xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghĩa vụ trả nợ công ngày càng lớn

Minh Chiến

Tới năm 2021, nợ công của Việt Nam sẽ vượt mốc 4 triệu tỉ đồng

Báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội cho biết nợ công năm 2020 dự kiến vượt 3,63 triệu tỉ đồng và nghĩa vụ trả nợ cả gốc lẫn lãi trên 360.000 tỉ đồng. Năm 2020, tỉ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/xuất khẩu là 34,6%, vượt gần 10% so với mức trần 25% mà Quốc hội cho phép.

Chính phủ phải vay khoảng 579.772 tỉ đồng

Theo dự kiến về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách năm 2021 đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 đang diễn ra, Chính phủ phải vay khoảng 579.772 tỉ đồng để cân đối ngân sách trung ương, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương khoảng 318.870 tỉ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương khoảng 260.902 tỉ đồng. Như vậy, tới năm 2021, nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỉ đồng, với nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn.

Nghĩa vụ trả nợ công ngày càng lớn - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả hơn trong vấn đề quản lý nợ công. Ảnh: NGUYỄN NAM

Bên cạnh đó, năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỉ đồng, chủ yếu là trả nợ trong nước với khoảng 323.093 tỉ đồng, bằng khoảng 27,4% thu ngân sách. Chỉ số này vượt ngưỡng Quốc hội cho phép với giai đoạn 2016-2020 là 25%, chủ yếu do các khoản trái phiếu Chính phủ trong nước phát hành trong giai đoạn trước đây đáo hạn ở mức cao vào năm 2021 - khoảng 187.001 tỉ đồng, chiếm 13,9% thu ngân sách.

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dù dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP đánh giá lại (khoảng 58,6% GDP chưa đánh giá lại), chưa vượt trần, nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể lên mức 27,4%. "So với nợ công năm 2016 là hơn 2,8 triệu tỉ đồng, thì sau 5 năm tăng 56,6%, bình quân mỗi năm tăng 11,32%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế" - ông Sơn nhấn mạnh. Với tốc độ tăng nợ công như vậy, ông Nguyễn Minh Sơn lo ngại về rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất đều cao hơn. Ngoài ra, còn tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.

Đừng nhìn vào con số tuyệt đối mà lo lắng!

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phân tích: Tỉ lệ nợ công của Việt Nam đã giảm trong giai đoạn từ 2016 đến nay. Cụ thể, tỉ lệ nợ công năm 2016 trên GDP là 63,7%, đến năm 2019 đã giảm xuống 55%. "Tỉ lệ nợ công đã giảm. Một đất nước đang phát triển thì không thể nào không đi vay nợ được, vì nguồn thu chỉ đáp ứng được một phần cho đầu tư, phải đi vay để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, không thể nào làm khác" - ông Hoàng Văn Cường nói và cho rằng không nên quá lo ngại về con số tuyệt đối của nợ công.

Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, cần nhìn con số nợ công trong bối cảnh cụ thể, cần so nó với GDP là bao nhiêu, khả năng thanh khoản, khả năng trả nợ. Đặc biệt, chúng ta phải tính toán được tỉ lệ trả nợ trên số nợ công. Đây là yếu tố cần quan tâm, còn con số tuyệt đối thì chưa phải là vấn đề quá lớn.

Tại sao nợ công giảm trong giai đoạn vừa qua nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ lại tăng? Ông Hoàng Văn Cường phân tích có thể việc huy động vốn của chúng ta trước đây không rải đều trong một giai đoạn mà tập trung vào một thời điểm, dẫn đến việc trả nợ cũng bị dồn vào những thời điểm sau đó. Vì thế, cần có kế hoạch vay nợ công, trả nợ công dài hạn để rải đều việc huy động vốn, tránh dồn vào một thời điểm sẽ gây gánh nặng trả nợ cho Chính phủ trong một năm nào đó, ví dụ như năm 2021 là cao điểm trả nợ trực tiếp của Chính phủ. 

Nợ công giảm, nợ Chính phủ tăng

Trong báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2021-2025, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhấn mạnh tỉ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây, song nợ Chính phủ lại có xu hướng tăng lên, sắp chạm mức trần cho phép, đặc biệt là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chạm trần 25% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 và dự ước sẽ đạt cao hơn 25% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021.

Theo ủy ban này, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chạm trần sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro năm sau cao hơn năm trước, gây mất an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xây dựng các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm không phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo