xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều rủi ro cho nhà sản xuất Việt

THANH NHÂN

Vụ việc Big C Việt Nam tạm dừng nhập hàng của 200 nhà cung cấp hàng may mặc trong nước đã cơ bản được giải quyết. Dù vậy, dư luận vẫn sôi sục về cách hành xử được cho là "tuyệt tình" của nhà bán lẻ đến từ Thái Lan

Sau sự cố nói trên, nhiều chuyện cũ của Big C từ khi người Thái tiếp quản được nhắc lại, như đơn phương đòi nhà cung cấp hạ mức doanh thu đã cam kết để siêu thị được thưởng; các doanh nghiệp (DN) thủy hải sản đồng loạt phản ứng việc hệ thống này tăng chiết khấu lên mức 17% - 25% (mức chiết khấu được cho là quá cao so với mặt bằng chung và rất bất lợi cho DN cung cấp). Sau lần đấu tranh tập thể đó, Big C đã nhượng bộ, thỏa thuận lại mức chiết khấu phù hợp hơn.

Áp lực đè nặng nhà cung cấp

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết từ đó đến nay, không thấy DN phàn nàn về chiết khấu vào Big C nên có thể hiểu là vấn đề đã được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, tình hình chung là các nhà bán lẻ đều tăng chiết khấu thương mại theo hợp đồng ký kết hằng năm và năm sau luôn cao hơn năm trước.

Một số DN may mặc cũng xác nhận chiết khấu các nhà bán lẻ áp dụng cho ngành hàng này mỗi năm một tăng, kèm theo đó là các loại phí, lệ phí cùng nhiều khoản đóng góp khác. Đặc biệt, các siêu thị do nước ngoài làm chủ thường áp chiết khấu cao hơn siêu thị trong nước. "Đã có những nhà cung cấp chịu không nổi mức chiết khấu cao, phải âm thầm rút lui vì càng bán sẽ càng lỗ" - ông Ngô Đức Hòa, đại diện Công ty May quốc tế Thắng Lợi, nói.

Nhiều rủi ro cho nhà sản xuất Việt - Ảnh 1.

Hàng sản xuất trong nước phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mới trụ được trên thị trường Ảnh: Tấn Thạnh

Ngoài chiết khấu thương mại, nhiều DN đang gia công hàng nhãn riêng cho siêu thị cũng không thuận lợi mấy vì doanh thu hàng "chính chủ" của DN mình sụt giảm vì bị cạnh tranh trực tiếp từ hàng nhãn riêng do chính mình sản xuất. Tỉ lệ hàng nhãn riêng của các siêu thị ngày càng tăng, đồng nghĩa diện tích trưng bày, doanh số bán hàng cho hàng "chính chủ" của DN càng giảm.

Vừa khảo sát thực tế tại nhiều siêu thị trên địa bàn TP HCM, ông T., phó tổng giám đốc một DN thủy hải sản khá lớn có trụ sở ở Long An, lập tức lên kế hoạch làm việc với bộ phận sản xuất, kinh doanh để bàn phương án ứng phó khả thi hơn cho thị trường nội địa. Theo ông T., cùng là sản phẩm đồ hộp nhưng hàng nhãn riêng công ty ông gia công cho siêu thị được ưu tiên trưng bày tại vị trí đẹp trên cả 3 kệ hàng, trong khi hàng "chính chủ" bị đặt ở diện tích rất khiêm tốn. "Gia công hàng nhãn riêng có sản lượng lớn, doanh thu nhiều nhưng lợi nhuận rất thấp" - ông T. phản ánh.

Cần thoát khỏi cách làm cũ

Theo ông Trương Đình Hòe, việc các nhà phân phối nâng chiết khấu một phần do các nhà cung cấp. "Trong lúc có quá nhiều nhà cung cấp nội địa chào hàng, "đạp" giá lẫn nhau và chấp nhận đẩy chiết khấu lên để được mở mã hàng nên nhà phân phối mới có điều kiện chọn lọc, áp tỉ lệ phần trăm cao" - ông Hòe nêu.

Ông Trương Đình Hòe cho rằng thị trường đang thuộc về người mua (nhà bán lẻ - PV) thì đương nhiên người mua làm chủ. Các DN cung ứng phải làm sao để thị trường thuộc về mình, người tiêu dùng thích sản phẩm của mình, nhà bán lẻ cần mình, lúc đó vị thế và các thỏa thuận sẽ khác. Nhà sản xuất chỉ có thể nâng vị thế thông qua sự khác biệt đến từ chất lượng sản phẩm, giá bán cạnh tranh.

Lãnh đạo một hệ thống bán lẻ đang sở hữu số điểm bán khá lớn tại Việt Nam thừa nhận trong điều kiện cạnh tranh bán lẻ khốc liệt hiện nay, các nhà bán lẻ không thể cạnh tranh về giá mà chỉ từ thu nhập tài chính là nguồn chiết khấu, vì vậy buộc phải điều chỉnh chiết khấu hằng năm để tồn tại, phát triển, tái đầu tư và hỗ trợ nhà cung cấp tốt hơn, mang đến cho khách hàng nhiều giá trị gia tăng hơn. Theo ông, bản chất của nhà phân phối cũng là DN, cũng chịu áp lực chi phí đầu vào - đầu ra và mong muốn tìm nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng tốt, giá cạnh tranh hơn nên nhà cung cấp phải chủ động kế hoạch của mình. "Saigon Food, bột giặt Lix… là những điển hình DN tận dụng tốt lợi thế gia công hàng nhãn riêng ban đầu để xây dựng thương hiệu, tái đầu tư và có chiến lược kinh doanh phù hợp nên đang gặt hái thành công" - vị lãnh đạo này dẫn chứng.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, hạn chế lớn nhất của đa số DN Việt là không có sự chuẩn bị để làm ăn theo tiêu chuẩn quốc tế mà vẫn duy trì kiểu ăn xổi và tư duy "ao làng". Trong khi đó, Việt Nam đã là thành viên của hơn 10 hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường rất rộng nếu phải biết đầu tư và làm ăn đúng chuẩn mực, theo luật chơi chung của quốc tế. "Phần đông DN Việt làm thương mại rất giỏi nhưng thiếu đầu tư nghiêm túc cho sản xuất, lại phụ thuộc vào hệ thống phân phối của DN ngoại nên khi họ thay đổi chiến lược hoặc nâng chuẩn hàng hóa thì DN sản xuất chới với, khó khăn" - ông Viên nhận định.

Ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng thời 4.0 là cuộc chơi đào thải, dự báo đến 50% DN sẽ bị loại khỏi thị trường. Trong bối cảnh các nhà sản xuất Việt còn yếu, thiếu về tài chính, quản trị, kinh nghiệm làm ăn theo kinh tế thị trường thì nhà nước, các hội ngành nghề phải giúp họ thay đổi nhận thức, kế đến là hỗ trợ các khoản vay đầu tư với lãi suất ưu đãi để DN có cơ hội sống còn. 

Liên hệ Báo Người Lao Động để được hỗ trợ

Được đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ nói chung và các siêu thị nói riêng là mong muốn của nhiều DN vì đây là kênh bán lẻ uy tín, giúp DN tiêu thụ hàng hóa ổn định và quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, con đường vào siêu thị rất gian nan vì không phải DN nào cũng đáp ứng được các yêu cầu khắt khe: chất lượng, mẫu mã, bao bì, nhãn mác, phương thức giao nhận, thanh toán...; quan trọng hơn là cơ sở pháp lý trong đàm phán để không xảy ra "tranh chấp".

Muốn hiểu rõ hơn hay được hỗ trợ tư vấn về cung cấp hàng vào siêu thị, quý DN có thể liên hệ với Báo Người Lao Động để được tư vấn.

Mọi thông tin vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail: vidoanhnghiepViet@gmail.com; vidoanhnghiepViet@nld.com.vn; hoặc liên hệ trực tiếp qua số điện thoại: (028) 39303574 (gặp cô Minh Châu).

DN bán lẻ nội phải cấp bách chuyển đổi

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, bài toán cạnh tranh hàng Việt không chỉ gói gọn trong phạm vi DN sản xuất mà còn phải gắn với sự trưởng thành của các DN bán lẻ trong nước. Đối với nhà bán lẻ Việt Nam, điều cần làm là phải nâng cao năng lực, đổi mới mô hình, cách thức hoạt động của mình để phù hợp với tình hình mới. DN bán lẻ trong nước vẫn còn rất nhiều vấn đề phải đối mặt như chất lượng nguồn nhân lực, logistics cho bán lẻ vẫn yếu kém… làm giá hàng hóa tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học và công nghệ còn thấp, trong khi đây lại là thế mạnh của các DN bán lẻ nước ngoài. Do đó, ứng dụng công nghệ cao trong bán lẻ là đòi hỏi cấp bách đối với các DN bán lẻ trong nước.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo