xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xả băng ghi âm phóng viên Báo Người Lao Động bóc mẽ "trung úy công an" gọi điện hù dọa để lừa đảo

Châu Thy

(NLĐO) – Giả danh nhân viên bưu cục và cảnh sát điều tra để hù dọa nhằm lừa đảo, 2 đối tượng đã bị phóng viên Báo Người Lao Động "bóc mẽ".


Đầu tháng 10, phóng viên A.Th. của Báo Người Lao Động nhận được 1 cuộc điện thoại từ số máy 18981111603… Người gọi đến tự xưng là Đinh La Thành đang công tác tại một bưu cục trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Lừa trúng phóng viên

Thành cho biết có một bưu phẩm là lệnh triệu tập số 00918 của TAND TP Đà Nẵng về việc anh Th. sử dụng thẻ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Đà Nẵng và hiện còn nợ hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, do bưu phẩm này không có người nhận nên bưu cục phải trả về lại cho người gửi là TAND TP Đà Nẵng.

Thế nhưng, khi PV A.Th. thắc mắc bưu phẩm đó ghi địa chỉ người nhận ở tỉnh, thành phố nào và đề nghị chuyển lệnh triệu tập của TAND TP Đà Nẵng đến địa chỉ của mình ở TP HCM thì Thành từ chối, lí do bưu cục không cho phép. Tuy nhiên, một chi tiết đáng lưu ý là Thành lại có "thiện chí" đọc qua điện thoại nội dung bức thư, đề nghị phóng viên A.Th. xác nhận danh tính và số CMND.

Khi phóng viên A.Th. nói mình không giao dịch với Agribank, Thành cho rằng có thể ai đó đã mạo danh để thực hiện hành vi đen tối nên đã đề nghị anh A.Th. lấy giấy bút ghi mã số lệnh triệu tập của tòa án, số thẻ tín dụng, số tiền còn nợ Agribank chi nhánh Đà Nẵng để Thành kết nối điện thoại với đường dây nóng với công an TP Đà Nẵng, giúp anh trình báo vụ việc.

Xả băng ghi âm phóng viên Báo Người Lao Động bóc mẽ trung úy công an gọi điện hù dọa để lừa đảo - Ảnh 2.

Những vụ việc lừa đảo qua điện thoại nở rộ thời gian qua. Ảnh: Quang Liêm

Sau đó, cuộc điện thoại của anh A.Th. được chuyển đến đường dây nóng của cơ quan công an TP Đà Nẵng. Ở đầu dây bên kia, một người có giọng nói sắc bén, tự xưng là "Trung úy Lê Văn Đạt, số hiệu quân nhân 712650, công tác tại đội 6 Phòng Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng, trụ sở số c 80 Lê lợi, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng". "Trung úy" Đạt tự giới thiệu mình là người theo dõi vụ việc của anh A.Th. và cho biết đã liên hệ với tòa án. "Trong thời gian chờ đợi, anh cần cung cấp cho chúng tôi họ và tên, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, địa chỉ cơ quan, thời gian công tác; thời điểm đến gần nhất Đà Nẵng và trình bày vắn tắt vụ việc"- Đạt nói.

Ít phút sau, Đạt thông báo đã nhận được hồ sơ từ tòa án và đọc cho anh A.Th. nghe qua điện thoại một vài thông tin chính như: vào ngày 12-11-2018, anh A.Th. có mở một thẻ tín dụng tại Agribank chi nhánh Đà Nẵng (địa chỉ 249 Điện Biên Phủ, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), số thẻ 7285168066650637 và đến nay có số nợ quá hạn 45.968.350 đồng nhưng chưa thanh toán. Agribank chi nhánh Đà Nẵng nhiều lần nhắc nợ nhưng do anh A.Th. không phản hồi nên ngân hàng này đã khởi kiện lên TAND TP Đà Nẵng. Do đó, tòa án gửi lệnh triệu tập anh A.Th. phải có mặt tại tòa trước 16 giờ ngày 4-10 giải quyết vụ việc, nếu không tòa án sẽ kết hợp cơ quan sở tại niêm phong toàn bộ tài khoản do vợ chồng phóng viên A.Th. đứng tên để khấu trừ số tiền còn nợ ngân hàng.

Anh A.Th. khẳng định mình không mở thẻ tín dụng tại Agribank chi nhánh Đà Nẵng và cho biết anh có nhiều bạn bè đang công tác tại ngân hàng này nên sẽ nhờ xác minh lại. Ngay lập tức "Trung úy Lê Văn Đạt" chuyển hướng, yêu cầu anh mang theo giấy tờ tùy thân đến trụ sở của Công an Đà Nẵng trước 16 giờ ngày 4-10 để công an có căn cứ lập hồ sơ báo án nhằm có được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng.

"Biết chắc đối tượng đang lừa đảo, tôi cứng giọng, nói thẳng khi nào nhận được thư mời của cơ quan công an, tòa án hoặc Agribank chi nhánh Đà Nẵng thì mới hợp tác, còn không thì thôi. Vậy là tay trung úy này bối rối, giải thích lòng vòng về việc gửi thư mời làm việc rồi cúp máy" – PV A.Th. kể lại.

Dù biết những đối tượng kia lừa đảo nhưng anh A.Th. vẫn nhờ lãnh đạo Agribank xác nhận lại những thông tin mà Thành và Đạt đã nói thì là tất cả đều không có thật.

Không phải ai cũng tỉnh táo để cảnh giác

Tuy vậy, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để tránh được những chiêu thức tinh vi của đối tượng lừa đảo như PV A.Th., không ít người dân vẫn sập bẫy, bị mất hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Cụ thể, mới đây nhất, bà N.V.Q (46 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) bị mất tới 11 tỉ đồng trong 2 tài khoản ngân hàng. Bà Q. trình báo với công an rằng khi đang làm việc ở công ty bà nhận được 1 cuộc điện thoại số lạ. Đầu dây bên kia tự xưng là nhân viên của một ngân hàng có chi nhánh ở quận Đống Đa, Hà Nội.

Người này thông báo bà Q. có liên quan đến vụ việc "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" ngân hàng số tiền 36 triệu đồng, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, rồi chuyển điện thoại để bà Q. nói chuyện với cơ quan điều tra. Khi đó, một người đàn ông tự xưng là công an yêu cầu bà Q. cung cấp số tài khoản ngân hàng, mật khẩu để phục vụ công tác điều tra. Do nghĩ rằng không ảnh hưởng đến số tiền trong tài khoản nên bà Q. đồng ý cung cấp 2 tài khoản ở ngân hàng cùng với mật khẩu. Ngay sau đó, bà Q. kiểm tra tài khoản tại ngân hàng thì phát hiện mất 11 tỉ đồng.

Tương tự, bà Huỳnh Kim Chi (ngụ tỉnh Long An) nhận được điện thoại từ một người phụ nữ tự xưng là công an của tỉnh Lào Cai vừa bắt được 4 đối tượng ăn cắp tài khoản ngân hàng; đồng thời, nhóm đối tượng còn mở tài khoản ngân hàng đứng tên Huỳnh Kim Chi với số tiền 3 tỉ đồng. Người phụ nữ này thông báo bà Chi có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy rồi cúp máy.

Tiếp đến, một người đàn ông tự xưng Thượng tá công an điện thoại cho bà Chi đề nghị hợp tác điều tra, giữ bí mật không được tiết lộ cho người khác biết. Người này còn đưa ra số tài khoản yêu cầu bà Chi chuyển vào tài khoản này 55 triệu đồng để làm tin, nếu không, bà sẽ bị bắt giam và người thân sẽ gặp nguy hiểm.

Tin lời, bà Chi nộp tiền vào số tài khoản ngân hàng nói trên. Sau đó bà gọi lại cho thượng tá công an kia thì không liên lạc được. Lúc này, bà Chi mới sực tỉnh và đến trình báo cơ quan điều tra.

Sau hàng loạt vụ việc lừa đảo đã xảy ra, cơ quan công an các địa phương cũng như nhiều ngân hàng thương mại đều phát đi hàng loạt cảnh báo để người dân, khách hàng chủ động phòng tránh. Mới đây, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm là sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao, gọi qua internet, sử dụng các phần mềm giả số điện thoại của cơ quan pháp luật, cán bộ ngân hàng… để gọi điện và đưa ra nhiều lý do khác nhau đe dọa nạn nhân (như đang thiếu nợ tiền ngân hàng, liên quan đến hoạt động rửa tiền, mua bán ma túy…).

Sau đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định hoặc tài khoản đứng tên người bị hại (nhưng số điện thoại đăng ký theo tài khoản là do đối tượng cung cấp). Nhóm tội phạm này thường hoạt động có tổ chức, quy mô lớn, có tính chất quốc tế và thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động, đặt hệ thống tổng đài ở nước ngoài. Khi người bị hại chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định, tiền được chúng tiếp tục chuyển đến tài khoản khác nhau, gây khó khăn cho công an điều tra.

Agribank cũng khuyến cáo khách hàng khi có nghi ngờ về hành vi lừa đảo gian lận cần liên hệ, phối hợp cùng ngân hàng kịp thời xử lý, ngăn chặn. Các thủ đoạn lừa đảo thường gặp là đối tượng giả mạo cơ quan điều tra thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu người dân chuyển tiền để phục vụ điều tra; giả danh điều tra viên, cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện, gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập để khởi kiện khách hàng do sử dụng thẻ tín dụng nhưng chưa trả nợ… 

Lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng nói gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Trần Mưu – Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, khẳng định: Tôi là Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng, khẳng định không có chuyện cơ quan Công an hay cán bộ điều tra tống đạt quyết định hoặc làm việc qua điện thoại như trong đoạn băng ghi âm thể hiện. Đó là một hình thức lừa đảo của băng nhóm tội phạm công nghệ cao. Thủ thuật của băng nhóm này là tự xưng cán bộ Công an của các tỉnh thành lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM để lừa người dân. Dù cơ quan Công an đã ra sức tuyên truyền nhưng vẫn có nhiều nạn nhân bị lừa, mất cả tiền tỉ.

Theo đại tá Trần Mưu, cách đây vài ngày, Công an TP Đà Nẵng nhận được đơn của một nam nhân viên ngân hàng bị lừa đảo cùng với hình thức như trên. Người này đã chuyển vào số tài khoản của bọn lừa đảo số tiền 500 triệu đồng. "Đọc đơn mà tôi cảm thấy tức, không biết bằng cách nào mà những kẻ lừa đảo lại có thể khiến cho các nạn nhân chuyển một lúc số tiền lớn như thế. Công an TP Đà Nẵng cũng đang thụ lý một vụ việc mà nạn nhân sập bẫy mất số tiền lên đến 12 tỉ đồng.

Người dân nên cảnh giác với tất cả các hình thức thông báo tội phạm qua điện thoại, tin nhắn hay email để tránh bị lừa đảo, mất tiền oan. Nếu nhận được cuộc gọi mạo danh thì đến ngay cơ quan Công an gần nhất để trình báo" – Đại tá Mưu khuyến cáo.

Bích Vân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo