xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bất động sản thiếu gam màu sáng (*): Tự "bơi" hoặc là chết!

Sơn Nhung

Những doanh nghiệp nếu có dự án tốt, tài chính ổn định, phát triển sản phẩm đúng nhu cầu vẫn được thị trường đón nhận

Trong lúc chờ Chính phủ, bộ, ngành, lãnh đạo TP HCM tháo gỡ những dự án bị ách tắc, vướng mắc thủ tục pháp lý, các chủ đầu tư, doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS), môi giới không còn cách nào khác phải tự "bơi" để tồn tại.

Kiên nhẫn chờ thời cơ

Nói về thị trường BĐS năm 2020, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam, nghĩ đến "triết lý cá sấu". Ông giải thích cá sấu có khả năng thích nghi rất cao, vừa có thể chiến đấu dưới nước lẫn trên cạn. Bất kỳ trong môi trường nào cũng thể hiện được bản lĩnh săn mồi của mình. Điều đặc biệt là cá sấu có khả năng ẩn mình và kiên nhẫn chờ đợi thời cơ tốt nhất để săn mồi. Năm nay, DKRA Việt Nam sẽ vận hành theo triết lý đó. 

"Chúng tôi đã đầu tư lớn vào công nghệ nhằm gia tăng hiệu quả trong giao dịch, giới thiệu quảng bá dự án và các nội dung liên quan nhằm hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, sàng lọc và đào tạo nhân sự theo hướng đổi mới, sáng tạo. Nếu không sẽ bị đào thải. Ngoài ra, DKRA Việt Nam sẽ mở rộng hoạt động môi giới tất cả phân khúc để gia tăng nguồn thu nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu như trước đây, chúng tôi chủ yếu kinh doanh ở các dự án thuộc phân khúc giá trung bình thì nay đã chuyển sang bán tất cả phân khúc mà thị trường đang có, nhất là căn hộ cao cấp, nghỉ dưỡng" - ông Lâm chia sẻ.

Bất động sản thiếu gam màu sáng (*): Tự bơi hoặc là chết! - Ảnh 1.

Thị trường động sản TP HCM rất cần được tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý cho các dự án Ảnh: MINH TÚ

Tương tự, ông Đặng Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH BĐS Smartland, cho biết từ trước đến nay, công ty mạnh về phân phối các BĐS nghỉ dưỡng nhưng để ứng phó với tình hình khó khăn của ở phân khúc này, công ty đã chuyển sang phân khúc căn hộ, nhà thấp tầng có pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín để kinh doanh. Ngoài ra, công ty buộc phải cơ cấu lại nhân sự, thanh lọc bớt khoảng 20% nhân viên không đáp ứng nhu cầu, không thích nghi; tăng cường đào tạo nhằm gia tăng tiềm lực, nâng cao kỹ năng cho nhân viên hiện hữu. "Chúng tôi có đến 200 nhân sự nên không thể ngồi im được. Dù không vùng vẫy nhưng bản thân Smartland cũng phải tự gia tăng nội lực, chờ qua cơn nguy khó của thị trường" - ông Việt nói.

Chủ tịch HĐQT một DN chuyên về môi giới BĐS khác cho biết sẽ tái cấu trúc lại công ty, giảm nhân sự và tiết giảm chi phí tối đa để cầm cự chứ chưa nghĩ đến chuyện dẹp công ty.

Trong khi đó, dưới góc độ chủ đầu tư dự án, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, tiết lộ chiến lược trung - dài hạn của công ty là dành 80% nguồn lực để phát triển dòng sản phẩm cho người trẻ với giá trị căn hộ trên dưới 2 tỉ đồng. Vì đây là phân khúc ở thật và luôn có nhu cầu trong mọi hoàn cảnh của thị trường. Và 20% nguồn lực còn lại sẽ dành cho phân khúc BĐS có giá trị cao hơn. Cụ thể, Phú Đông Group dự kiến tung ra thị trường 1-2 dự án với khoảng 600 căn hộ dưới 2 tỉ đồng/căn. "Chúng tôi sẽ đầu tư tập trung chứ không dàn trải, đặc biệt chủ động nguồn vốn, không phụ thuộc vốn vay ngân hàng. Trong đó, huy động vốn trả trước của khách hàng là một kênh thay thế tốt cho việc đi vay" - ông Phúc cho hay.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land, tin rằng thị trường dù có khó khăn nhưng nếu DN biết cân bằng giữa sản phẩm đầu tư và sản phẩm cho người có nhu cầu ở thực chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận.

Kiến nghị sớm tháo gỡ vướng mắc

Bên cạnh nỗ lực "tự bơi" của các DN, mới đây, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) đã nhiều lần có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP HCM nêu các đề xuất của hiệp hội nhằm tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ thị trường BĐS phục hồi và phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân.

Tại một tham luận gần đây nhất, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, kiến nghị nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, đi đôi với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đối thoại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với người dân và cộng đồng DN, trong đó có DN BĐS.

HoREA cũng kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS, dân sự để bảo đảm tính hệ thống, tính đồng bộ và tính liên thông. Đồng thời, mong mỏi Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt để sớm tháo gỡ các vướng mắc, "điểm nghẽn" cụ thể của thị trường BĐS để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại, tạo điều kiện cho tất cả mọi người có nhà ở, trước hết là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị.

Đặc biệt, với các dự án nhà ở sử dụng quỹ đất công thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác, HoREA kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với nhà nước (nếu có). Cùng với đó, cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.

Về vấn đề vốn cho thị trường, chuyên gia kinh tế - tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín cho rằng thực tế các ngân hàng chỉ hạn chế tín dụng đối với các dự án không đầy đủ pháp lý, vì họ không tự đưa rủi ro cho mình. Họ dành vốn cho các dự án tốt để còn thực hiện hóa lợi nhuận nên chủ đầu tư uy tín, dự án tốt không lo không được vay vốn. Ngoài ra, thời gian qua có nhiều DN huy động vốn từ nhân viên, từ phát hành trái phiếu và cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để gia tăng tiềm lực. Tuy nhiên, điều quan trọng là chủ đầu tư phải uy tín. Và đây chính là thời điểm thanh lọc các DN BĐS không "có tâm", làm lợi trước mắt mà xem thường hậu quả. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-2

Trước diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng của dịch virus corona tác động tiêu cực đến thị trường BĐS, trước hết là BĐS du lịch nghỉ dưỡng, ông Lê Hoàng Châu cũng kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ DN, như cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế...
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo