xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khơi dòng vốn cho doanh nghiệp (*): Bài toán khó: Tăng trưởng hay kiểm soát lạm phát?

THÁI PHƯƠNG - MINH CHIẾN - THY THƠ - THÙY DƯƠNG

Các chuyên gia kinh tế lưu ý điều hành chính sách vĩ mô giai đoạn hiện nay cần quyết liệt nhưng mềm dẻo, cân bằng giữa hồi phục, tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lãi suất, tỉ giá thời gian qua đã ít nhiều tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, việc tăng lãi suất điều hành liên tiếp 2 lần trong tháng 9 và 10-2022 với mức 1 điểm %/lần và nới biên độ tỉ giá lên 5% đã được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước cũng như mục tiêu chính sách tiền tệ.

Duy trì sức hấp dẫn của VNĐ

Giải thích thêm, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay lãi suất, tỉ giá tăng trong bối cảnh NHNN kiên định hạn mức (room) tín dụng hạn chế trong thời gian qua nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong suốt 9 tháng đầu năm, NHNN đã cố gắng giữ nguyên lãi suất điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất. Đến cuối tháng 9, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất nhanh, mạnh để đối phó với lạm phát ở mức cao, NHNN quyết định tăng lãi suất điều hành để giữ ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ.

"Đồng USD tăng giá mạnh đã gây áp lực mất giá lên các đồng tiền khác. Để giữ VNĐ không bị mất giá quá lớn, gây bất ổn vĩ mô, trong khi nếu lãi suất thấp sẽ khó ổn định thị trường ngoại tệ, NHNN đã tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VNĐ, hỗ trợ đắc lực cho việc ổn định tỉ giá, thị trường ngoại tệ" - Phó Thống đốc NHNN nói.

Cũng theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, ngay từ đầu năm, để đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, các tổ chức tín dụng đã tăng cường cho vay. Tín dụng tăng trưởng nhanh trong khi huy động vốn tăng chậm khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản do thiếu vốn. Động thái tăng lãi suất của NHNN còn nhằm hỗ trợ tổ chức tín dụng thu hút thêm nguồn tiền gửi. Bên cạnh đó, lãi suất điều hành hiện về mức tương đương giai đoạn trước dịch COVID-19 là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất thêm ít nhất 2 lần nữa với mức tăng 0,5 điểm %/lần. Tuy nhiên, chính sách điều hành lãi suất của Mỹ có thể sẽ đảo chiều khi nền kinh tế số 1 thế giới đối mặt với khả năng suy thoái. 

"Đó cũng sẽ là thời điểm chính sách tiền tệ của Việt Nam đổi chiều, lãi suất có khả năng đi xuống vào giữa năm 2023. Còn trong ngắn hạn, DN, người dân vẫn phải chấp nhận những khó khăn do mặt bằng lãi suất cao" - ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.

Khơi dòng vốn cho doanh nghiệp (*): Bài toán khó: Tăng trưởng hay kiểm soát lạm phát? - Ảnh 1.

Một số động lực của nền kinh tế như xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài... đang có dấu hiệu suy giảm, đòi hỏi Chính phủ linh hoạt trong điều hành chính sách để hạn chế tác động đến tăng trưởng năm 2023 và những năm tiếp theo. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần chính sách linh hoạt, cân bằng

Một số ý kiến nhìn nhận chính sách điều hành tỉ giá, lãi suất trong thời gian qua đã phần nào hỗ trợ ổn định vĩ mô song cũng có những hạn chế nhất định.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, e ngại chính sách tài khóa và tiền tệ ưu tiên chống lạm phát có thể làm sụt giảm tăng trưởng. "Các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, cầu tiêu dùng, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, đầu tư công... đã có dấu hiệu giảm sút. 

Trong khi đó, dù chính sách hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát nhưng nguy cơ lạm phát vẫn cao do chi phí đẩy, lãi suất, chi phí vốn tăng. Thực tế này đòi hỏi nhà nước phải cân đối mục tiêu để điều hành hợp lý, hài hòa, không đánh đổi. Chẳng hạn, có thể nới mục tiêu kiểm soát lạm phát lên 5% hoặc cao hơn trong 2 năm tới rồi giảm dần; thẩm định các chỉ tiêu tăng trưởng và lạm phát một cách độc lập" - TS Nguyễn Đình Cung góp ý.

GS-TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đánh giá mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4% như Quốc hội đề ra sẽ đạt được. Kết quả tích cực này đã đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống người dân. 

Nhấn mạnh việc kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là kim chỉ nam trong điều hành chính sách, GS-TS Hoàng Văn Cường lưu ý điều hành vĩ mô giai đoạn hiện nay cần quyết liệt nhưng mềm dẻo, cân bằng giữa hồi phục, tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, linh hoạt điều phối chính sách tiền tệ và tài chính.

"Thời gian tới, cần áp dụng chính sách tài khóa theo hướng mở rộng, trở thành chính sách chủ lực. Song song đó, chính sách tiền tệ phải được điều hành thận trọng, linh hoạt. Kết hợp linh hoạt 2 chính sách này sẽ không làm nguồn lực bị đóng băng, ngược lại có thể tiếp tục huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển. 

Hiện dư địa chính sách tài khóa khá tốt khi nợ công thấp, nhờ đó có thêm không gian nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế. Nếu lạm phát, tỉ giá tăng và đồng tiền mất giá thì DN không được hưởng lợi, sản xuất bị thu hẹp, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung" - PGS-TS Hoàng Văn Cường chỉ rõ.

Chờ cú hích từ đầu tư công

Ông Nguyễn Xuân Thành nhìn nhận triển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2023 sẽ khá thách thức khi một số nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu hoặc Trung Quốc có thể rơi vào suy thoái. Điều này sẽ tác động tới thị trường tài chính của Việt Nam; xuất khẩu sẽ khó khăn hơn; xu hướng biến động lãi suất và tỉ giá có thể tiếp diễn trong bối cảnh còn có sự lo ngại về thị trường vốn, tài chính.

"Động lực xuất khẩu mạnh mẽ trong 2-3 năm qua sẽ không còn nữa mà có thể được thay thế bằng động lực đầu tư công. Việt Nam có khả năng quay lại thời kỳ sử dụng nguồn lực ngân sách ở mức 7%-7,5% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng. 

Dự toán ngân sách nhà nước dành khoảng 720.000 tỉ đồng cho đầu tư công năm 2023. Nếu cộng thêm phần chưa giải ngân của năm nay, sẽ có 850.000 tỉ đồng phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng. Chỉ cần giải ngân được 75%-80% số đó sẽ là cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế" - ông Nguyễn Xuân Thành phân tích.

Theo các chuyên gia, nếu giải ngân đầu tư công tốt, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% được Quốc hội thông qua trong kỳ họp mới đây là khả quan. Với việc nới mục tiêu lạm phát lên 4,5% (cao hơn mức 4% của năm nay), NHNN có dư địa để không phải thắt chặt quá mức chính sách tiền tệ, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.

Cũng chỉ ra xu hướng thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế được thể hiện rõ qua dự toán ngân sách và mục tiêu lạm phát năm 2023, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, cho rằng hiện có những yếu tố hỗ trợ tốt cho đầu tư công. Trong đó, yếu tố khá quan trọng là giá vật liệu xây dựng giảm trong những tháng gần đây và kỳ vọng tiếp tục giảm trong các quý đầu năm tới do nhu cầu yếu. 

Riêng giá thép xây dựng giảm 19,7% so với mức đỉnh và giảm 6,7% so với cuối năm 2021. Diễn biến này giúp các DN xây dựng có điều kiện cải thiện biên lợi nhuận và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. "Vốn đầu tư công thực hiện năm 2023 có thể tăng 20%-25% so với số thực tế năm nay" - bà Hiền dự báo. 

Nhận diện thách thức năm 2023

Bà Trần Khánh Hiền nhận định trong năm 2023, xung lực tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại khi một số đầu kéo đang chậm và vài ẩn số khó dự báo. Theo bà Hiền, những động lực tăng trưởng kinh tế sẽ là sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch quốc tế; giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh; chuyển dịch năng lượng hướng tới phát triển bền vững...

Tuy nhiên, liệu sức hấp dẫn của Việt Nam có tiếp tục tăng khi cạnh tranh thu hút vốn nước ngoài trong khu vực ASEAN ngày càng tăng; cầu thế giới giảm; áp lực lên lãi suất và tỉ giá sẽ kéo dài ít nhất đến quý II/2023...? Bên cạnh đó, cần nhận diện rõ tín hiệu phục hồi của năm 2022, đặc biệt trong quý III/2022, là nhất thời, nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt và phần nào từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Từ quý IV/2022, dấu hiệu phục hồi có thể giảm dần.

TS Nguyễn Đình Cung chỉ rõ những thách thức của nền kinh tế trong năm 2023 gồm: kinh tế thế giới suy giảm, dự báo năm 2024 có thể suy thoái, khiến cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm sút; giá năng lượng vẫn ở mức cao; thị trường tài chính biến động, dòng vốn tắc nghẽn; việc triển khai các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế chưa đạt hiệu quả mong muốn... "Nếu không có những thay đổi đột phá, kinh tế năm 2023 và cả những năm sau sẽ tiếp tục khó khăn" - TS Nguyễn Đình Cung lưu ý.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-12

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo