xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khôi phục sen trắng cung đình Huế

Phi Tân - Xuân Đạt

Không chỉ làm ra những sản phẩm đặc sắc, có giá trị cao, chị Diệu Huyền còn góp phần làm đẹp diện mạo của thành phố du lịch nổi tiếng bằng những hồ sen trắng đan xen giữa lòng xứ Huế mộng mơ

Xứ Huế vốn nổi tiếng với hình ảnh hoa sen trắng cung đình nhưng vì nhiều lý do, loại sen thanh cao này dần mất đi. Mới đây, người góp phần gìn giữ, lan tỏa giống sen trắng ấy là chị Phạm Thị Diệu Huyền (SN 1985; trú phường Thuận Thành, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Khởi nghiệp từ sen trắng

Từ lâu, Huế là thành phố du lịch gắn với quà tặng và đặc sản. Thế nhưng, các sản phẩm truyền thống đang dần mất đi, thay vào đó là những sản phẩm mới, mang tính hiện đại, rất khác biệt và có phần xa lạ với mảnh đất thần kinh.

Chính vì những lý do đó, chị Diệu Huyền muốn khởi nghiệp với đặc sản của kinh thành Huế là sen trắng. Ý tưởng này còn xuất phát từ sự yêu thích đặc biệt của chị đối với loài sen trắng cung đình mà hiện được trồng quá ít, có nguy cơ mai một.

"Đối với Huyền và những người con xứ Huế, giá trị tinh thần mà sen mang lại quý giá hơn tất cả. Sau khi từ TP HCM về lại Huế, Huyền đặc biệt thích sen trắng cổ của Huế, từ hạt cho đến hoa. Khát vọng lớn nhất của Huyền khi phục hồi, bảo tồn giống sen trắng tại Hộ Thành Hào hay ở quanh các lăng tẩm là tái tạo cảnh quan, lưu giữ nét đẹp tinh hoa vốn quý của cung đình Huế từ ngàn xưa" - chị bày tỏ.

Chị Diệu Huyền cùng chồng lập tức bắt tay vào việc tìm hiểu, nghiên cứu cách thức trồng sen trắng; tìm hết các tư liệu về cách trồng, cách thức chăm bón cũng như những khó khăn khi gieo trồng. Tiếp đến, chị gặp những nông dân trồng sen lâu năm và các nghệ nhân chơi sen để học tập, kết hợp trong việc tìm giống, nuôi trồng và chăm sóc.

"Sau khi nghiên cứu thành công, mình xin giống từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để trồng, nhân rộng ra các hào nước mà lâu nay bèo chiếm hết" - chị nhớ lại.

Thấy chị Diệu Huyền là người tâm huyết với sen nên Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tạo điều kiện để chị trồng sen trong khuôn viên các lăng tẩm, trong thành hào từ giữa cửa Nhà Đồ đến cầu Dã Viên.

Chị Diệu Huyền cho biết ngoài khuôn viên các di tích lịch sử, chị còn thuê thêm hồ của người dân để trồng sen. Việc dọn hồ, làm sạch mặt hồ tốn nhiều công sức nhất, phải mất 6 tháng để nạo vét, đưa nước sạch vào, loại bỏ mọi nguồn ô nhiễm. Công đoạn này ban đầu gặp nhiều trở ngại và nguồn vốn bỏ ra tương đối lớn. Thế nhưng, nhờ sự yêu thích mãnh liệt với sen, chị đã hoàn thành khối công việc đồ sộ này để bước vào giai đoạn trồng sen trắng.

Khôi phục sen trắng cung đình Huế - Ảnh 1.

Chị Diệu Huyền bên hồ sen trắng của mình

Khôi phục sen trắng cung đình Huế - Ảnh 2.

Trà ướp bằng sen trắng tạo nên hương vị đặc trưng

Khôi phục sen trắng cung đình Huế - Ảnh 3.

Sen trắng đang được trồng nhân rộng tại Huế (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Mong muốn bảo tồn và phát triển giống sen Huế

Không chỉ làm ra những sản phẩm đặc sắc từ sen trắng, chị Diệu Huyền còn góp phần làm đẹp thêm diện mạo của thành phố du lịch nổi tiếng này với những hồ sen trắng đan xen giữa lòng xứ Huế mộng mơ.

"Sen trắng cho năng suất thấp, phải thuê hồ để trồng, chi phí nạo vét hồ cũng tốn rất nhiều tiền vì diện tích lên đến mấy hecta. Trồng rồi chưa chắc sen nở hoa, rất nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc để hoa sen nở như hiện nay" - chị Diệu Huyền nói về những khó khăn khi mới bắt đầu gieo trồng giống sen này.

Theo chị Diệu Huyền, sen trắng tuy cho năng suất thấp so với sen hồng nhưng bù lại, nó có sắc, hương và hàm lượng dinh dưỡng cao. Chị dành nhiều thời gian nghiên cứu sách về hoàng cung cũng như tham vấn ý kiến từ các chuyên gia để thử nhiều công thức pha chế trà hoa sen sấy lạnh, trà hoa sen ướp, trà tâm sen, trà lá sen… cũng như hoa sen trắng tươi cho những ai muốn thưởng thức hoa.

"Khi khôi phục hoa sen cung đình này, mình muốn nó không chỉ có một mùa mà phải được bốn mùa và đã áp dụng công nghệ sấy lạnh để lưu giữ hoa lâu hơn" - chị cho biết.

Sau thời gian dài nghiên cứu, thực nghiệm, mới đây, chị Diệu Huyền đã có thêm một sản phẩm mới - "Tranh lá sen decor". Đó là những bức tranh được làm từ lá sen, ép khung, tạo nên những phôi tranh đa dạng, đặc sắc.

Chị Diệu Huyền rất hào hứng với sản phẩm mới này: "Theo quan niệm phong thủy từ xa xưa, sen trang trí sẽ mang đến cho ngôi nhà nguồn sinh khí tốt, sự ấm cúng và bảo vệ hạnh phúc gia đình viên mãn. Dù chỉ là quan niệm nhưng không thể phủ nhận hình ảnh những bức tranh sen sẽ mang đến cảm giác nhẹ nhàng. Nội tâm lành mạnh sẽ tạo nên những hành động tích cực, góp phần mang lại cuộc sống như ý hơn cho mọi người, mọi nhà".

Chị Diệu Huyền khẳng định mình trồng sen trắng không chỉ với mục đích kinh tế mà còn mong muốn bảo tồn và phát triển giống cây này, giúp Huế lưu giữ những sản vật cổ không bị thất truyền. Hơn thế nữa, chị mong muốn đưa sản vật sen Huế đến mọi miền và ra cả thế giới để mọi người được thưởng thức, chiêm ngưỡng. 

Loại hoa sen đặc trưng đất cố đô

Theo sử sách, dưới thời nhà Nguyễn (1802-1945), ao hồ trong các cung điện, đền đài, lăng tẩm của vua chúa thường chỉ trồng sen trắng - giống sen có hoa thơm, hạt ngon. Với ý nghĩa thanh cao, tinh khiết, sen trắng được chọn trồng ở hồ Thái Dịch, dụng ý là nâng đỡ những bước chân thiên tử khi đi qua cầu Trung Đạo - lối đi ngày xưa chỉ dành riêng cho nhà vua.

Về sự khác biệt của sen trắng cung đình với những giống sen ở nơi khác, chị Phạm Thị Diệu Huyền cho hay: "Sen có nhiều giống, có loại lấy hạt, loại lấy củ, loại lấy hoa... nhưng sen trắng cánh kép thì có mùi thơm nhẹ. Đặc biệt, sen này trồng ở Huế thì có hương thơm rất đặc trưng".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo