xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vinamit sải bước từ nông nghiệp qua công nghệ cao

NGỌC ÁNH

Vinamit đang tận dụng thời gian giãn cách xã hội để tập trung tái cấu trúc hệ thống, chuẩn bị cho giai đoạn bùng nổ sau đợt dịch Covid-19 lần 4

Với kinh nghiệm của một doanh nhân đã kinh qua nhiều sóng gió, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, dự báo hậu Covid-19 là thời điểm bùng nổ của những xu hướng thực phẩm mới. Để tận dụng được cơ hội, Vinamit phải chuẩn bị kỹ từ bây giờ.

Hai bước ngoặt

Những năm 1985, khi đang hoạt động kinh doanh xuất khẩu mây tre lá, ông Nguyễn Lâm Viên đã có ý định chuyển nghề sang thực phẩm và "tầm sư học đạo" các thầy ở Đài Loan (Trung Quốc) - những người sở hữu công nghệ sấy và bảo quản trái cây tiên tiến khi đó. Cách học của ông quan trọng ứng dụng, giải quyết những bài toán cụ thể chứ không nặng bằng cấp và lý thuyết. Nhờ đó, ông đã thành công với sản phẩm sấy từ nguyên liệu dồi dào ở quê nhà.

Cũng từ nền tảng này, ông Viên đã không ngừng học hỏi và truyền lửa cho lớp trẻ. Ông sáng chế công nghệ sấy đông khô các loại rau củ quả mà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn hương vị, chất dinh dưỡng như sản phẩm tươi đã được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp bằng sáng chế độc quyền.

Nhìn lại lịch sử 30 năm gầy dựng thương hiệu, Vinamit đã trải qua 2 giai đoạn "bùng nổ".

Lần thứ nhất là ngay khi ông chủ Nguyễn Lâm Viên thành lập công ty riêng, là doanh nghiệp (DN) tư nhân vào năm 1991. Khi đó, quy mô của công ty rất nhỏ với địa điểm thuê ở Bình Dương để mua nguyên liệu, chế biến, đóng gói và văn phòng nhỏ tại TP Hồ Chí Minh để giao dịch. Nhờ có mối quan hệ với khách hàng ở nước ngoài, hàng làm ra đều được bao tiêu toàn bộ, doanh số tăng thẳng đứng, công ty liên tục mở rộng quy mô khi 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc hút hàng.

Cơ duyên đến với sản phẩm mít của ông Viên rất tự nhiên. Những năm 1990, vùng Bình Dương, Đồng Nai bạt ngàn mít - loại cây trồng để lấy gỗ, phục vụ cho các sản phẩm sơn mài, thủ công mỹ nghệ. Khi đó, mít chín người ta để rụng cho bò ăn nên DN thu gom về với giá rẻ. Nguyên liệu thuần tự nhiên, mít giòn, ngọt thanh nên khi chế biến được khách hàng nước ngoài hết sức yêu thích, có lúc mỗi tháng công ty xuất khẩu 50 container hàng.

Lần bùng nổ thứ hai là những năm 2013-2015, ông quay lại điều hành sau một thời gian rút lui do vấn đề sức khỏe. Từ giai đoạn bùng nổ này, Vinamit tích lũy và đầu tư nhiều hạng mục dài hạn như nông trại hữu cơ, nhà máy sấy đông khô…

"Trong lĩnh vực nông nghiệp, rất khó thuê người ngoài, mình không thể giao chỉ tiêu, định hướng là họ có thể thực thi được và không thể đưa DN bứt phá. Hậu quả của giai đoạn thuê điều hành là Vinamit đã tổn thất đến 400 tỉ đồng, chủ yếu do đầu tư sai. Ngành nông nghiệp cần tính toán dài hạn, phụ thuộc yếu tố mùa vụ, thời tiết nên phải có người điều hành am hiểu sâu" - ông Viên chiêm nghiệm.

Vinamit sải bước từ nông nghiệp qua công nghệ cao - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lâm Viên cùng đội ngũ kỹ sư trẻ say mê làm nông nghiệp hữu cơ ở trang trại tại Bình Dương. (Ảnh do Vinamit cung cấp)

Từng được định giá 150 triệu USD

Doanh nhân Nguyễn Lâm Viên không phải "gốc" nông dân nhưng lại có tình yêu đặc biệt với nông nghiệp, nông thôn. Ông sinh ra ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nhưng từ nhỏ, mới 2-3 tuổi đã theo ba mẹ xuống Sài Gòn sống. Ba ông là công chức, mẹ buôn bán nhỏ. Ông bị ảnh hưởng nhiều bởi bà vú nuôi vốn là một người nhà quê thực sự.

Ban đầu, Vinamit mang tên Đức Thành, vốn là tên tiệm tạp hóa của gia đình ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Nhưng DN chủ yếu xuất khẩu, nhiều khách Tây không đọc được tên "Đức Thành" nên ông Viên lấy tên giao dịch quốc tế là Del-tafood có chữ D-T, viết tắt của Đức Thành chứ chưa nghĩ đến "Delta Mekong" (ĐBSCL) như nhiều người vẫn nghĩ bây giờ.

Đến năm 2004, khi công ty muốn phát triển mảng nội địa, ông tiến hành thăm dò thị trường mới thấy rằng người tiêu dùng không biết đến Đức Thành, chỉ biết thương hiệu Vinamit. Khi đó, Vinamit chỉ là một nhãn hàng mít sấy của Đức Thành. Lúc ấy đang rộ lên trào lưu thương hiệu "Vina" như: Vinacafé, Vina Giầy… nên ông Viên quyết định đặt tên công ty là Vinamit - cái tên nghe vui vui, dễ nhớ!

"Nhiều người nói rằng đặt tên công ty như vậy sẽ giới hạn ngành nghề kinh doanh nhưng tôi thấy không sao vì từ đầu, tôi đã xác định mình gắn bó với nông nghiệp. Đến bây giờ, khi danh mục sản phẩm lên đến hàng trăm loại với đủ sản phẩm rau củ quả thì vẫn mang chung thương hiệu Vinamit. Cả công ty từng được định giá 150 triệu USD, trong đó riêng thương hiệu Vinamit chiếm 50% giá trị" - ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ.

Vinamit sải bước từ nông nghiệp qua công nghệ cao - Ảnh 2.

Nước mía tươi sấy là mặt hàng sáng tạo, gây nhiều bất ngờ đối với khách hàng của Vinamit. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đón đầu xu hướng mới

Ông Nguyễn Lâm Viên nhìn nhận trong những ngày TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nhiều hoạt động gần như "đóng băng", tình hình kinh doanh chưa bao giờ khó khăn đến thế. Covid-19 làm thay đổi mọi thứ và khi đại dịch qua đi, cuộc sống bình thường cũ không dễ quay trở lại.

"Trong ngành thực phẩm, ăn uống "vegan" (thuần chay) trở thành xu thế, người tiêu dùng sẽ giảm, thậm chí là bỏ hẳn ăn thịt động vật và thay thế bằng nguồn đạm thực vật. Người tiêu dùng cũng sẽ ăn rau củ quả, hạt nhiều hơn. Xu hướng chọn thực phẩm hữu cơ, nguyên bản, đơn chất cũng nổi lên thay thế các loại thực phẩm phối trộn nhiều phụ gia, hóa chất trước đây. Hành vi mua sắm cũng thay đổi, khách hàng sẽ mua qua mạng nhiều hơn và cần được phục vụ một cách "cá nhân hóa" chứ không đại trà như trước" - ông Viên dự báo.

Hiện nay, Vinamit đang tập trung tái cấu trúc hệ thống, khắc phục những lỗi mà ngày thường do phải tập trung chăm sóc khách hàng nên chưa có điều kiện xem xét. Nhằm đón đầu sự bùng nổ hậu Covid-19, ông chủ thương hiệu Vinamit cho rằng phải chuẩn bị dài hơi từ nông trại, nhà máy, sản phẩm đến nhân lực để khi thị trường ổn định có thể tăng tốc ngay, không cần độ trễ. Chẳng hạn với nhóm sản phẩm mít đóng hộp thay thế thịt động vật dự báo rất "hot" trong tương lai, Vinamit đang chuẩn bị rất kỹ từ bây giờ. Sản phẩm đang xuất khẩu thử nghiệm từng lô nhỏ mang thương hiệu "La Moi" để đo lường nhu cầu thị trường. "La Moi" hay "Lá Mới" cũng là tên một DN mới (Công ty Cổ phần La Moi) do Vinamit đầu tư chuyên về công nghệ để chuẩn bị cho Vinamit đột phá trong giai đoạn mới bằng chuyển đổi số. Công ty đang chuẩn bị hạ tầng, nhân lực để bán hàng trên nền tảng số, mục tiêu 5 năm tới có thể phục vụ hơn 50 triệu người tiêu dùng thành viên, trong đó 30 triệu người Việt và 20 triệu khách quốc tế. 

Nông nghiệp vì sự sống

Ông Nguyễn Lâm Viên quan niệm ngành nông nghiệp cung cấp thực phẩm cho con người cần phải được xem là ngành y tế dự phòng và cần đầu tư xứng đáng. Nông nghiệp phải vì sự sống, thực phẩm vì sự sống, mang lại giá trị sức khỏe cho con người, không chỉ ăn để no bụng hay thỏa mãn khẩu vị.

Dịch bệnh cũng là "duyên cớ" để người tiêu dùng nhìn lại và thay đổi. Họ quan tâm hơn đến sức khỏe và số người chọn chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh nhiều hơn. Đây là cơ hội của nông nghiệp Việt Nam thay đổi theo hướng xanh, sạch.

Ngày nay, có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm sạch và nhờ nền tảng thương mại điện tử nên họ bán được hàng. Họ phát triển thì tương lai của nông nghiệp Việt Nam sẽ khác, không lặp lại những vết xe đổ của cha ông khi đi theo nông nghiệp lạm dụng hóa chất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo