Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu, chiếm 20% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.
Việt Nam được Đức xếp hạng đối tác thương mại thứ 33/232 nước xuất khẩu hàng hoá, hạng 49/206 nước nhập khẩu hàng hóa vào quốc gia này.
Tính đến hết tháng 12-2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Đức đạt gần 12,6 tỉ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt gần 9 tỉ USD, tăng 23,1%, chiếm hơn 71% giá trị xuất nhập khẩu với các mặt hàng xuất khẩu chính là máy móc thiết bị, điện thoại, giày dép, dệt may, cà phê, thủy sản...
Kim ngạch nhập khẩu sang Đức đạt hơn 3,6 tỉ USD, giảm nhẹ 8,2%, tập trung các mặt hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, linh kiện phụ tùng ô tô... Đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu cùng các bất ổn về địa chính trị tại châu Âu.
Là nền kinh tế hướng tới xuất khẩu, Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở Châu Á. Tuy nhiên, đầu tư của Đức vào Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn hai bên.
Đến hết năm 2022, Đức có 441 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2,37 tỉ USD, đứng thứ 18/141 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trên 3/4 số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm.
Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đã có đầu tư tại Việt Nam như: Daimler - Chrysler (sản xuất ôtô Mercedes - Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim), Siemens...