xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tạo môi trường sòng phẳng cho đổi mới, sáng tạo

THÁI PHƯƠNG - THANH NHÂN - PHƯƠNG NHUNG

Đổi mới, sáng tạo là yếu tố sống còn để doanh nghiệp tồn tại. Doanh nghiệp cần môi trường cạnh tranh sòng phẳng để thay đổi, phát triển trong xu hướng bùng nổ của công nghệ

Nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia, nhà quản lý nhìn nhận như vậy tại tọa đàm "DN TP HCM cần thêm động lực đổi mới, sáng tạo" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 12-10.

Đổi mới hay là "chết"

TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Có được vị thế như hôm nay, hàng chục năm qua, lãnh đạo TP luôn quyết tâm đổi mới với nhiều chính sách đột phá. Một trong những chính sách đó là khơi nguồn đổi mới và sáng tạo, tập trung nhiều vào khoa học và công nghệ. TP đã rất nỗ lực nhưng trước nhu cầu mới, sự nỗ lực đó vẫn chưa đủ để phát triển.

Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub, cho rằng đổi mới, sáng tạo thực chất là sự thay đổi. Áp lực hiện nay đòi hỏi các DN phải thay đổi liên tục hơn nữa. Có những thương hiệu lớn trên thế giới từ 10-15 năm trước nhưng giờ không giữ được tên tuổi, họ "chết" do không nắm bắt kịp xu hướng công nghệ, thiếu sự sáng tạo.

Tạo môi trường sòng phẳng cho đổi mới, sáng tạo - Ảnh 1.

Các đại biểu trao đổi bên lề tọa đàm Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Năm đại gia công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay đều là những DN mới xuất hiện như Facebook, Google... hoạt động dựa trên nắm bắt, ứng dụng công nghệ mới. Với công nghệ mới, nếu DN không có chính sách chạy trước, không chuẩn bị thì sẽ mất cơ hội.

"Chỉ 3-5 năm trước, liệu các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh có nghĩ là sẽ mất thị trường. Khi Grab, Uber ra đời, lập tức taxi truyền thống gặp khó. Câu chuyện không phải là mạnh để xuất ngoại mà mạnh còn để tồn tại ở thị trường trong nước và cũng là khó khăn" - ông Huỳnh Kim Tước dẫn chứng.

Trong tương lai, những ngành nghề mới sẽ tiếp tục ra đời, DN có chuẩn bị tâm thế để thích nghi, thay đổi? Xu hướng hội nhập, DN cần nghĩ không chỉ tồn tại ở nước ngoài mà ngay cả DN trên sân nhà cũng đã phải cạnh tranh khi DN nước ngoài xuất hiện.

Trong khi đó, ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vinasun, nhìn nhận tính chất sống còn của đổi mới, sáng tạo nằm ở nhiều khía cạnh, từ quản trị điều hành cho đến kế hoạch - kinh doanh. "Từ năm 2008-2009, Vinasun đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản trị, kinh doanh nhưng cơ sở hạ tầng thời điểm đó rất yếu, mạng chập chờn, chi phí cao. Đến giai đoạn 2012-2014, hạ tầng kỹ thuật tốt hơn, chúng tôi đưa công nghệ vào quản lý" - ông Quý thuật lại.

Theo các DN, họ hoàn toàn có khả năng xây dựng hệ thống phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, cái khó nhất là những rào cản chính sách. "DN không cần sự bảo trợ của nhà nước mà cần bình đẳng, bình đẳng tại sân chơi trong nước. Các sở, ngành TP cần nghiên cứu cách thức DN nước ngoài triển khai ở Việt Nam vì các tập đoàn đa quốc gia có tài chính mạnh nên khi vào nước ta, DN trong nước không chống đỡ nổi. Trong điều kiện không bình đẳng, DN nước ngoài dùng sân chơi, cách chơi để "tiêu diệt" DN Việt. Chúng ta khuyến khích khởi nghiệp nhưng đừng để xảy ra tình trạng DN Việt Nam không có điều kiện để lớn" - ông Quý kiến nghị.

Khuyến khích thay đổi

Ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, CEO P.A.T Consulting - đánh giá công nghệ tác động rất lớn đối với mô hình kinh doanh mới hiện nay. Với sự xuất hiện của thương mại điện tử, mạng xã hội ngày càng liên quan mật thiết đến hành vi của DN. Sự hình thành hệ sinh thái kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội sẽ thay đổi hình thức kinh doanh cũ. Kinh doanh truyền thống không còn là thế mạnh. Ngoài ra, với khả năng lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, mô hình kinh doanh và hành vi ứng xử của DN cũng phải đổi khác rất nhiều so với trước đây.

Nêu thực trạng nhóm 10 DN có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới đều ở lĩnh vực công nghệ nhưng nhóm 10 ở Việt Nam lại nằm trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản…, ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, chỉ ra rằng DN công nghệ Việt Nam đứng trước áp lực phải thay đổi nhưng đang gặp rất nhiều rào cản không hẳn là kỹ thuật, giải pháp mà là con người.

Ông Huỳnh Kim Tước khẳng định đã đến lúc DN cần thay đổi. "Một chiếc điện thoại iPhone 7, giá linh kiện chỉ 219,8 USD, giá lắp ráp 5 USD nhưng giá bán đến 649 USD. DN Việt chọn tham gia vào khâu nào trong gia công, dịch vụ thương mại hay sáng tạo? TP phải là một trung tâm của thương mại, tài chính. Và trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta sẽ nhận 5 USD từ chiếc điện thoại hay 500 USD" - ông Huỳnh Kim Tước ví von.

Về kinh nghiệm thành công của mình, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Yeah1, cho biết giá cổ phiếu của Yeah1 hiện vẫn cao nhất trên sàn. Công ty đang vận hành dựa trên nền tảng công nghệ, tận dụng sự bùng nổ của công nghệ 4.0 để bán sản phẩm ra thế giới. "Cơ hội của công nghệ, internet mang lại rất lớn. Khai thác công nghệ tạo giá trị cực kỳ lớn bởi sản phẩm liên quan đến mạng internet không chỉ phục vụ thị trường 100 triệu dân trong nước mà cả thế giới" - ông Tống nói.

Vậy DN sẽ bắt đầu từ đâu để thay đổi? Đứng ở góc độ hội ngành nghề, bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM, nhận định ngay tại cái nôi của đổi mới, sáng tạo là TP HCM, chính quyền TP cần có nhiều chính sách hơn để khuyến khích DN tăng cường đổi mới, sáng tạo trong cả công nghệ và môi trường kinh doanh. Đó là điều quan trọng đầu tiên trong việc hợp tác giữa Chính phủ, chính quyền địa phương với DN. Bên cạnh đó, phải đào tạo nguồn nhân lực để có những con người đủ năng lực vận hành, ứng dụng công nghệ. Dù trong hay ngoài hệ sinh thái thì DN đổi mới, sáng tạo cần sự ủng hộ, giảm bớt rào cản gia nhập thị trường... 

Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM:

10-tdtrung

Xem Công đoàn là đối tác tin cậy

Tôi thấy lực lượng công nhân, người lao động trong các tổ chức Công đoàn TP chưa được quan tâm với tư cách là khách hàng của DN, dù phân khúc thị trường này đang có khoảng 1,4 triệu người và gia đình của họ. Công đoàn cũng chưa có một cơ chế hữu hiệu để có thể tạo ra lợi ích cho lực lượng này. Trong khi đó, Công đoàn đang nắm trong tay nguồn lực về tài chính rất lớn.

Làm sao để DN, ngân hàng có thể tư vấn cho Công đoàn cách sử dụng tiền để mang lại lợi ích tốt hơn. Với 100 tỉ đồng trong tay, Công đoàn có thể tặng cho công nhân phiếu quà tặng 100.000 đồng và họ dùng hết. Nhưng cũng với số tiền này, nếu kết nối với tổ chức tín dụng sẽ tạo giá trị lâu dài hơn, đây là điều chúng tôi đang suy nghĩ. Hãy xem tổ chức Công đoàn là đối tác tin cậy, đối tác tiềm năng trong sự nghiệp, quá trình đổi mới, sáng tạo của DN.

Ông NGUYỄN KHẮC THANH, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM:

10-nguyen-khac-thanh

Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ

TP HCM đã có rất nhiều chương trình, chính sách tạo động lực đổi mới, sáng tạo và giờ cần thêm động lực để thay đổi về chính sách, đất đai, vốn, công nghệ, nguồn nhân lực... TP tiếp tục có nhiều chương trình hỗ trợ cho DN về nghiên cứu và phát triển (R&D), sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, có chuyên gia, tư vấn đưa ra xu hướng trên thế giới; có chương trình nâng cao năng suất, chất lượng hội nhập; hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, bảo vệ trí tuệ...

Theo tôi, dù chương trình đổi mới, sáng tạo còn non trẻ nhưng động lực phải từ DN. Động lực là lợi nhuận của DN, muốn có động lực thì phải đổi mới. Không phải chỉ đổi mới, sáng tạo trong DN mà cả sở - ngành, quận - huyện cũng phải có các chương trình, DN có thể tiếp cận và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ.

Ông TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:

10-tbt

Mong làm nhịp cầu cho DN

Tôi thấy có 8 vấn đề lớn đúc kết sau buổi tọa đàm từ những tâm huyết của các nhà quản lý, chuyên gia và DN.

Đổi mới, sáng tạo là nhu cầu cấp thiết. Nhưng đổi mới, sáng tạo như thế nào là điều DN trăn trở. Chính sách của nhà nước ra sao trong vai trò là bà đỡ cho DN đổi mới, sáng tạo. Bản thân DN phải dám dấn thân, chấp nhận thách thức và có tính kỷ luật cao. Khả năng tiếp cận công nghệ cao của nguồn nhân lực - một trong những yếu tố quyết định thành công cho DN.

Muốn đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp thành công, TP cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Cần vai trò liên kết của DN, trường ĐH, viện nghiên cứu và các quỹ đầu tư mạo hiểm. Cuối cùng, vai trò của các cơ quan truyền thông trong đổi mới, sáng tạo, đi trước và đi cùng hỗ trợ để DN bước ra thế giới và Báo Người Lao Động sẽ là một nhịp cầu trong hoạt động đổi mới, sáng tạo của DN TP HCM.

Ông TRẦN VIỆT ANH, Chủ tịch Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn:

10-tran-viet-anh

Hỗ trợ DN nhỏ tiếp cận công nghệ 4.0

Có một thực tế, hiện các DN nhỏ và vừa chưa có nhiều cơ hội tiếp cận việc đổi mới, sáng tạo. Bản thân họ chưa hiểu nhiều về công nghệ 4.0, có thể đã ứng dụng rồi nhưng chỉ là tự học hoặc chạy cho kịp nhu cầu. Nhiều DN nhỏ vẫn cho rằng việc ứng dụng này là dành cho những "ông lớn". Do đó, Hiệp hội DN TP và các hội ngành nghề khác, những tổ chức gắn liền với tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, vạn vật hấp dẫn... đang bắt đầu xây dựng các chương trình hỗ trợ DN tiếp cận những gói công nghệ, đổi mới mang tính miễn phí, hướng dẫn họ tiếp cận công nghệ này và sắp xếp lại hệ thống gắn liền với công nghệ, đổi mới.

Ông NGUYỄN ANH VŨ, Phó Tổng Giám đốc Công ty VNG:

10-nguyen-anh-vu

Đào tạo nguồn nhân lực thích ứng

Công nghệ đang thay đổi liên tục, DN cần người để thích ứng và cả đổi mới kỹ thuật. Một trong những thách thức mà VNG đang phải đối mặt là đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Chúng tôi có chương trình dành cho các bạn sinh viên mới ra trường, thông qua chuyển giao chính thức công nghệ từ những người đi trước. Có thể nói rằng trình độ của các kỹ sư Việt Nam sau khi được cọ xát, đào tạo cũng ngang ngửa các nước, vấn đề còn lại phải kích thích sự đam mê, sáng tạo của các bạn thông qua đề án cụ thể...

Điểm mạnh của VNG là nuôi dưỡng niềm đam mê trong quá trình tạo ra sản phẩm, đơn giản quy trình, thủ tục. Những nhân sự nổi bật thường thích nhìn thấy thành quả của họ trong quá trình làm việc, nên cần để nhân viên đóng góp hết mình.

Ông PHÍ ANH TUẤN, CEO P.A.T Consulting:

10-phi-anh-tuan

Cá nhanh nuốt cá chậm!

Công nghệ 4.0, các DN đừng nghĩ gì quá cao siêu. DN nên xem các xu hướng công nghệ và áp dụng từ những gì nhỏ nhất thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Chẳng hạn, khảo sát của tôi cho thấy chỉ cần tiết kiệm 1 phút cho quá trình sắp xếp và thông quan container qua cảng, chúng ta đã tiết kiệm được tương đương cho tiền lương trả cho một nhân viên làm việc trong... 49 năm. Áp dụng công nghệ mới mang tính cách mạng là ở đó.

Với mô hình kinh doanh truyền thống trước đây, tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính sẽ giết chết hoặc mua lại các DN mới nổi. Giờ lại khác, tài chính không phải vấn đề tiên quyết. Nếu DN nhỏ sản xuất tốt, áp dụng được công nghệ mới, phát triển thị trường hướng tới người dùng qua thiết bị di động và nền tảng mạng xã hội sẽ phát triển nhanh, mạnh khiến DN lớn đôi khi trở tay không kịp. Giờ là thời của cá nhanh nuốt cá chậm, chứ không phải cá lớn nuốt cá bé.

Ông ĐỖ VĂN LONG, Giám đốc vùng Infinity Blockchain Labs:

10-long

Đưa blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản

Blockchain trong thời gian qua là thuật ngữ khá "hot" nhưng chưa nhiều người hiểu được. Mười tập đoàn lớn trên thế giới đang đầu tư vào blockchain. Còn Việt Nam tiếp cận như thế nào? Thực tế, chúng tôi đã áp dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản Việt Nam với hy vọng giá trị xuất khẩu tăng. Như sản phẩm "xoài blockchain" sẽ cho thấy toàn bộ quy trình từ lúc trồng trọt, thu hoạch, phân phối... với thông tin minh bạch. Chúng tôi cũng thành công khi áp dụng công nghệ cao với sản phẩm hữu cơ, nhất là những sản phẩm đặc thù của Việt Nam và trong thời gian tới hy vọng sẽ có nhiều sản phẩm cần công nghệ này hỗ trợ.

Ông NGUYỄN XUÂN BÌNH, Trưởng Phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan TP HCM:

10-nxbinh

Chuyển từ quản lý sang phục vụ

Ngành hải quan hiện nay đã chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ DN. Vấn đề cần đặt ra là thay đổi về mặt thể chế, tức đưa ra cơ chế, chính sách, quản lý sao cho hài hòa. Khó khăn trong xây dựng thể chế của ngành hải quan là phải thực hiện quy định của nhiều bộ, ngành khác nhưng chuyển biến đáng mừng hiện nay là các bộ, ngành thực hiện theo cơ chế một cửa, không còn tình trạng "một mâm cơm 3-4 bộ kiểm soát".

Sắp tới, khi hệ thống giám sát tự động được áp dụng hoàn thiện sẽ giảm thiểu được nhiều vấn đề trong thông quan hàng hóa, từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Sắp tới, không có nhân viên hải quan kiểm soát mà hàng hóa ra vào cảng sẽ vận hành trên hệ thống tự động. Khi đó, cán bộ hải quan phải có sự thay đổi. Như việc trước đây nhân viên hải quan chỉ đóng dấu, không biết gì về máy tính, không thao tác được trên máy, giờ Tổng cục Hải quan đã ra bộ đề đánh giá năng lực của cán bộ, nhân viên.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo