xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguy cơ ngành đường mất "sân nhà"

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Tiêu thụ đường trong nước tăng nhưng sản xuất đường lại giảm và ngày càng lệ thuộc nguồn nhập khẩu

Ngày 21-1, tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Forest Trends và Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tổ chức hội thảo "Hướng tới phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam" giữa bối cảnh quy mô của ngành đang giảm mạnh.

Khả năng cạnh tranh kém

Theo báo cáo "Chuỗi cung ứng ngành mía đường Việt Nam" do nhóm tác giả của VSSA, Forest Trends và Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI) công bố tại hội thảo, giai đoạn 2017-2020, Việt Nam phải nhập khẩu 1,2-1,8 triệu tấn đường/năm, trong khi sản xuất trong nước giảm từ 1,24 triệu tấn/năm còn 770.000 tấn/năm. Đáng lưu ý, có 9/38 nhà máy đường phải đóng cửa, diện tích trồng mía giảm đến 45%. Trong khi đó, tiềm năng thị trường Việt Nam khá lớn với lượng tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn/năm và mức tiêu thụ bình quân đầu người hiện còn thấp so với trung bình thế giới.

Nguy cơ ngành đường mất sân nhà - Ảnh 1.

Đường “Lin” xuất xứ Thái Lan được bán tại một siêu thị ở TP HCM chiều 21-1

Nhóm tác giả còn chỉ rõ đường nhập khẩu hiện nay chủ yếu có nguồn gốc Thái Lan, bao gồm cả đường nhập lậu với tỉ lệ 10%-70% tùy năm. Đường Thái ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh chi phí sản xuất, chế biến và quản lý sản xuất của ngành mía đường Việt Nam cao hơn Thái Lan lần lượt là 30%, 183,4% và 52,9%.

Mặt khác, giá bán mía thấp, nông dân không mặn mà gắn bó với cây mía cũng là mối đe dọa với ngành mía đường. So sánh hiệu quả kinh tế của cây mía với các cây trồng khác trên cùng diện tích đất có thể thấy mức độ chênh lệch rất lớn. Chẳng hạn, niên vụ 2019-2020, tại miền Trung - Tây Nguyên, cây sắn (mì), bắp, keo lai có hiệu quả kinh tế cao hơn cây mía khoảng 5-8 lần; tại khu vực Đông Nam Bộ, cây sắn và bắp đạt hiệu quả kinh tế cao hơn cây mía 10-30 lần; còn tại vùng Tây Nam Bộ, cây lúa cho hiệu quả cao hơn cây mía khoảng 30-44 lần.

TS Nguyễn Vinh Quang - đại diện nhóm nghiên cứu - cảnh báo Việt Nam có thể rơi vào tình trạng giống Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc), tức phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu. Để ngành mía đường tồn tại, phát triển trong tương lai, TS Quang cho rằng ngành cần phải có những thay đổi ở tầm vĩ mô để nâng cao lợi thế cạnh tranh. 

Cụ thể, Chính phủ cần ban hành chính sách đặc thù về liên kết chuỗi trong ngành mía với sự chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia theo tỉ lệ người trồng mía hưởng 60%-70% lợi ích, phần còn lại thuộc về các nhà máy chế biến. Đồng thời, kiểm soát tình trạng đường nhập lậu bởi nguồn cung này có quy mô lớn. Ngoài ra, cũng cần hình thành tổ chức đại diện cho các hộ trồng mía bởi họ giữ vai trò sống còn với ngành.

Tăng cường gắn kết

Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAA), cho hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định ngành đường có vị trí quan trọng nên không thể dựa vào nhập khẩu hoàn toàn. Từ đó, việc tự chủ sản xuất đường, nâng cao năng lực để cạnh tranh với đường Thái Lan cũng rất quan trọng. Ông Anh nhận định Việt Nam có điều kiện sinh thái gần giống Thái Lan, sản phẩm gạo Việt đã vượt lên thì ngành đường cũng có cơ hội cải thiện nếu có thể tổ chức lại sản xuất. Về phía nông dân, để có tiếng nói, cần phải tham gia HTX và tận dụng tốt các chính sách của HTX.

Ông Cao Anh Đương, Viện trưởng SRI, nêu thực tế nông dân vất vả trồng cây mía nhưng chỉ biết bán cho nhà máy đường và không có quyền thương lượng giá cũng như không được tham gia vào việc xác định chất lượng mía (chữ đường). Mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu niềm tin vào nhau, nhất là khi VSSA là cơ quan đại diện cho doanh nghiệp, không đại diện cho nông dân.

Ngoài ra, trong liên kết 4 nhà (nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước), sự gắn kết của nhà khoa học chưa cao, các nghiên cứu về mía đường chưa tác động nhiều vào sản xuất. "Một số giống mía chất lượng cao do SRI nghiên cứu đã được nông dân tin tưởng sử dụng nhưng không thu được một đồng bản quyền. Trong bối cảnh các viện được yêu cầu tự chủ, giảm nguồn ngân sách, nhà khoa học thiếu nguồn để tái đầu tư nghiên cứu" - ông Đương lý giải và cho rằng cần sự gắn kết mạnh mẽ hơn ở mọi mặt.

Doanh nghiệp cần quan tâm vùng nguyên liệu

Theo bà Võ Thị Lý, chuyên viên Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị này tiếp nhận nhiều đơn kêu cứu của nông dân liên quan đến chính sách thu mua mía của các nhà máy đường. Do vậy, VSSA cần có thành viên là nông dân; đồng thời, hiệp hội này cũng nên miễn phí hội viên cho nông dân vì nhiều người đã phải rời VSSA vì lý do hội phí.

"Nông dân không nhất thiết phải trồng mía, nhà nước cũng không tập trung chính sách chỉ cho cây mía. Các doanh nghiệp muốn ổn định sản xuất thì phải quan tâm đến vùng nguyên liệu và nông dân. Hiện một số nhà máy sản xuất mía theo kiểu vụ nào hay vụ đó mà không có tư duy dài hạn" - bà Lý chỉ rõ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo