Tuy nhiên, do vướng mắc nhiều vấn đề, như nhà đầu tư không góp đủ vốn, thiếu hành lang pháp lý, thủ tục giao dịch rườm rà không thu hút được nông dân và DN nên sau gần 10 năm thành lập và chuyển đổi, hiện BCCE gần như không hoạt động. Chiều 9-3, phóng viên tìm tới BCCE chỉ thấy duy nhất nhân viên bảo vệ. Người này cho biết các lãnh đạo ở TP HCM thỉnh thoảng mới lên. Hiện hệ thống nhà kho ở đây cũng đã được cho DN thuê và không giao dịch hàng hóa từ 2 năm nay.
“Chúng tôi đang đề nghị giải thể để trả cơ sở hạ tầng BCCE về cho nhà nước” - ông Võ Đình Đoan, Chánh Văn phòng Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết.
ý kiến
Ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK Cà phê 2-9 Đắk Lắk:
Sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu
Trước tình hình biến đổi khí hậu, năm 2016 đơn vị đã phối hợp với nông dân trên vùng nguyên liệu thực hiện thí điểm 20 mô hình tưới nước tiết kiệm tự động nhằm giảm lượng nước tưới và nhân công. Mô hình thực sự đã mang lại hiệu quả về việc chống chọi lại hạn hán. Tuy nhiên, hiện vẫn khó triển khai đại trà vì chi phí hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động khá lớn với mức khoảng 80 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk:
Kêu gọi đầu tư vào chế biến sâu
Đắk Lắk nói riêng và ngành cà phê cả nước nói chung đang rất trăn trở làm sao giá trị hạt cà phê tăng lên. Xuất khẩu thô ở thời điểm được giá nhất cũng chỉ 46.000-47.000 đồng/kg là cao rồi, nông dân đã phấn khởi. Nhưng thực tế, một ly cà phê bán trên thị trường đã có giá bằng 1/3 kg cà phê nhân xô. Thậm chí, 1 kg cà phê nhân xô còn chưa bằng 1 ly cà phê hòa tan của các hãng cà phê có thương hiệu.
Việc chế biến sâu cũng không phải là vấn đề khó song việc kêu gọi đầu tư còn rất hạn chế. Hơn nữa, sau khi chế biến, cà phê cũng chưa chắc đã bán được. Chúng ta xác định sẽ tham gia vào khâu nào ở chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, cung cấp cho người tiêu dùng là vấn đề then chốt. Để có thể chế biến sâu, tránh lãng phí “tài nguyên nhân cà phê xô”, Đắk Lắk đã kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng KCN tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar nhằm kêu gọi đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông sản nói chung và cà phê nói riêng.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời:
Nhắm vào thị trường trong nước
Khi chúng tôi đầu tư vào ngành cà phê, thách thức lớn nhất là ngành mới, sau đó là tiêu thụ. Chúng tôi đánh giá đây là ngành khó, cơ hội không nhiều vì cây cà phê là cây công nghiệp chủ lực, đã phát triển nhưng hiện đang trong tình trạng loay hoay. Hiện ngành đã có nhiều DN tham gia, rủi ro khi đầu tư là rất lớn khi thị trường bấp bênh, lệ thuộc vào các thị trường lớn và các sàn giao dịch cà phê trên thế giới. Tuy nhiên, điểm nhấn của cà phê Lộc Trời là được tổ chức sản xuất theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm không pha trộn và chất lượng riêng biệt. Tập đoàn bắt đầu từ khâu chọn giống đến quy trình canh tác riêng, xây dựng vùng nguyên liệu ở vùng núi cao để bảo đảm vị ngon. Định hướng của tập đoàn trước mắt nhắm vào thị trường trong nước, nhóm khách hàng khó tính. Hiện cà phê rang xay của Lộc Trời đã được bán thí điểm ở một số kênh phân phối để người tiêu dùng đánh giá chất lượng cũng như đo lường thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Long - chủ hệ thống Shin Coffee (TP HCM):
Cần nhiều thương hiệu tham gia chuỗi liên kết
Hiện tại, hệ thống các thương hiệu cà phê trong nước đa phần sử dụng cà phê Việt nhưng chỉ 2% trong số đó có bao tiêu sản phẩm, đầu tư cho nông dân trồng từ đầu đến cuối. Nhiều quán cà phê thu mua trôi nổi trên thị trường với giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng đã có 1 kg cà phê. Trong khi chúng tôi phải đầu tư cho nông dân trồng từ khi chọn phân hữu cơ đến cách chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu, vì vậy họ bán ra với giá mà chúng tôi thu mua là trên 140.000 đồng/kg. Những nông dân làm việc với chúng tôi rất phấn khởi, nhiều người khác đã liên lạc và cho biết họ cũng muốn được tham gia trồng với chúng tôi nhưng thực tế, chúng tôi chưa có nhu cầu cao như vậy.
Đời sống nhiều nông dân trồng cà phê hiện đã tốt hơn trước nhưng họ cũng phụ thuộc vào thị trường thế giới, bấp bênh chứ không chủ động. Chúng tôi nghĩ cần có nhiều thương hiệu cà phê trong nước tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng sạch, an toàn để gia tăng giá trị cho chính sản phẩm của cà phê trong nước, đồng thời tăng thu nhập, thu hút nông dân đầu tư, sản xuất cà phê ngày càng chất lượng hơn.
Giá bình quân 1 kg cà phê chúng tôi làm ra hiện nay ít nhất là 200.000 đồng, có loại cao cấp phải vài triệu đồng. Nếu nhiều nông dân tham gia trồng và sản xuất cà phê chất lượng như vậy thì thị trường cà phê trong nước sẽ tốt hơn rất nhiều. Ng.Hạnh - Ng.Ánh - S.Nhung ghi