xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người trong cuộc kể chuyện về "3 tại chỗ"

Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Long Sài Gòn

Mô hình sản xuất "3 tại chỗ" đã phát huy những hiệu quả nhất định trong phòng chống dịch nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập không đáng có cho doanh nghiệp

Là một doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm đông lạnh xuất khẩu thành lập từ năm 1976, Công ty CP Việt Long Sài Gòn (quận 8, TP HCM) đã nỗ lực rất lớn triển khai mô hình "3 tại chỗ" để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy vậy, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, đó lại là một bài toán đánh đổi rất lớn với một DN quy mô vừa và nhỏ.

Triển khai nhanh và quyết liệt

Từ giữa tháng 6-2021, khi thấy tình hình dịch bệnh tại TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam ngày càng phức tạp khôn lường, HĐQT công ty đã thu thập thông tin, phân tích vấn đề một cách khoa học và đưa ra nhận định "dịch bệnh còn kéo dài và sẽ bùng phát hơn nữa trong thời gian tới".

Trước những thách thức đó, ban lãnh đạo công ty quyết định duy trì sản xuất - kinh doanh với trọng tâm chính là tạo việc làm cũng như thu nhập cho người lao động, thu mua nguồn nguyên vật liệu là sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, giữ vững thị phần sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường Âu, Mỹ và đem ngoại tệ về góp phần xây dựng đất nước vượt qua đại dịch.

Với quyết tâm đó, ban tổng giám đốc đã lập kế hoạch và triển khai"chương trình 5C: cùng ăn - cùng ở - cùng sinh hoạt - cùng sản xuất - cùng làm việc" trong phạm vi khuôn viên nhà máy dựa trên mô hình "3 tại chỗ" của Chính phủ ban hành và thông tin cho toàn thể công nhân - lao động được biết mục đích, ý nghĩa chương trình này và cho người lao động tự nguyện đăng ký tham gia. Ai không tham gia thì được quyền nghỉ ngơi tại nhà và tạm thời nghỉ không hưởng lương.

Sau khi chốt danh sách số lượng nhân viên tham gia chương trình 5C, các phòng ban, nhất là khối kỹ thuật sửa chữa đã chạy đua với thời gian bắt tay tự cải tạo chuyển đổi công năng một phần khối văn phòng làm việc và nhà ăn tập trung trở thành ký túc xá và phòng cách ly tại chỗ với trang bị giường tầng, mùng chiếu cùng những vật dụng sinh hoạt nhỏ nhặt nhất nhằm phục vụ đời sống hằng ngày cho công nhân - lao động. Công ty còn cho lắp đặt thêm hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh phân khu nam - nữ riêng biệt, đây chính là khâu khó nhất cho công tác chuẩn bị.

Song song với việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ ăn - uống - ở, ban tổng giám đốc còn triển khai cho Công đoàn cùng Đoàn thanh niên của DN chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động với trang bị không gian tập thể dục thể thao hằng ngày như khu vực tập gym và yoga cùng màn hình tivi lớn để theo dõi tin tức thời sự, tình hình dịch bệnh bên ngoài khuôn viên nhà máy.

Đầu tháng 7, công ty đã mời bệnh viện đến xét nghiệm cho toàn bộ nhân sự trước khi "gia nhập 5C" và đáng mừng là toàn bộ đều có kết quả âm tính, sẵn sàng "nhập ngũ vào doanh trại", một cụm từ vui mà anh chị em ở đây hay gọi khi tham gia chương trình 5C.

Một khó khăn lớn thời điểm đó là bảo đảm ăn uống ngày 3 lần cho tất cả 120 công nhân, nhân viên là một áp lực rất lớn với DN. Bởi, trong bối cảnh các chợ đầu mối cũng như chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, tất cả đổ dồn vô siêu thị, dẫn đến giá thực phẩm tăng khá cao trong những ngày đầu. Bếp ăn mua rau củ, quả rất khó khăn, dẫn đến bữa ăn xanh của anh chị em nhân viên bị gián đoạn. 

Các anh chị phụ trách bếp ăn phải nỗ lực rất lớn để tìm nguồn cung cấp thịt cá, rau củ quả tươi xanh ổn định với mức giá hợp lý. Sau khoảng 10 ngày, mọi việc mới dần đi vào ổn định, công nhân viên đã yên tâm ăn ở, sinh hoạt, làm việc và sản xuất trong phạm vi khuôn viên nhà máy. Và sau hơn 40 ngày thực hiện "3 tại chỗ", ban lãnh đạo công ty đã thở phào nhẹ nhõm, bớt lo lắng hơn những ngày đầu mới triển khai.

Người trong cuộc kể chuyện về 3 tại chỗ - Ảnh 1.

Công ty CP Việt Long Sài Gòn đã đầu tư rất lớn cơ sở vật chất để người lao động ăn ở, làm việc trong khuôn viên nhà máy khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ”. Ảnh: VIỆT LONG

Khó khăn và tốn kém

Tuy vậy, từ đây, mô hình này cũng bắt đầu bộc lộ những bất cập. Cụ thể, việc áp dụng khoảng cách 1,5 m trong dây chuyền sản xuất sẽ giảm năng suất lao động đáng kể của mỗi tổ chuyền, tăng chi phí giá thành trên mỗi đơn vị sản phẩm. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn trong khâu tiếp nhận nguyên vật liệu từ nhà cung cấp bên ngoài vào nhà máy, việc khử khuẩn phương tiện giao nhận cũng tăng một phần chi phí đáng kể cho DN.

Lãnh đạo DN thì luôn lo lắng về nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm đến đội ngũ bất cứ lúc nào, từ bên ngoài vào cũng như sự bùng phát từ bên trong khuôn viên nhà máy, công ty đối diện với nguy cơ bị phong tỏa, dẫn đến đình trệ sản xuất và thậm chí đóng cửa. Bởi, khi DN bắt đầu triển khai "3 tại chỗ" cũng là lúc nguy cơ lây lan dịch bệnh vô cùng lớn. Vì vậy, ban lãnh đạo cùng các giám đốc chức năng thường xuyên theo dõi và nhắc nhở công nhân - lao động hằng ngày, hằng giờ phải nâng cao ý thức trong việc giao nhận nguyên vật liệu, xuất khẩu thành phẩm cũng như giao tiếp với bên ngoài, mỗi một sơ sẩy sẽ là đại họa.

Tuy vậy, dù DN có tuân thủ đến đâu thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong khuôn viên nhà máy vẫn có thể xảy ra thông qua sản phẩm nguyên vật liệu sản xuất, giao nhận chứng từ văn bản từ đơn vị bên ngoài... Và khi đó, người đứng đầu DN phải đối diện với nguy cơ bị "hình sự hóa" vì để xảy ra lây nhiễm bệnh. Đó là một rủi ro không đáng có, nó như một cái dây thòng lọng treo lơ lửng trên đầu người đứng đầu công ty, cũng là trưởng ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của DN.

Công nhân - lao động với tâm lý lo ngại sẽ bị nhiễm bệnh khi phải ở tập trung nên nhiều người đã chọn phương án nghỉ việc ở nhà cho an toàn. Những công nhân còn lại phải làm việc tăng ca để đáp ứng đơn hàng, đẩy chi phí quỹ lương tăng cao, dẫn đến giá vốn sản phẩm tăng thêm, giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Do đó, DN đề nghị Chính phủ cũng như TP HCM có chính sách hỗ trợ người lao động đang tham gia mô hình "3 tại chỗ" với số tiền khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/người trong mỗi đợt giãn cách xã hội.

Với công ty quy mô vừa và nhỏ, những khoản chi phí trang bị cơ sở vật chất cũng như tinh thần ban đầu này là khá lớn, song điều đó lại khá nhỏ với các chi phí khi vận hành theo mô hình "3 tại chỗ". Đầu tiên là khoảng chi phí xét nghiệm Covid-19, cứ 7 ngày/lần cho toàn bộ công nhân viên, mỗi người 238.000 đồng/lần. Mỗi lần như vậy công ty phải trả khoản chi phí khoảng 30 triệu đồng và mỗi tháng xét nghiệm 4 lần hết khoảng 120 triệu đồng, khoản tiền khá lớn với DN, dẫn đến đội giá thành, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cũng như chính quyền TP hỗ trợ DN "3 tại chỗ" khoảng chi phí xét nghiệm này.

Cuối cùng, để tập thể công nhân, nhân viên yên tâm, an toàn trong sản xuất - kinh doanh, phát triển bền vững áp dụng mô hình "3 tại chỗ", đề xuất chính quyền TP hỗ trợ tiêm vắc-xin cho toàn bộ người lao động, nhất là những người đang tham gia nỗ lực hằng ngày cùng ăn - cùng ở - cùng sản xuất trong khuôn viên nhà máy tạo ra sản phẩm xuất khẩu, duy trì thị phần sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo