xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn

Dương Ngọc

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế, đồng thời nỗ lực kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất trong năm 2023

Ngày 27-12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì họp báo.

Thận trọng tăng chỉ tiêu tín dụng

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, NHNN đã thực hiện điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. 

Đến ngày 21-12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỉ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, room tín dụng năm nay vẫn dư thừa, chưa kể room tín dụng được nới thêm 1,5% - 2% cho toàn hệ thống vào tháng 11. Trong khi đó, huy động vốn chỉ tăng 6%.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định NHNN tiếp tục tập trung nhiệm vụ kiểm soát lạm phát với mục tiêu khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Không đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm sau, song lãnh đạo NHNN cam kết ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn đầy đủ và kịp thời. Đồng thời, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, thậm chí cả lợi nhuận, để tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, mặc dù lạm phát của Việt Nam năm nay khả năng dưới 4% nhưng lạm phát lõi cơ bản tăng nhanh và đang ở mức đáng quan ngại. Thêm vào đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay chiếm gần 190% GDP). Với nền kinh tế có độ mở cao như vậy, áp lực lên tỉ giá rất lớn. Chính vì vậy, chỉ tiêu tín dụng năm 2023 được NHNN cân nhắc thận trọng.

Lãnh đạo NHNN cũng thông tin sẽ sử dụng các công cụ tỉ giá, lãi suất, tín dụng năm 2022 một cách thận trọng để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ kinh tế phục hồi và bảo đảm an toàn hệ thống. "Quan điểm xuyên suốt của NHNN là luôn cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát" - ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì họp báo ngày 27-12. (Ảnh do Ngân hàng Nhà nước cung cấp)

Cố gắng ổn định lãi suất

Lãi suất là một trong các vấn đề được doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay. Năm 2022, NHNN đã 2 lần tăng lãi suất điều hành, đẩy lãi suất huy động và cho vay tăng mạnh.

Lý giải về động thái tăng lãi suất điều hành, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói rằng trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng. Tuy nhiên, từ tháng 9-2022, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỉ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát, buộc NHNN phải điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành 2 lần.

Phân tích cụ thể hơn, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho hay 2022 là năm đặc biệt khi toàn bộ dự báo đánh giá về kinh tế vĩ mô trong nước, quốc tế gần như đảo lộn trong bối cảnh có nhiều cú sốc, bất trắc như cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhiều ngân hàng trung ương thay đổi chính sách từ nới lỏng sang thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng. Các biến động vĩ mô toàn cầu đã gây ảnh hưởng lớn đến bức tranh chung của kinh tế Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, có tổng cộng 340 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh. Tuy nhiên, đến tháng 9-2022, khi áp lực lạm phát quá lớn, đồng USD lên giá mạnh, NHNN buộc phải tăng lãi suất.

Vụ trưởng Phạm Chí Quang dự báo năm 2023, kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái lớn. Dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) còn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất trong năm 2023, duy trì lãi suất ở mức cao cho đến cuối năm 2024. Như vậy, mặt bằng lạm phát cao, lãi suất cao còn tiếp tục duy trì, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu còn cao.

"Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất trong thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng" - ông Phạm Chí Quang cho biết.

Tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh

Về tín dụng, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, thông tin cơ cấu tín dụng sẽ tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản…) được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Chia sẻ thêm về nguồn vốn cho thị trường bất động sản, Phó Vụ trưởng Hà Thu Giang cho biết thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản, giải pháp để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, đồng thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Theo bà Giang, ngày 22-12 vừa qua, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng liên quan bất động sản. Trong đó, yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có kinh doanh bất động sản, nhất là kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp.

NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, bảo đảm tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin thêm thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn về tín dụng cho thị trường bất động sản; qua đó tìm giải pháp để thị trường này phát triển lành mạnh, không để "bong bóng" nhưng cũng không để "đóng băng". 

Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng

Lãnh đạo NHNN cam kết thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. NHNN đang có giải pháp để xử lý các ngân hàng yếu kém, theo hướng như chuyển giao bắt buộc.

Với trường hợp ngân hàng khó khăn như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết đến nay, NHNN vẫn tiếp tục kiểm soát đặc biệt ngân hàng này, từng bước khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động ổn định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo