xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kéo dài thời hạn xử lý nợ xấu

THY THƠ - THÁI PHƯƠNG - MINH CHIẾN

Cần tiếp tục có biện pháp giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và khơi thông nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế bằng việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý

Ngân hàng (NH) Nhà nước cho biết qua gần 5 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, các NH thương mại đã duy trì tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%. Nhờ đó, hầu hết các NH có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân trong giai đoạn bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Lo nợ xấu gia tăng

Lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến 31-12-2021, toàn hệ thống NH đã xử lý hơn 380.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó có 148.000 tỉ đồng do khách hàng tự trả. Trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5.670 tỉ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3.250 tỉ đồng/tháng trong giai đoạn từ năm 2012-2017 (trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực).

Trong nhóm 27 NH thương mại, số liệu thông kê cho thấy đến hết quý I/2022, hầu hết NH nhóm này có tỉ lệ nợ xấu rất thấp, dưới 1% đến 1,5% trên dư nợ cho vay khoảng 1-1,4 triệu tỉ đồng.

Kéo dài thời hạn xử lý nợ xấu - Ảnh 1.

Cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu để tránh tạo khoảng trống pháp lý

Tuy nhiên, điều mà thị trường quan tâm là sau ngày 30-6, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 sẽ hết hạn. Khi đó, nợ xấu của một số NH có thể lộ diện và gia tăng.

Chiều 1-6, một lãnh đạo NH TMCP Á châu (ACB) cho biết do NH đã lên phương án cơ cấu nợ theo từng đợt và đã từng bước thu hồi nợ nên sau thời điểm ngày 30-6, ACB không bị động và không lo ngại nợ xấu tăng lên. "Nếu NH nào dồn hết số nợ mà khách hàng phải trả vào cuối tháng 6-2022 và đến thời điểm này không thu hồi được, nợ xấu chắc chắn sẽ tăng" - vị lãnh đạo ACB nhìn nhận.

Cũng khá tự tin với khả năng kiểm soát nợ xấu, Phó Tổng Giám đốc phụ trách NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank), ông Nguyễn Thanh Tùng, cho hay hầu hết khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đều có khả năng hồi phục sản xuất - kinh doanh và các khoản vay của nhóm này không rơi vào nợ xấu. Song, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng nhìn rộng ra toàn ngành, khi hết thời hạn giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nợ xấu có thể "nóng" lên tại một số NH.

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy thời gian qua, các NH liên tục rao bán tài sản thế chấp từ bất động sản đến nhà xưởng, máy móc, thiết bị, ôtô... để xử lý, thu hồi nợ. Nhiều tài sản thế chấp của DN cũng bị thu giữ, xiết nợ trong bối cảnh còn khó khăn trong giai đoạn phục hồi.

Đại biểu (ĐB) Quốc hội Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) đánh giá Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mang lại chuyển biến tích cực khi đã tạo thay đổi đáng kể về nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan.

"Hiện nay, trong bối cảnh khó khăn, khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm, nợ xấu có thể gia tăng. Quốc hội, Chính phủ, NH Nhà nước cần tiếp tục duy trì các biện pháp giảm nợ xấu trong hệ thống NH và khơi thông nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế bằng cách kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý" - ĐB Cầm Thị Mẫn đề xuất.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) đề nghị Quốc hội xem xét gia hạn thời gian thực hiện Nghị quyết 42 để bảo đảm an toàn cho hệ thống NH bởi kết quả trong gần 5 năm thực hiện cho thấy nghị quyết này có vai trò rất cần thiết.

Nên luật hóa về xử lý nợ xấu

Một luồng ý kiến đáng lưu ý hiện nay là việc kéo dài thời hạn thực hiện nghị quyết về xử lý nợ xấu có thể làm lợi cho các NH thương mại khi lợi nhuận vẫn tăng mạnh bất chấp khó khăn do dịch Covid-19.

Trong báo cáo tổng hợp ý kiến của ĐB Quốc hội về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 và tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều ĐB đề xuất cần có cam kết và lộ trình thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả. Lo ngại của các ĐB Quốc hội là có cơ sở bởi năm 2021, dù trải qua thời gian dài rất khó khăn bởi dịch Covid-19, nhiều NH thương mại vẫn ghi nhận lợi nhuận duy trì ở mức cao so với cùng kỳ.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhận định việc kéo dài thời hạn Nghị quyết 42, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan là giải pháp giúp các NH đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, sớm đưa dòng vốn vào lưu thông để phát triển kinh tế sau dịch Covid-19.

TS Thuận cũng chỉ rõ tuy NH phải sử dụng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu nhưng do dư nợ cho vay quá lớn, nguồn thu từ phí dịch vụ của mỗi NH lên tới hàng ngàn tỉ đồng nên tổng lợi nhuận của hệ thống luôn tăng mạnh. Vì thế, nếu nợ xấu tăng lên 2%-3% thì vẫn là một tỉ lệ rất thấp so với dư nợ cho vay hàng triệu tỉ đồng, chỉ làm vơi đi một khoản nhỏ lợi nhuận của các NH.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, nêu quan điểm việc kéo dài Nghị quyết 42 sẽ hỗ trợ các NH đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Dù vậy, nghị quyết đã được thí điểm trong khoảng 5 năm qua và cần sớm được luật hóa để trở thành khung pháp lý cho các NH xử lý nợ cũng như giúp DN được hưởng lợi.

"Đại dịch khiến DN gặp khó khăn nhiều hơn, khó trả được nợ và nợ xấu cũng tăng lên đáng kể. Lúc này, các DN phải tăng tài sản thế chấp để duy trì khoản vay hoặc bị rao bán tài sản để xử lý nợ xấu nếu không trả được nợ… Vì vậy, trong quá trình luật hóa nghị định về xử lý nợ xấu, cần sòng phẳng, minh bạch việc định giá tài sản, định giá khoản nợ, tránh để DN bị thiệt hoặc bị NH rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ với giá thấp hơn giá trị thật" - ông Phạm Ngọc Hưng đề nghị.

ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhận xét kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, nợ xấu có khả năng tiếp tục tăng, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro. Nguyên nhân, theo ĐB Đồng, là do một phần đáng kể dòng tiền đã và đang tìm tới các kênh đầu tư, các nhóm tài sản rủi ro, không được khuyến khích như: bất động sản, chứng khoán, trái phiếu DN. "Liệu nợ xấu NH trong các lĩnh vực rủi ro này ở mức bao nhiêu, sẽ còn gia tăng như thế nào trong thời gian tới, cần làm rõ" - ĐB Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi.

Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết để xử lý nhanh gọn nợ xấu, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 đến hết năm 2023 sau khi nghị quyết này hết thời hạn vào ngày 15-8; giao Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo