xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng sức bật cho xuất khẩu TP HCM

THANH NHÂN - PHƯƠNG NHUNG

TP HCM đã chuyển dịch nhanh chóng từ xuất khẩu sản phẩm thô sang tập trung vào nhiều sản phẩm ở lĩnh vực công nghệ, chế biến chế tạo. Tuy nhiên, cần chuyển đổi sang đầu tư vào xuất khẩu dịch vụ

Ngày 17-10, UBND TP HCM tổ chức "Hội nghị chuyên đề về tình hình đầu tư và xuất khẩu TP HCM giai đoạn 2000-2019" nhằm đánh giá thực trạng hoạt động xuất khẩu và đề xuất định hướng, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu của TP trong thời gian tới.

Mất dần vị trí đầu tàu

Theo thống kê của Sở Công Thương TP HCM, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của TP HCM so với cả nước giảm dần, từ 50% cả nước năm 2000 đã giảm xuống mức 16% trong năm 2018 với trên 38 tỉ USD.

Tăng sức bật cho xuất khẩu TP HCM - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp TP HCM đã đầu tư công nghệ hiện đại để hướng tới xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao. Trong ảnh: Một công đoạn trong dây chuyền sản xuất của Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân Ảnh: THANH TUYỀN

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của TP HCM, thứ 2 là Mỹ, kế đến là Nhật, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia. Trong đó, xuất khẩu sang EU chiếm tỉ trọng rất thấp, chưa xứng với tiềm năng.

Theo đánh giá của Trường ĐH Fulbright, phát triển xuất khẩu của TP HCM đang vận hành theo đúng quy luật thị trường, dựa trên nền tảng thâm dụng lao động và sản xuất các mặt hàng có mức độ tinh vi thấp. Các sản phẩm có mức độ tinh vi cao chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khả năng tham gia của DN nội địa thấp. Sản phẩm truyền thống đã đến ngưỡng tăng trưởng bão hòa và đang mất dần lợi thế do giá lao động và mặt bằng sản xuất - kinh doanh ngày càng tăng trong khi các sản phẩm đáp ứng đầy đủ tiêu chí thì quy mô xuất khẩu còn rất nhỏ, chưa thể đóng vai trò chủ đạo trong ngắn hạn. Các sản phẩm quan trọng thì tính khả thi thấp do nền tảng năng lực sản xuất và công nghệ chưa tương thích. Dịch vụ tài chính ngân hàng thì còn quá nhỏ so với tiềm năng.

Về cơ cấu trong kim ngạch xuất khẩu, Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) chỉ ra: Xuất khẩu của TP HCM gồm 4 nguồn chính là sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do khối DN trong nước, kinh tế tập thể, hộ cá thể sản xuất tại chỗ trên địa bàn TP; sản phẩm, dịch vụ do khối DN có vốn FDI xuất khẩu qua cảng TP; sản phẩm, dịch vụ do các tỉnh, thành bạn xuất khẩu qua các cảng của TP và dầu thô.

Trong 4 nguồn trên, TP có thể chủ động dùng các giải pháp chính sách để hỗ trợ phát triển cho nguồn thứ nhất. Các nguồn còn lại có tỉ trọng khá lớn chủ yếu xuất qua cảng của TP nhờ vị trí giao dịch, tính ưu việt về năng lực cạnh tranh của các cảng. "Khi các tỉnh phát triển cảng thì tính ưu việt ấy cũng mất dần và TP khó giữ được vai trò đầu tàu về xuất khẩu" - đại diện HUBA nêu.

Phải sớm chuyển đổi

Trong điều kiện sản xuất hàng hóa tại TP ngày càng bị hạn chế bởi mặt bằng, nguồn nhân lực kỹ thuật, lao động nhập cư tăng góp phần ách tắc giao thông, nguồn nguyên liệu trong nước… cùng nhiều yếu tố không thuận lợi khác, các DN cho rằng chỉ còn giải pháp là TP chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu hàng xuất khẩu sang lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và xuất khẩu dịch vụ. Mặt khác, triển khai các giải pháp tiếp tục thu hút DN FDI; khuyến khích DN các tỉnh, thành bạn giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu qua các cảng của TP.

GS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, đánh giá điểm mạnh của TP HCM so với nhiều địa phương khác là đã chuyển dịch nhanh chóng từ xuất khẩu sản phẩm thô sang tập trung vào nhiều sản phẩm ở lĩnh vực công nghệ, chế biến chế tạo. Tuy nhiên, trong giai đoạn nền kinh tế số phát triển và sản phẩm truyền thống đã đến ngưỡng bão hòa, không còn nhiều tiềm năng để khai thác thêm, TP HCM cần có giải pháp chuyển đổi sang đầu tư vào xuất khẩu dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính, du lịch, y tế, giáo dục. "Xuất khẩu không còn đơn thuần là đưa sản phẩm sang nước khác mà còn cần tận dụng lợi thế của công nghiệp 4.0, dịch vụ internet để tăng tỉ lệ xuất khẩu trực tuyến, xuất khẩu dịch vụ toàn cầu mang tính hợp thời, sản phẩm công nghệ cao... Để làm được, giải pháp cải thiện trình độ nhân lực, lao động là hết sức cần thiết" - ông Thịnh gợi ý.

Cũng theo GS-TS Đinh Trọng Thịnh, TP HCM cần có đầu tư đúng mức, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật chất cho các hoạt động sản xuất công nghệ cao, dịch vụ, logistics phát triển. Đặc biệt, cần có những quỹ đầu tư mạo hiểm vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh dịch vụ mà TP mong muốn phát triển. Bởi vì, dịch vụ là ngành nghề thu hút nhiều DN tư nhân, DN khởi nghiệp đầu tư vào do tính chất mới mẻ, hấp dẫn và tiềm năng dồi dào của nó. Đồng thời, các ưu đãi chung cho DN vừa và nhỏ, DN đổi mới sáng tạo cũng cần được tiếp tục duy trì và cải thiện thêm để bảo đảm cho DN có điều kiện hình thành, phát triển theo yêu cầu của thị trường.

"TP cũng cần công bố danh mục ngành nghề phục vụ xuất khẩu cần ưu tiên phát triển. Danh mục phải bảo đảm tính tập trung, tránh tràn lan, ôm đồm để không làm nảy sinh tình trạng sản phẩm manh mún, thiếu lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh chính sách ưu đãi chung, có thể xem xét chính sách hỗ trợ đi kèm với từng ngành nghề để khuyến khích DN. Đặc biệt, ngăn ngừa các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN" - ông Thịnh góp ý thêm.

Theo các DN, TP đã tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 2 ngành truyền thống và công nghiệp hỗ trợ. Tuy chưa có tổng kết đánh giá nhưng có thể thấy có ít chính sách hỗ trợ mạnh, thiết thực đi kèm. Vì vậy, các DN cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn. Khi TP công bố danh mục những ngành ưu tiên phát triển thì các cơ quan chức năng hỗ trợ thủ tục, giải quyết những kiến nghị kịp thời và tránh các hành vi làm khó. Cần thiết lập một địa chỉ tin cậy cho DN phản ảnh về những khó khăn vướng mắc, phản ảnh hành vi nhũng nhiễu... 

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM:

Xuất khẩu dịch vụ, cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu

Theo đề án phát triển xuất khẩu TP HCM, mô hình tăng trưởng xuất khẩu TP HCM trong thời gian tới sẽ là tiếp tục phát huy những sản phẩm truyền thống như dệt may, da giày để duy trì kim ngạch xuất khẩu, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động lẫn đóng góp cho ngân sách; tập trung đầu tư cho các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm công nghệ cao. Để dẫn dắt hoạt động xuất khẩu thì không thể tiếp tục dựa vào sản phẩm truyền thống mà phải chuyển dịch sang hướng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho xuất khẩu, trong đó quan trọng nhất là logistics và dịch vụ nền, đưa TP HCM thành trung tâm logistics và cung ứng các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu. Cuối cùng là tập trung vào xuất khẩu dịch vụ và sản phẩm số hóa, bao gồm phần mềm và dịch vụ số, để tạo sức bật.

Chuyên gia kinh tế - TS NGUYỄN MINH PHONG:

Cần đầu tư cho nguồn lực con người

Định hướng của TP HCM tập trung vào xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và dịch vụ là đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. TP có nhiều tiềm năng dịch vụ, không chỉ riêng y tế, giáo dục, du lịch mà dịch vụ vận tải hàng không cùng nhiều hoạt động khác liên quan đến công nghệ thông tin. Chỉ cần TP có nhận thức và tầm nhìn quy hoạch phát triển dịch vụ xuất khẩu thì với những thế mạnh sẵn có của đầu tàu kinh tế, chắc chắn sẽ chuyển đổi thành công cơ cấu xuất khẩu và góp phần xây dựng bài học cho địa phương khác học tập. Để làm được, yếu tố quan trọng nhất cần đầu tư là nguồn nhân lực có đủ trình độ thương mại hóa các sản phẩm dịch vụ để xuất khẩu.

Bà LÊ THỊ BÍCH LOAN, quyền Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM:

Xây dựng thương hiệu toàn cầu cho công nghệ cao Việt Nam

Toàn Khu Công nghệ cao đang có 154 dự án với tổng vốn đầu tư 7,247 tỉ USD (76% trong đó là vốn đầu tư FDI). Từ năm 2015 đến nay, xuất khẩu của khu liên tục tăng về giá trị lẫn tỉ trọng so với xuất khẩu chung của TP, từ 17% năm 2015 đã lên đến 49% trong tháng 6-2019.

Mục tiêu của TP HCM là từ năm 2021 trở đi Khu Công nghệ cao sẽ trở thành trung tâm khoa học - công nghệ hàng đầu trong khu vực và là hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng phát trển nền kinh tế tri thức. Cùng với đó là xây dựng thương hiệu toàn cầu cho công nghệ cao Việt Nam, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới công nghệ, làm chủ công nghệ cao, phát triển DN công nghệ cao, DN khoa học công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, cần thiết bổ sung quỹ đất để hình thành trung tâm không gian khoa học sáng tạo gắn kết Khu Công nghệ cao hiện hữu, tăng cường quỹ đất cho các dự án khu công nghệ cao chuyên đề, tạo điều kiện hình thành trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam. Bên cạnh đó là các giải pháp hỗ trợ xúc tiến đầu tư - thương mại...

P.An - T.Dương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo