xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngừng thí điểm, gọi xe công nghệ sẽ ra sao? (*): Sẽ có khoảng trống quản lý

Văn Duẩn - Gia Minh

Bộ Giao thông Vận tải quyết định từ ngày 1-4 dừng thí điểm triển khai ứng dụng "gọi xe công nghệ", song việc dán phù hiệu "xe hợp đồng" cho xe hợp đồng điện tử phải thực hiện trước ngày 1-7-2021

Quyết định số 146 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu rõ: từ ngày 1-4-2020 sẽ dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, để thực hiện theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô vừa được Chính phủ ban hành.

Chờ thông tư hướng dẫn

Theo quy định mới, đối với ôtô dưới 9 chỗ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1-4 nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình taxi thì phải xin cấp lại phù hiệu taxi để hoạt động kinh doanh theo quy định. Điều này có nghĩa các loại hình xe công nghệ như GrabCar, BeCar sẽ thay bằng tên gọi "xe hợp đồng điện tử". Loại xe này không bắt buộc gắn hộp đèn nhưng phải dán phù hiệu "xe hợp đồng" trên kính và phải thực hiện việc cấp lại phù hiệu và dán cố định trên ôtô kinh doanh vận tải trước ngày 1-7-2021. Trong khi đó, taxi không bắt buộc phải gắn hộp đèn (mào) có chữ "taxi" trên nóc xe như trước đây mà có thể dán cụm từ "xe taxi" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu là 6 cm x 20 cm.

Đánh giá Nghị định 10/2020, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, nhìn nhận về cơ bản, Bộ GTVT đã tiếp thu cơ bản ý kiến đóng góp của các hiệp hội doanh nghiệp (DN) vận tải, chuyên gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn chưa toàn diện, vẫn còn một số điều khó hiểu nên muốn hoạt động được, DN phải chờ thông tư hướng dẫn cụ thể.

Theo ông Hùng, trước đây, Bộ GTVT cho rằng xe hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ như Grab, Uber cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, được khách hàng ủng hộ. Chính điều này dẫn tới bùng nổ số lượng ôtô dịch vụ vận tải theo hình thức hợp đồng điện tử, trong khi quy hoạch vận tải hành khách của các tỉnh, TP đã được HĐND các địa phương phê duyệt có giới hạn số lượng xe.

Theo Sở GTVT TP Hà Nội, hiện TP đã có hơn 40.000 phù hiệu cho ôtô ứng dụng công nghệ và khoảng 19.000 taxi truyền thống, trong khi quy hoạch các phương tiện vận tải hành khách được HĐND TP phê duyệt đến năm 2025, TP Hà Nội chỉ khoảng 25.000 xe, khiến ông Hùng lo ngại về khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông thủ đô.

Cũng theo ông Hùng, Nghị định 10/2020 buộc taxi truyền thống phải chịu 13 điều kiện mới được tham gia vận tải như: đồng hồ tính tiền, hộp đèn... nhưng lại không nêu rõ xe hợp đồng điện tử chuyển đổi sang loại hình taxi có phải chịu 13 điều kiện này không? Ngoài ra, thời gian chuyển đổi từ xe hợp đồng điện tử sang các loại hình khác trong vòng hơn 1 năm (từ ngày 1-4-2020 đến trước 1-7-2021) là quá dài và bất hợp lý, trong khi việc thay đổi và dán phù hiệu rất nhanh.

"Chúng tôi tính chỉ 3 đến 6 tháng là các DN hoàn thành cấp và đổi 40.000 phù hiệu. Nhưng gia hạn đến tận tháng 7-2021 thì hàng chục ngàn xe tư nhân không đăng ký kinh doanh vận tải vẫn có thể tham gia hoạt động vận tải hành khách" - ông Nguyễn Công Hùng nêu thực tế.

Phân tích về một trong những quy định được chờ đợi nhất trong Nghị định 10/2020 là cho phép taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "taxi" hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nhận định đây thực ra chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế của đơn vị soạn thảo nghị định. "Trên thế giới, các xe taxi đều có hộp đèn, vì đây không chỉ phục vụ nhận dạng ban ngày mà quan trọng hơn cả đây là dấu hiệu nhận biết vào ban đêm. Đây là quy định mang tính phổ biến trên toàn thế giới đối với loại hình taxi" - ông Thanh phân tích.

Nhận định thêm về quy định trên, ông Nguyễn Văn Thanh sử dụng cụm từ "lưỡng tính" để nói về "quyền lựa chọn" gắn hộp đèn hoặc dán logo cho taxi trong Nghị định 10/2020. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng đây là lựa chọn an toàn của Bộ GTVT bởi vấn đề này đã gây tranh cãi nảy lửa giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống trong suốt thời gian qua.

"Chúng ta vẫn đang lúng túng trong việc quản lý xe công nghệ. Đây là điều không thể phủ nhận. Đương nhiên, xe công nghệ là loại hình hiện đại, không thể không công nhận và không cho hoạt động. Tuy nhiên, phải có giải pháp hợp lý để quản lý tốt nhất, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng nhất. Đó là điều vẫn phải tiếp tục cải tiến trong thời gian tới chứ không thể chỉ trông chờ vào Nghị định 10/2020" - ông Thanh nói.

Ngừng thí điểm, gọi xe công nghệ sẽ ra sao? (*): Sẽ có khoảng trống quản lý - Ảnh 1.

Sắp tới, việc nhận diện các loại hình vận tải taxi sẽ dễ dàng hơn. Ảnh: TẤN THẠNH

Thuận lợi trong quản lý và xử phạt

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, đánh giá Nghị định 10/2020 là bước tiến quan trọng trong việc quản lý hoạt động của các loại hình taxi, xe hợp đồng hiện nay. Thực tế, nghị định này với các quy định không khác nhiều so với đề án thí điểm, chỉ thay đổi ở việc tách riêng đơn vị vận tải và phía cung cấp ứng dụng. Do đó, việc thay đổi không ảnh hưởng nhiều đến hành khách bởi vẫn có thể "gọi xe" như trước.

Mặt khác, ông Tạ Long Hỷ cũng nhận định chính việc tách bạch giữa đơn vị vận tải và bên cung cấp phần mềm sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý và xử phạt, bởi như vậy đã định danh rõ bản chất hoạt động. Cụ thể là đối với những đơn vị cung cấp ứng dụng sẽ chỉ lo phần công nghệ, không tham gia vào việc quy định giá cước hay khuyến mãi... Bên cạnh đó, Nghị định 10/2020 còn giúp dễ dàng xác định xe chạy theo hợp đồng điện tử hay taxi - vốn lâu nay việc nhận dạng ôtô cá nhân dưới 9 chỗ đăng ký chạy theo hợp đồng điện tử có nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, ông Tạ Long Hỷ cũng cho rằng việc áp dụng quãng thời hạn để các đơn vị chuyển đổi tới ngày 1-7-2021, tức sau hơn 1 năm dừng thí điểm là quá dài. "Khoảng thời gian đó, DN nếu không thực hiện theo Nghị định 10/2020, trong khi đề án thí điểm cũng đã ngưng thì hoạt động đó được gọi là gì?" - ông Hỷ nói.

Còn với tư cách Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), ông Tạ Long Hỷ khẳng định quyết định dừng thí điểm không ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị này. Cụ thể là Vinasun đã tích hợp cả 2 hình thức taxi tính tiền theo đồng hồ và thanh toán qua ứng dụng.

Liên quan đến vấn đề trên, theo một lãnh đạo thuộc Sở GTVT TP HCM, đối với các đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh đang tham gia đề án thí điểm hoạt động trên địa bàn TP, phía Bộ GTVT hiện đã có công văn hướng dẫn về việc ngưng đề án thí điểm và yêu cầu thực hiện. Các đơn vị vận tải cũng khẳng định chấp hành theo quy định mới. Nhưng vị này đánh giá TP HCM hiện có khá nhiều đơn vị đang tham gia thí điểm nên trước việc có thay đổi về mô hình, Sở GTVT đang nghiên cứu để có các công văn hướng dẫn cụ thể thêm. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-2

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo