xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thúc đẩy liên kết vùng

THÁI PHƯƠNG

Để Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế cả nước, các địa phương phải gắn với lợi ích của khu vực

Ngày 23-12, tại TP HCM, UBND TP và Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tổ chức hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Chưa phát huy hết tiềm năng

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước, có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Các địa phương trong vùng đã tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, các dịch vụ du lịch, viễn thông, tài chính ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao…

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong (thứ 2, từ trái sang) cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo Ảnh: TẤN THẠNH
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong (thứ 2, từ trái sang) cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo Ảnh: TẤN THẠNH

Giai đoạn 2001-2015, kinh tế các địa phương trong vùng có mức tăng trưởng ổn định, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước trên 1,5 lần, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và đúng theo xu thế giảm dần tỉ trọng GDP khu vực nông lâm ngư nghiệp và công nghiệp xây dựng, tăng dần tỉ trọng của khu vực dịch vụ.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đánh giá TP có vị trí rất quan trọng đối với cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu tàu, hạt nhân để tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong toàn vùng.

Nhiều năm qua, TP HCM luôn có tốc độ tăng GDP hằng năm gấp từ 1,72 lần đến 1,75 lần so với cả nước. So với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tính đến cuối năm 2015, TP chiếm 60,6% GDP, 60,5% tổng thu ngân sách nhà nước, 51% tổng vốn đầu tư phát triển… TP HCM tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, tạo ra lợi thế so sánh cho vùng và có tác động lan tỏa, cung cấp nguồn nhân lực cho các vùng khác.

Dù vậy, trong quá trình liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn hạn chế như chưa xác định được cơ chế, giải pháp phù hợp chung giữa TP HCM với các địa phương trong vùng để phối hợp giải quyết những vấn đề chủ yếu. Thiếu định hướng chiến lược chung, từ đó thiếu sự gắn kết, phân công giữa TP và các tỉnh trong vùng để phát triển những ngành có lợi thế của từng địa phương, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao. Ngay cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và tổ điều phối của các bộ ngành, địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng còn hạn chế.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, liên kết vùng để phát triển kinh tế là vấn đề “nóng” được đặt ra gần đây. Muốn phát triển kinh tế vùng cần phải đề cập đến cơ sở quyền lực của vùng và nguồn lực, cơ sở kinh tế nào để liên kết vùng phát triển. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp hơn 50% GDP cả nước nhưng nếu không có cấu trúc đặc thù, không có thể chế riêng thì khó có phát triển đột phá.

Xây dựng cấu trúc liên kết bền vững

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho rằng chưa đánh giá hết tiềm năng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chưa cụ thể hóa và xây dựng được cơ chế chính sách đặc thù để vùng phát triển. Cơ chế phối hợp còn mang tính hình thức và hội đồng điều phối vùng hoạt động chưa thật sự hiệu quả.

Ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, nhìn nhận đã đến lúc đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường liên kết, phối hợp vùng để tăng cao hiệu quả phát triển kinh tế. Có những khó khăn mà nếu vượt qua được sẽ giúp liên kết vùng đạt hiệu quả như mong muốn. Khó khăn lớn nhất là các quy định hiện hành không cho phép có cấp quyền lực trung gian về mặt hành chính, không cho quyền đứng trên tổ chức hành chính do dân bầu ra. Bên cạnh đó, mỗi địa phương có tài chính độc lập và phải chịu sức ép rất lớn về phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng GDP và không địa phương nào có thể bỏ quyền lực của mình vì địa phương khác.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay buộc phải liên kết nên trong thời gian tới, Ban Kinh tế trung ương sẽ tiếp tục tham mưu để có chính sách mới nhưng cần thời gian. “Trong điều kiện hiện nay, không thể có cấp quyền lực trung gian nên cần cơ chế để hội đồng vùng kinh tế hoạt động trên sự tự nguyện và đồng thuận với ràng buộc kèm theo là tuyên bố và cam kết” - ông Hải đề xuất.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, trong thời gian tới, từng địa phương trong vùng cần nâng cao trách nhiệm, phải xây dựng được cấu trúc liên kết bền vững. Còn nếu như hiện nay thì rất khó vì các địa phương không thể hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích của cả vùng. Cơ chế ngân sách không phải nộp theo vùng mà theo địa phương nên để gắn lợi ích của địa phương vào cả vùng là rất khó.

Ông Đinh La Thăng cho rằng lúc này, cần cơ chế liên kết hiệu quả, gắn địa phương với cả vùng thành đặc khu kinh tế mở cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dù TP HCM đã ký kết hợp tác, liên kết với từng địa phương nhưng rất cần cơ chế tổng thể như việc tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách trọng tâm, tạo giá trị gia tăng, xây dựng công nghiệp hỗ trợ, thu hút các ngành phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, nhất là hạ tầng giao thông... Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho cả vùng để cung cấp cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Cơ sở dữ liệu hiện nay rất manh mún, rất khó để nhà đầu tư có định hướng. “Đề nghị coi trọng liên kết vùng để các địa phương, bộ ngành thực hiện thật tốt. Gắn lợi ích của địa phương với lợi ích vùng, làm sao kinh tế trong vùng phát triển thì từng địa phương cũng được hưởng lợi. Hội đồng vùng kinh tế cũng cần đề xuất ban hành cơ chế, quy chế liên kết vùng để bảo đảm cho ban chỉ đạo có đủ thẩm quyền” - ông Thăng gợi ý.

Chưa khai thác hiệu quả cơ chế hiện hành

Lãnh đạo TP HCM mong muốn các bộ, ngành hỗ trợ triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông đã có quy hoạch. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể nhằm bảo đảm sự thống nhất với quy hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực trong từng vùng, không để chồng chéo. Trong khi chờ cơ chế phù hợp, các địa phương chỉ cần khai thác hiệu quả các chủ trương hiện có cũng cải thiện được tình hình, như tăng khả năng kết nối giao thông giữa Đồng Nai và TP HCM, sớm triển khai dự án sân bay Long Thành, xử lý tình trạng kẹt xe ở khu vực ra vào cảng Cát Lái… “Đề nghị các bộ, ngành giúp các địa phương từng việc cụ thể trong cơ chế hiện có chứ chờ cơ chế mới thì rất lâu” - Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo