xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng tỉ giá: Đi trước một bước

THÁI PHƯƠNG

Điều chỉnh tăng 1% tỉ giá USD/VNĐ và nới biên độ tỉ giá lên mức ± 3% là hành động dứt khoát, mạnh mẽ nhằm chủ động dẫn dắt thị trường

Ngày 19-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ điều chỉnh tăng 1% tỉ giá bình quân liên NH giữa VNĐ và USD từ mức 21.673 đồng/USD lên 21.890 đồng/USD, đồng thời điều chỉnh biên độ tỉ giá từ ±2% lên mức ±3%. Các NH thương mại được phép giao dịch tỉ giá sàn 21.233 đồng/USD và tỉ giá trần 22.547 đồng/USD. Ngay sau động thái này, giá USD trong các NH thương mại tăng vọt, đỉnh điểm giá USD trong ngày lên 22.480 đồng/USD bán ra, 22.350 đồng/USD mua vào.

Hiệu ứng tích cực

Nhằm chủ động ứng phó với việc đồng nhân dân tệ (NDT) giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ, NHNN đã nới biên độ tỉ giá lên ±2% hôm 12-8 nhưng tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy từ  việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh tăng lãi suất. Do đó, NHNN phải tăng tỉ giá và nới biên độ giao dịch thêm nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi.

 

Việc tỉ giá USD/VNĐ tăng thêm được kỳ vọng sẽ sớm làm bình ổn thị trường ngoại tệ Ảnh: TẤN THẠNH
Việc tỉ giá USD/VNĐ tăng thêm được kỳ vọng sẽ sớm làm bình ổn thị trường ngoại tệ Ảnh: TẤN THẠNH

“Tỉ giá đồng Việt Nam sẽ có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016. Điều này tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và bảo đảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, cho biết. NHNN cũng sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỉ giá trong biên độ cho phép.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc NH HSBC Việt Nam, nhận xét: Việc NHNN nới biên độ ngay ngày 12-8 lên ±2% là hành động nhanh và gần như chưa có tiền lệ ở Việt Nam, cho thấy NHNN đang sẵn sàng xử lý các thách thức trên thị trường. Việc nới rộng biên độ giao dịch USD/VNĐ cũng là bước đi cần thiết giúp thị trường ổn định. “NHNN đang tạo một biên độ giao dịch đủ rộng để cung - cầu gặp nhau, tránh tạo tâm lý của thị trường về việc điều chỉnh liên tục. Động thái này cũng thể hiện NHNN đi trước so với cung cầu của thị trường, chủ động tạo khung cho giao dịch trên thị trường. Việc điều chỉnh tỉ giá còn góp phần giảm áp lực tiếp tục bán dự trữ ngoại tệ ra thị trường” - ông Hải phân tích.

Chuyên gia kinh tế - TS Phạm Thế Anh cũng nhìn nhận: “Tỉ giá đang chịu nhiều sức ép nên động thái của NHNN điều chỉnh theo cơ chế linh hoạt là cần thiết”.

Xuất khẩu vui, nhập khẩu buồn

Về tình hình biến động của giá USD, ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam, thông tin: “NHNN vẫn đang hỗ trợ bán ngoại tệ cho NH thương mại để bình ổn nên thị trường sẽ sớm ổn định. Việc tăng tỉ giá và nới biên độ giao dịch cùng lúc sẽ giúp thị trường bớt kỳ vọng vào đợt điều chỉnh tiếp theo. Quan trọng nhất là cung - cầu gặp nhau”.

Ông Phạm Hồng Hải khuyến cáo: “Các doanh nghiệp (DN) nên giữ vững tâm lý và chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỉ giá hơn là chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỉ giá của NHNN”.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN xuất khẩu tỏ ra hồ hởi khi tỉ giá tăng thêm 1% và tính ra đã tăng 3% từ đầu năm đến nay. Những DN xuất khẩu làm gia công, đơn giá không thay đổi nhưng khi được thanh toán bằng USD thì DN sẽ có lợi hơn. Trong khi đó, các DN nhập khẩu hàng hóa về bán trong nước hoặc nhập nguyên phụ liệu để sản xuất lại “méo mặt”.

Giám đốc một DN nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia súc cho biết hợp đồng nhập khẩu hàng được ký theo tỉ giá cũ, nay bộ chứng từ thanh toán vừa đến hạn thì tỉ giá tăng, trước mắt công ty sẽ bị thiệt hại khoản tiền tương đương mức giảm giá của VNĐ. “Lợi nhuận của DN sẽ “teo” bớt vì nâng giá bán vào thời điểm này rất khó, trong khi chi phí đầu vào lại tăng do điều chỉnh tỉ giá” - giám đốc này nói.

Việc điều chỉnh tỉ giá lần này sẽ có tác động khá sâu tới khối DN nhập khẩu khi chi phí nhập khẩu tăng. Do vậy, lợi thế từ việc điều chỉnh tỉ giá sẽ không kéo dài lâu, cho nên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng về dài hạn, DN vẫn phải đầu tư vào chất lượng nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Hai mặt của tỉ giá

Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tỉ giá USD/VNĐ 2 lần, mỗi lần 1% (vào ngày 7-1 và 7-5). Ngày 12-8, NHNN đã nới biên độ tỉ giá từ ±1% lên ±2% và ngày 19-8 tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ 21.673 đồng lên 21.890 đồng; đồng thời, tăng biên độ tỉ giá từ ±2% lên ±3%.

Việc điều chỉnh nói trên giúp VNĐ có thể linh hoạt giao dịch theo một biên độ tỉ giá đã chênh rộng hơn tới 5% so với cuối năm 2014. NHNN tái cam kết vào những tháng cuối năm sẽ chủ động phối hợp các biện pháp cần thiết, kể cả bán ngoại tệ, để can thiệp, ổn định thị trường tiền tệ.

Sự điều chỉnh linh hoạt tỉ giá theo hướng sát với sự điều chỉnh tỉ giá đồng nhân dân tệ (NDT) còn giúp điều chỉnh sức cạnh tranh về giá trên thị trường xuất khẩu của Việt Nam, giảm bớt dòng nhập siêu các hàng giá rẻ từ Trung Quốc (trong 7 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất vào Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 28,8 tỉ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc cũng đang cạnh tranh rất mạnh với Việt Nam vào 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ với kim ngạch ước tính đạt 18,9 tỉ USD, EU 17,8 tỉ USD và ASEAN 10,7 tỉ USD). Trong năm 2014, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ở mức 29 tỉ USD. Nửa đầu năm nay, con số thâm hụt là 16 tỉ USD. Đồng NDT rẻ hơn có thể khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng cao.

Việc chủ động công bố định hướng và khống chế biên độ tỉ giá là cơ sở hạn chế rủi ro về chính sách và giảm thiểu chi phí phát sinh gắn với biến động tỉ giá, giúp các doanh nghiệp an tâm và ổn định trong giao dịch, thanh toán; tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn tái cơ cấu, đầu tư mở rộng quy mô, phát triển sản xuất - kinh doanh; giúp giảm thiểu tình trạng chênh lệch tỉ giá chính thức với giá trên thị trường tự do, tăng dự trữ ngoại hối, tăng thu hút FDI, củng cố niềm tin vào giá trị đồng tiền quốc gia. Ngoài tỉ giá, việc sử dụng khá linh hoạt, quyết đoán và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác như giảm lãi suất, cải thiện điều kiện vay… còn góp phần giúp thị trường tài chính tiền tệ “lặng sóng”; các ngân hàng huy động được tiền, từng bước giảm lãi suất; các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ và bảo toàn được giá trị tiền gửi của người gửi tiền, cải thiện niềm tin của giới đầu tư vào môi trường kinh doanh Việt Nam.

Tuy nhiên, điều chỉnh tỉ giá VNĐ sẽ ảnh hưởng đến dịch vụ nợ vì 80% các khoản vay của Việt Nam là bằng USD. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi tỉ giá tăng 1%, dịch vụ nợ của Việt Nam sẽ tăng trên 10.000 tỉ đồng. Sự điều chỉnh tỉ giá có thể khiến tăng áp lực giá vàng trong nước cũng như làm tăng giãn cách giá vàng trong nước với giá thế giới nếu thiếu nguồn vàng nhập bổ sung mới. Và điều chỉnh tỉ giá có thể làm tăng áp lực lạm phát, giảm thu nhập thực tế của người dân.

Thực tế cho thấy không có một cơ chế tỉ giá hối đoái nào là tối ưu trong mọi trường hợp nhưng chính sách tỉ giá linh hoạt vẫn là phương thức phổ biến được nhiều quốc gia lựa chọn nhất. Với những giải pháp mà NHNN đã và đang triển khai, đặc biệt là việc sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán ngoại hối, ngăn chặn và hạn chế những nhu cầu ảo… không chỉ là điều kiện ổn định giá trị đồng tiền Việt mà còn có ý nghĩa chính trị và kinh tế đặc biệt, đáp ứng yêu cầu giữ vững ổn định vĩ mô, hỗ trợ sự ổn định và phát triển của các doanh nghiệp, củng cố niềm tin trên thị trường và hài hòa các lợi ích trong bối cảnh kinh tế hiện nay...

TS Nguyễn Minh Phong

 

Giá vàng “nhảy múa”, chứng khoán đỏ sàn

Giá vàng trong nước ngày 19-8 đã liên tục biến động mạnh dù giá vàng thế giới thay đổi không nhiều. Trong ngày, giá vàng SJC leo mốc 35 triệu đồng/lượng bán ra, 34,2 triệu đồng/lượng mua vào, tăng gần 1 triệu đồng/lượng so với cuối phiên trước. Đến phiên chiều, giá vàng hạ nhiệt rồi chốt ở mốc 34,6 triệu đồng/lượng bán ra, 33,9 triệu đồng/lượng mua vào. Chênh lệch giá mua vào - bán ra giãn rộng 700.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán đỏ sàn. Ngay khi vừa mở cửa, thị trường bất ngờ đón nhận thông tin tăng tỉ giá nên đã chịu tác động không nhỏ. Theo các chuyên gia, tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam còn yếu nên dễ bị ảnh hưởng từ những thông tin bất lợi. Hơn nữa, khối ngoại có thể dè chừng bởi tỉ giá tăng khiến họ thiệt hơn khi quy đổi từ ngoại tệ ra tiền đồng. Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,41%, mất 2,4 điểm, còn 577,8 điểm. Dù vậy, đà giảm của VN-Index chậm dần về cuối phiên còn HNX-Index thì tăng trở lại (đóng cửa giao dịch ở mốc 79,67 điểm, tăng 0,09%). Qua đó cho thấy nhà đầu tư không quá hoảng loạn.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo