xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng trưởng kinh tế vượt các dự báo

Thùy Dương - Thy Thơ

Kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 500 tỉ USD đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế trên 7% năm 2019

Không phải năm đầu tiên tăng trưởng GDP bật lên mức trên 7% và thậm chí mức tăng trưởng 7,02% năm 2019 còn thấp hơn mức 7,08% năm 2018 nhưng đây là thành tích gây bất ngờ. Bởi lẽ, con số đạt được đã vượt mọi chỉ tiêu, dự báo.

Động lực từ kinh tế tư nhân

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong buổi họp báo công bố số liệu thống kê năm 2019 cho hay tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 tăng 7,02% đã vượt chỉ tiêu Quốc hội giao trong khoảng 6,6%-6,8% và cũng cao hơn dự báo của nhiều tổ chức quốc tế. Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm.

Đánh giá về nguyên nhân tác động tích cực đến kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhấn mạnh đến công tác cải cách trong nhiệm kỳ này. Theo đó, Chính phủ đã tập trung vào cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt mở rộng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng nền kinh tế. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô được củng cố, qua đó cải thiện được sức chống chịu của nền kinh tế trước những tác động từ bên ngoài. Ngoài ra, hiệu quả sử dụng nguồn lực được cải thiện, chỉ số ICOR giảm cũng góp sức vào tăng trưởng.

Tăng trưởng kinh tế vượt các dự báo - Ảnh 1.

Hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái (TP HCM) luôn sôi động ở mọi thời điểm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Một nguyên nhân sâu xa khác là khu vực kinh tế tư nhân trong nước khởi sắc và trở thành động lực tăng trưởng quan trọng, thể hiện ở đầu tư của khu vực kinh tế này tăng cao nhất, gấp khoảng 2,5 lần bình quân của cả nền kinh tế và tăng hơn khá nhiều lần so với đầu tư nước ngoài" - TS Nguyễn Đình Cung nhìn nhận.

Nói thêm về khu vực kinh tế tư nhân, ông Cung đặc biệt đánh giá cao bởi xuất khẩu của khu vực này tăng trưởng cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, giúp khối này tự xoay chuyển từ vị trí nhập siêu nhiều năm qua sang xuất siêu. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân có nhiều dự án lớn được đưa vào khánh thành và hoạt động trong nhiệm kỳ này, góp phần thay đổi bộ mặt nền kinh tế cũng như tác động tích cực đến tăng trưởng.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM) cũng đánh giá cao tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không thuận lợi, nhất là nhiều thời điểm quan hệ thương mại Mỹ - Trung hết sức căng thẳng, bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng, tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh, địa chính trị phức tạp… "Đây là mức tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, năm 2019 cũng là năm thứ 2 liên tiếp Chính phủ hoàn thành 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã đề ra" - ông Ngân nói.

Không nhiều dư địa cho năm sau

Nhìn nhận nền kinh tế đang có nhiều điều kiện để tăng trưởng nhưng TS Nguyễn Đình Cung vẫn cho rằng còn nhiều điểm nghẽn cản trở cơ hội phát triển của năm 2020. Cụ thể, việc thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa rõ ràng, chưa có dấu hiệu rõ nét và nhất quán về việc thay đổi lớn của mô hình tăng trưởng. Mặt khác, cải cách thể chế cũng chưa đủ mạnh về quy mô, nhanh về tốc độ, quyết liệt về mức độ để có thể có sự thay đổi căn bản trong cơ cấu thể chế. "Tôi chưa nhìn thấy khả năng tăng trưởng GDP cao liên tục và bền vững trong nhiều năm" - vị chuyên gia nhiều năm là viện trưởng CIEM nhận định.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung vẫn đặt kỳ vọng vào hoạt động xuất khẩu; chỉ riêng xuất khẩu của khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã có những tín hiệu rất đáng lạc quan. Ngoài những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như nông sản, thủy sản, điện thoại và linh kiện điện tử… đã có những sản phẩm thuần Việt với giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại như ôtô đã vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu. "Cần tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ để doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm đi các nước. Điều kiện bên ngoài trong năm tới có thể thuận lợi hơn nên tăng trưởng xuất khẩu có khả năng cải thiện tốt hơn" - ông Cung nêu quan điểm.

Cũng góp ý về mặt vĩ mô, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng Chính phủ cần sớm kiểm điểm các địa phương giải ngân vốn đầu tư công chậm, biểu dương các đơn vị giải ngân tốt. Trong đó, nhấn mạnh hiệu quả đầu tư công để giúp lan tỏa thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư xã hội vào các dự án giao thông, khu vực Đông Nam Bộ, ĐBSCL… bởi đây là một trong những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

"Năm 2020, tôi kỳ vọng kinh tế nước ta tiếp tục tăng tốc. Chính phủ tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là về thể chế và hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao đời sống nhân dân; triển khai các hiệp định thương mại tự do một cách hiệu quả; làm tròn trách nhiệm Chủ tịch ASEAN, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc…" - ông Ngân gửi gắm hy vọng. 

TP HCM: Thương mại dịch vụ tăng cao nhất 8 năm

Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, trong năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP ước tính tăng 8,32% so với năm trước. Trong đó, khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng 8,51% là mức tăng cao nhất trong 8 năm gần đây.

Về dự báo kinh tế năm 2020 của TP, ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TP, cho rằng khu vực thương mại - dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn, nhất là 9 ngành dịch vụ trọng yếu của TP.

T.Phương

Sẽ khó duy trì tăng trưởng cao

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), nhìn nhận khả năng tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng xuất khẩu duy trì ở mức cao trong năm 2020 là khá khó khăn. Nguyên nhân bởi một số năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đều đã ghi nhận số liệu tăng trưởng tốt nên dư địa không còn nhiều. Nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó dự đoán, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có khả năng sẽ chậm lại. Chưa kể, do năm 2019 được kỳ vọng là năm sức bật lớn nên nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đã tăng cường sản xuất ở mức độ lớn và chấp nhận tồn kho nhiều. Sang năm 2020, tồn kho có khả năng giảm, đi liền với tăng trưởng khó giữ được mức cao.

Về xuất khẩu, TS Độ cho rằng do quy mô xuất khẩu của Việt Nam đã ở mức khá cao nên đòi hỏi tăng trưởng cao về mặt tỉ lệ phần trăm là rất khó. Bằng chứng là trước đây, tăng trưởng xuất khẩu duy trì ở mức 15% nhưng những năm gần đây, tốc độ giảm xuống khoảng 10%. Th.Dương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo