xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hướng đến xử lý rác thông minh

THANH NHÂN - PHAN ANH

Để có những nhà máy xử lý rác thông minh, tạo ra năng lượng, an toàn cho môi trường, TP HCM bảo đảm cơ hội cho tất cả doanh nghiệp tham gia một cách công khai và nhiều chính sách ưu đãi

Sáng 26-11, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt - phát điện.

Tăng 3.000-5.000 tấn rác mỗi ngày

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng vấn đề bức xúc hiện nay của TP là làm thế nào để xử lý rác một cách thông minh nhất. Theo ông Tuyến, một đô thị đặc biệt, đang phát triển từng ngày, từng giờ chắc chắn sẽ đối mặt nhiều thách thức, trong đó có vấn đề xử lý các loại chất thải rắn, nhất là trong bối cảnh lượng rác thải của TP ngày càng tăng.

"Thông điệp trong hội nghị hôm nay rất rõ ràng là TP mong muốn có những nhà máy xử lý rác thông minh, vừa xử lý rác vừa tạo ra năng lượng, an toàn cho môi trường, thiết kế đẹp" - ông Tuyến nhấn mạnh. Để làm được điều này, ông Tuyến cam kết TP bảo đảm cơ hội cho tất cả doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước tham gia một cách công khai và có nhiều chính sách ưu đãi để nhà đầu tư an tâm đầu tư lâu dài, cùng đạt những kết quả tốt đẹp.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng, bình quân mỗi ngày TP phát sinh 8.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt; 1.500-2.000 tấn rác thải công nghiệp, trong đó khoảng 350-400 tấn chất thải nguy hại; 22 tấn chất thải rắn y tế. Thành phần chủ yếu của chất thải rắn sinh hoạt là chất thải thực phẩm với tỉ lệ khá cao, 60%-80%; khả năng tái chế thấp, chỉ khoảng 27%. Ngoài ra, chất thải rắn sinh hoạt ở TP chưa được phân loại tại nguồn.

Hướng đến xử lý rác thông minh - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khảo sát đề án thực nghiệm xây dựng Nhà máy Điện - Rác Gò Cát tại Công ty TNHH Thủy lực - Máy Ảnh: Phan Anh

Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường, bình quân mỗi năm rác thải sinh hoạt ở TP HCM tăng khoảng 5%. Như vậy, trong giai đoạn 2020-2030, mỗi ngày rác thải sinh hoạt ở TP tăng 2.000-3.000 tấn. Từ đó, TP dự định kêu gọi 2-3 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt gia tăng ở TP.

Về chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại, ông Thắng cho biết theo tính toán thì mỗi năm tăng 6%-8%. Như vậy, dự báo từ nay đến năm 2030, mỗi ngày TP tăng 1.000-2.000 tấn rác ở dạng này. Do đó, TP dự kiến kêu gọi thêm một dự án xử lý rác giai đoạn 2020-2025. TP cũng sẽ kêu gọi một dự án xử lý rác thải y tế với công nghệ hiện đại. Bởi lẽ, dự báo mỗi năm, chất thải rắn y tế tăng 10%; từ nay đến năm 2030, mỗi ngày tăng 20-30 tấn.

"Đây là số liệu và thông điệp mà TP đưa ra, rất mong nhà đầu tư quan tâm đến việc xử lý các loại chất thải này phát sinh ở TP" - ông Thắng bày tỏ.

Xu thế mới tại Việt Nam

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, cho biết hiện có 3 phương thức xử lý chất thải rắn là chôn lấp, ủ phân và đốt phát điện. Trong đó, đốt phát điện trở thành lựa chọn hàng đầu của các nước có nguồn đất đai và năng lượng hạn hẹp. Nhiều nước trên thế giới cũng chuyển dần từ chôn lấp sang đốt phát điện.

Tại Việt Nam, vấn đề đốt chất thải phát điện cũng bắt đầu được quan tâm do khối lượng chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt ngày càng gia tăng và phương pháp chôn lấp ngày càng thể hiện các nhược điểm rất khó giải quyết. Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, đốt rác phát điện sẽ trở thành xu thế mới tại Việt Nam.

Chất thải rắn lại là nguồn tài nguyên tái tạo đem lại lợi ích kinh tế to lớn. Việc khai thác để biến chất thải rắn thành nguồn tài nguyên cũng trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp môi trường Việt Nam, phù hợp với chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư quá cao nên để công nghệ đốt chất thải phát điện được triển khai trong thực tế, Chính phủ cần ban hành nhiều chính sách đồng bộ - bao gồm phí xử lý chất thải rắn, giá điện, các chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về phí, thuế… - nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này.

Đã tìm hiểu công nghệ đốt rác - phát điện đang áp dụng tại nhiều nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đánh giá mỗi công nghệ đều có cái hay và hạn chế. Vì vậy, ông Đông đề nghị sau khi đấu thầu, nhà đầu tư cần chạy thử công nghệ của mình 3-6 tháng để TP thẩm định, nếu thật sự tốt thì ký hợp đồng chính thức, không thì thôi.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, trong tiêu chí chọn nhà đầu tư phải xác định hiệu suất xử lý rác thành điện và xem xét, đánh giá thật chặt chẽ tác động đến môi trường về khói thải, khí thải, nhiệt độ khí thải ra môi trường.

Đấu thầu công khai để lựa chọn công nghệ

Tại hội nghị, do giới hạn về thời gian nên chỉ có 5 DN được mời giới thiệu công nghệ xử lý rác bằng công nghệ đốt - phát điện. Tuy nhiên, ban tổ chức nhiều lần nhắc đi nhắc lại thông báo TP HCM sẽ xem xét đấu thầu công khai để lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn cho TP và kêu gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước tiếp tục nộp hồ sơ.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, TP đã tiếp nhận 40 hồ sơ giới thiệu công nghệ xử lý rác từ các nhà đầu tư, nhiều nhất trong 10 năm qua, thể hiện sự quan tâm và mong muốn đóng góp của họ vào việc bảo vệ môi trường TP. Ông Phong cho biết việc tìm kiếm công nghệ xử lý rác tại Việt Nam khó khăn hơn các nước châu Âu vì rác thải sinh hoạt ở ta có độ ẩm cao và chưa phân loại tại nguồn. "Với tốc độ phát triển của TP, tốc độ tăng dân số cơ học sẽ nhiều hơn nữa, lượng rác thải sẽ ngày càng nhiều. Do đó, TP rất trân trọng các nhà đầu tư. TP sẵn sàng đón nhận, ủng hộ trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế của TP" - ông nêu rõ.

Ông Phong cũng cho hay sau hội nghị, UBND TP HCM sẽ nhanh chóng chuẩn bị các thủ tục kêu gọi đầu tư, thông báo và công bố quy trình, tiêu chuẩn xét chọn dự án, các chính sách ưu đãi, chương trình kích cầu hỗ trợ nhà đầu tư… TP sẽ giao các sở, ngành chức năng tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đăng ký thực hiện các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, ông Phong còn đề nghị các nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ cải tạo, đổi mới công nghệ.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hoàn toàn có điều kiện sử dụng công nghệ tốt nhất trong việc xử lý rác của TP. "Sắp tới, TP sẽ công bố thời gian, thủ tục đấu thầu để mời gọi các nhà đầu tư. Với cơ chế đặc thù, TP sẽ tạo điều kiện hơn nữa để các nhà đầu tư tham gia trong lĩnh vực này. Mong rằng cuối quý I/2018, TP sẽ triển khai được quy trình này" - ông Nhân nói và đề nghị các DN đang xử lý rác theo công nghệ cũ khẩn trương chuyển đổi sang công nghệ mới.

Giá xử lý rác khác nhau

Hiện nay, TP HCM cũng như cả nước nói chung chủ yếu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp. Đây là giải pháp mang tính lịch sử nhưng theo thời gian đã bộc lộ những hạn chế như lãng phí tài nguyên đất, tài nguyên rác, ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí… TP HCM hiện có 4 DN xử lý chất thải, rác thải. Đó là Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam xử lý khoảng 5.500 tấn rác/ngày với giá xử lý 448.000 đồng/tấn, Công ty Vietstar xử lý 1.800 tấn/ngày với giá 440.000 đồng/tấn, Công ty Tâm Sinh Nghĩa xử lý 1.300 tấn/ngày với giá 460.000 đồng/tấn, Công ty TNHH Môi trường Đô thị TP xử lý 500 tấn/ngày với giá 360.000 đồng/tấn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo