành đang được Chính phủ khuyến khích nên việc NH đồng hành hỗ trợ để giúp công ty này vượt khó là bình thường.

“Quan trọng là họ đầu tư cho nông nghiệp bài bản và rất có triển vọng. Tôi từng đi khảo sát các dự án bất động sản của họ ở Myanmar, thấy có rất nhiều tiềm năng; các dự án trồng cọ dầu, cao su, mía đường ở Lào, Campuchia cũng theo công nghệ hiện đại trên quy mô lớn. Cũng vì thấy các dự án của công ty này triển vọng nên NH tôi đang cân nhắc xem xét tiếp tục rót vốn để họ triển khai tiếp vì họ làm thật!” - lãnh đạo một NH cổ phần đang cho HAGL vay cho biết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo