xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM rộng cửa xuất khẩu phần mềm

Phương Nhung

Đã có doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu được ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ y tế, thuật toán cho máy giặt...

Việt Nam mong muốn trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo ở khu vực Đông Nam Á. TP HCM cũng đưa ra định hướng chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu sang tập trung vào dịch vụ và công nghệ. Tuy nhiên, không dễ thực hiện.

Nhiều cơ hội

Đánh giá về thị trường công nghệ thông tin (CNTT) trong nước, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam (công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán, thuế, tư vấn quản lý tài chính), cho biết các doanh nghiệp (DN) trong nước đang tăng cường đầu tư vào công nghệ như triển khai hoạt động chuyển đổi số và an ninh mạng (Cyber Security). Do đó, cơ hội đầu tư vào CNTT không chỉ dành cho bộ phận chuyên trách về CNTT mà còn cả các bộ phận không chuyên trách. Thực tế, thị trường đang diễn ra cuộc chạy đua săn tìm nhân lực trong ngành CNTT. Nguyên nhân là bởi nhân lực giỏi trong lĩnh vực vốn đã không nhiều nhưng còn có nguy cơ bị rơi vào tay công ty nước ngoài. Bản thân KPMG cũng bị mất người giỏi về tay công ty khác và phải đi tìm kiếm nhân lực thích hợp cho hoạt động phát triển kinh doanh của công ty.

TP HCM rộng cửa xuất khẩu phần mềm - Ảnh 1.

Một doanh nghiệp chuyên về CNTT, trí tuệ nhân tạo ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phần mềm TMA, Phó Chủ tịch Liên minh CNTT Việt Nam (VNITO Alliance), nhận định đổi mới sáng tạo đang được nhắc đến như một trào lưu hiện nay nhưng có rất ít DN thành công. Muốn phát triển tốt, DN cần phải có cách thức đúng, chẳng hạn trực tiếp mời chuyên gia về đổi mới sáng tạo đến Việt Nam chia sẻ về cách thức chuyển từ ý tưởng đến quy trình sản xuất để cho ra sản phẩm. Bởi thực tế, rất khó tìm được kỹ thuật viên lập trình giỏi ở thị trường trong nước.

"Nhờ nhắm được đúng đến nội dung thị trường cần là các ứng dụng cho các quốc gia đang phát triển, chúng tôi đã cung cấp được ứng dụng phần mềm trực quan để lấy thông tin về dịch bệnh cho 60 quốc gia, hoặc sáng tạo được phần mềm hỗ trợ cho giải pháp thả muỗi đến nhiều khu vực để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết ở 12 quốc gia khác nhau" - ông Hồng chia sẻ.

Thông tin từ Hội nghị Phát triển dịch vụ CNTT 2019 với chủ đề "Việt Nam: Điểm đến cho đổi mới sáng tạo" do Liên minh DN xuất khẩu phần mềm (VNITO) được tổ chức tại TP HCM mới đây, cho thấy có DN Việt Nam đã cung cấp được giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo để xếp hạng mức độ nghiêm trọng của cuộc gọi, lọc cuộc gọi rác cho thị trường Mỹ. Một số thuật toán lập trình giặt tiết kiệm thời gian và sạch hơn cũng được công ty công nghệ Việt Nam chuyển giao cho các thị trường châu Âu, Mỹ…

Cần cơ chế hỗ trợ

Tuy định hướng của TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung là chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu sang tập trung vào dịch vụ và công nghệ nhưng không dễ dàng thực hiện. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Phú Quốc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, nhận định do điện tử, dệt may, da giày hiện chiếm gần 60% giá trị xuất khẩu của

TP HCM nên việc chuyển dịch cơ cấu này trong một sớm một chiều là không dễ. "Mặc dù cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ khiến thị trường công nghệ thay đổi rất nhanh, có thể tăng trưởng theo cấp số nhân nhưng khó lượng hóa được ngay, tức khó có thể khẳng định khả năng nhanh chóng tăng được tỉ trọng xuất khẩu phần mềm" - ông Phạm Phú Quốc bình luận.

Phân tích thêm, ông Phạm Phú Quốc chỉ rõ hiện tại, dù DN Việt đã có thể tự xây dựng và đưa ra các giải pháp phần mềm riêng để phục vụ nội địa nhưng trong lĩnh vực xuất khẩu, DN nội lại chủ yếu gia công sản phẩm, giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân quy mô DN còn nhỏ và gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự, chi phí lương, chi phí mặt bằng… Do đó, đã đến lúc phải bàn đến giải pháp thúc đẩy DN ngoài phục vụ thị trường nội địa có thể tiến tới xuất khẩu hiệu quả.

"Cần chính sách gia tăng nguồn nhân lực CNTT; chính sách khuyến khích thành lập DN gia công, xuất khẩu phần mềm; hỗ trợ và khuyến khích DN CNTT hơn nữa để cùng giảm thiểu những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn đầu hoạt động. Đồng thời, đưa ra các chương trình kết nối các DN CNTT và tư vấn giải pháp phần mềm với cộng đồng các DN khác" - ông Quốc góp ý.

Tại hội nghị đánh giá về tình hình đầu tư và xuất khẩu của TP HCM mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho hay khảo sát từ các DN cho thấy thế mạnh của TP so với các tỉnh là sản xuất phát triển sản phẩm phần mềm và nội dung số. Ước tính doanh số của sản phẩm này có thể đạt 3-4 tỉ USD/năm. Trong thời gian tới, nếu có sự đầu tư đúng mức, sản phẩm này sẽ là mũi nhọn đột phá lớn cho TP. TP HCM cũng quan tâm xây dựng đề án hình thành các sàn giao dịch CNTT để truyền từ giao dịch truyền thống sang hiện đại, đồng thời cũng gắn với đề án đô thị thông minh.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, nêu thực trạng các start-up (nhà khởi nghiệp) Việt có khả năng thương mại lớn thường chọn con đường sang Singapore đầu tư rồi quay lại làm nhiều dự án lớn tới hàng triệu USD cho Việt Nam. Hậu quả là Việt Nam bị thất thu thuế. Do đó, TP cần có cơ chế hỗ trợ cho DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. 

Thiếu hành động cụ thể

Ông Phạm Phú Quốc cho rằng nhận diện lợi thế phát triển ngành dịch vụ phần mềm không phải nội dung mới trong các chính sách của TP. Quyết định 153/QĐ-UBND ngày 10-1-2013 đã nhận định: "TP có nhiều lợi thế và thuận lợi để phát triển dịch vụ xuất khẩu như: dịch vụ logistics, dịch vụ xuất khẩu phần mềm, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ công nghệ cao... Định hướng đến năm 2020, các lĩnh vực trên chiếm khoảng 12% kim ngạch xuất khẩu".

Ngoài ra, Chương trình phát triển CNTT truyền thông giai đoạn 2016-2020 cũng được TP ban hành từ năm 2016, trong đó có nội dung phát triển đội ngũ nhân lực CNTT; tạo cầu nối để DN và trường học có các đặt hàng đáp ứng nhân lực cho DN CNTT; xây dựng chương trình thu hút chuyên gia cao cấp ngành công nghiệp vi mạch, điện tử và hỗ trợ khởi nghiệp cho lưu học sinh sau khi về nước, các kỹ sư mới ra trường ngành vi mạch, điện tử...

"Những giải pháp lớn đều được nhận diện và đưa ra. Cái TP thiếu là khả năng đi vào chi tiết, hành động cụ thể, đánh giá đúng năng lực bộ máy của ngành. Từ đó, tập trung vào đào tạo nhân lực vì đây là cốt lõi của ngành phần mềm; tăng cường các cổng thông tin công cung cấp dữ liệu về ngành và thị trường, giảm thiểu các chi phí thành lập DN" - ông Quốc góp ý thêm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo