xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mở toang thị trường 600 triệu dân!

THÁI PHƯƠNG

Vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, doanh nghiệp Việt Nam không còn phân biệt “sân nhà, sân khách” mà phải cạnh tranh trong một thị trường rộng lớn với nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm thách thức

Từ hôm nay (31-12), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành, tạo thành một khối thống nhất về sản xuất, thương mại và đầu tư nhưng rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt vẫn đang loay hoay bài toán cạnh tranh khi hàng hóa tương đồng và nguy cơ cạnh tranh gay gắt về lao động.

Nhà xuất khẩu lớn của thế giới

AEC kỳ vọng sẽ hình thành thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề. Một khu vực có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

AEC hình thành sẽ mở ra một thị trường rộng lớn, bình đẳng cho các DN Việt Nam khi có cơ hội trao đổi hàng hóa, thương mại, thu hút đầu tư và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực khi hàng rào thuế quan và phi thuế quan được gỡ bỏ.


Thị trường bánh kẹo trong nước đã tràn ngập sản phẩm nhập ngoại Ảnh: TẤN THẠNH

Thị trường bánh kẹo trong nước đã tràn ngập sản phẩm nhập ngoại Ảnh: TẤN THẠNH

AEC có quy mô thị trường hơn 600 triệu dân, tổng GDP hằng năm khoảng 2.000 tỉ USD. Trong đó, Việt Nam chiếm tỉ trọng khoảng 7,36% kim ngạch xuất khẩu và 8,5% kim ngạch nhập khẩu. Theo Bộ Công Thương, kinh tế khu vực dự kiến sẽ được nâng cao tính cạnh tranh, giúp ASEAN trở thành một thị trường rộng lớn và là nhà xuất khẩu lớn của thế giới.

Sức nóng “phà vào gáy”

Điều đáng lo là trong khi các DN Thái Lan, Malaysia, Singapore… đã chuẩn bị kỹ, đón đầu cơ hội để tràn vào Việt Nam khai thác thị trường 90 triệu dân thì DN trong nước dường như chưa sẵn sàng. Dự án nghiên cứu khảo sát về nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế của DN Việt Nam - vừa được Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục và Trường doanh nhân PACE công bố - trong số gần 500 DN được hỏi, có tới 75,7% DN trả lời sai về năm hình thành AEC là 2015.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng cộng đồng DN Việt đang quan tâm quá nhiều đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng hiệp định này là “nước xa”, còn AEC mới là “lửa gần” và sức nóng đang “phà vào gáy”. Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), phải vài năm nữa cộng đồng DN mới cảm nhận được sức nóng từ TPP. Trong khi đó, AEC ngay lập tức tác động, ảnh hưởng lớn nhưng nhiều DN vẫn thờ ơ.

Phân tích của ông Trần Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP HCM - cho thấy AEC thật sự là một thách thức lớn với cộng đồng DN Việt. Như với ngành nhựa, khu vực ASEAN lâu nay không phải thị trường mà là đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Khi bán hàng vào Nhật, Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha…, đi đâu DN Việt cũng đụng đối thủ trực tiếp đến từ ASEAN. Và nay, khi AEC thành lập thì thị trường nội địa càng phải lo lắng bởi hàng ngoại tràn vào nhiều hơn, cạnh tranh gay gắt hơn.

Lo doanh nghiệp phải “bán mình”!

Rất nhiều DN thừa nhận khó khăn lớn nhất trong năm 2016 mà họ phải đối mặt là sự tràn ngập hàng hóa đến từ các nước trong khu vực. Những DN nào không chuẩn bị từ vài năm trước thì nguy cơ tụt hậu là rất lớn.

Ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, cho biết trong khoảng 2 năm nay, DN đã ý thức được việc bị cạnh tranh trực tiếp trên sân nhà nên cố gắng đầu tư máy móc thiết bị để có sản phẩm chất lượng tốt với giá ngang hoặc thấp hơn hàng ngoại. Dù vậy, ông chủ của Mỹ Hảo thừa nhận vẫn rất lo về áp lực cạnh tranh, về sự thôn tính.

Cái tên DN mới nhất rơi vào tay nước ngoài thuộc về ngành nhựa: Công ty CP Bao bì nhựa Tân Tiến, khi một tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã thâu tóm gần như toàn bộ cổ phần của DN này. Ông Trần Việt Anh cho biết hiện 4 DN trong ngành nhựa đều đã bán cho nước ngoài và một số DN khác đang tiếp tục được thương lượng. Những DN ngành nhựa nào có doanh thu trên 1.000 tỉ đồng đều vào tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài và họ sẵn sàng mua với giá rất hời.

“Một số chủ DN muốn “bán mình” vì cảm thấy không an tâm cho tương lai khi phải cạnh tranh và nhất là khi các đối tác nước ngoài đưa ra giá mua quá hấp dẫn. Đây là viễn cảnh rất đáng lo bởi những ông chủ ngồi ở nước ngoài sẽ điều hành và chúng ta chỉ làm thuê trên sân nhà” - ông Việt Anh chia sẻ.

Nhiều năm trước, Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo được một tập đoàn đa quốc gia trong ngành mở lời mua lại toàn bộ thương hiệu song ông chủ Lương Vạn Vinh quyết không bán. Đến giờ, tập đoàn đa quốc gia này vẫn chưa từ bỏ ý định mua lại thương hiệu Mỹ Hảo.

Tuần trước, ông Vinh cho biết có nhận được mail của một quỹ đầu tư về việc hẹn lịch đến thăm, sau đó bàn việc trở thành đối tác. “Rất nhiều đối thủ khác cũng đang dòm ngó hoặc thông qua các công ty môi giới, mua bán sáp nhập gợi ý xin làm đối tác chiến lược rồi mua đứt thương hiệu nhưng tôi không bán. Chúng tôi chủ động vào AEC và cạnh tranh sòng phẳng với họ” - ông Vinh khẳng định.

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, cho rằng chuyện bán thương hiệu là bình thường trong nền kinh tế thị trường và nếu DN không muốn chấp nhận cũng không được. Cách duy nhất để đối đầu là phải có năng lực quản trị tốt, công nghệ giỏi…

Cũng theo ông Trung, ngay cả những DN chưa chuẩn bị kỹ cho hội nhập, cho AEC thì đến giờ cũng không còn đường lùi bởi cuộc chơi này DN phải tham gia.

 

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh:

Cần một chiến lược thông minh

img

Nhiều người cho rằng sức cạnh tranh của DN trong nước khi vào AEC là không cao nhưng theo tôi, nền kinh tế Việt Nam mở cửa với kim ngạch 165 tỉ USD và rất nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới, như tiêu, gạo, cà phê, thủy sản, dệt may, giày dép… thì không thể nói sức cạnh tranh không cao.

Do vậy, vào AEC, dù cơ cấu hàng hóa trùng lắp với các nước trong khu vực nhưng không nên quá lo lắng về sức cạnh tranh. Trong quá khứ, chúng ta từng lo lắng về bia Vạn Lực, gạch men hay đồ sứ Trung Quốc tràn vào, sau đó các mặt hàng này không còn chỗ đứng trên thị trường. Đến khi vào ASEAN, chúng ta cũng lo lắng hàng nhựa ngoại cạnh tranh nhưng đến giờ hàng nhựa của DN Việt đã chiếm lĩnh thị trường.

Cách làm của Việt Nam hiện nay là đặt DN vào vị thế cạnh tranh thì dần dần chúng ta sẽ đủ sức cạnh tranh trên thị trường, không chỉ trong nước mà còn thị trường nước ngoài. Chúng ta cần một chiến lược thông minh nhất, đó là tập trung vào mặt hàng có thế mạnh chứ không phải làm tất cả các mặt hàng.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương:

Có thể phản ánh trực tiếp đến bộ trưởng

img

DN không chuẩn bị kỹ nên không tự tin để cạnh tranh là có nhưng vấn đề ở đây là sự chủ động của DN. Đơn cử, tại một hội thảo gần đây về triển vọng xuất khẩu dệt may, Bộ Công Thương đã mời những DN có nguy cơ chịu tác động trực tiếp. Ban đầu, DN tới dự rất đông nhưng nửa buổi thì… bỏ về!

Câu chuyện ở đây là thông tin, DN phải chú ý để biết sẽ tác động đến mình ra sao rồi chủ động tìm hiểu. Cơ chế hoạt động của cơ quan quản lý bây giờ rất khác, nếu DN hỏi mà các vụ, cục không trả lời thì phản ánh trực tiếp tới bộ trưởng. Tuy nhiên, dù chúng tôi rất sẵn sàng nhưng rất ít DN chủ động liên hệ để nắm bắt thông tin. Một khi thiếu thông tin, DN sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội.  L.Anh ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo