xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhận quản lý rừng, để mất 1.248 ha

Cao Nguyên - Hoàng Thanh

13 chủ dự án nông, lâm nghiệp được giao quản lý đất rừng ở Đắk Nông nhưng đã để gần 1.200 ha rừng bị đốn hạ, gây thiệt hại hơn 138 tỉ đồng

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Nông, cho biết sở này vừa có báo cáo và đang chờ văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông về hướng xử lý các doanh nghiệp (DN) để mất rừng.

Giao đâu mất đó

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, sở đã tổ chức rà soát cụ thể diện tích rừng bị phá, tính toán giá trị thiệt hại đối với diện tích 3.834 ha. Trong đó đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu 13 chủ dự án nông, lâm nghiệp bồi thường thiệt hại về rừng vào ngân sách nhà nước với tổng diện tích 1.248 ha, tương ứng số tiền phải bồi thường hơn 138 tỉ đồng (bao gồm giá trị lâm sản và giá trị về môi trường).

Trong số những DN để mất rừng, diện tích rừng bị mất nhiều nhất thuộc về Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Vĩnh An. Năm 2005, công ty này được giao hơn 1.400 ha rừng, đất rừng tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông để trồng cao su, trồng rừng và khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, sau 15 năm, công ty này để mất hơn 580 ha rừng. Theo tính toán của cơ quan chức năng, tổng giá trị thiệt hại về lâm sản và môi trường của diện tích rừng này là hơn 53 tỉ đồng.

Nhận quản lý rừng, để mất 1.248 ha - Ảnh 1.

Hàng ngàn hecta rừng giao cho các doanh nghiệp ở Đắk Nông bị tàn phá.Ảnh: CAO NGUYÊN

Những DN để mất rừng quy mô lớn từ 50 ha trở lên còn có: Công ty TNHH TMĐT Long Sơn, mất 186 ha, thiệt hại hơn 36 tỉ đồng; Công ty CP Thiên Sơn mất 123 ha, thiệt hại 25 tỉ đồng; DNTN Phạm Quốc, mất 137 ha, thiệt hại 9,5 tỉ đồng; Công TNHH TM Đỉnh Nghệ, mất 51 ha, thiệt hại hơn 6 tỉ đồng...

Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết dù gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng đến nay, mới chỉ có 3 đơn vị bồi thường, gồm: Công ty TNHH Giống cây trồng Công Long, bồi thường 334 triệu đồng; Công ty CP Thủy điện Á Đông bồi thường 188 triệu đồng; Bộ Tư lệnh Quân khu 5 bồi thường 45 triệu đồng.

Giải thích vì sao không bồi thường khi để mất rừng, một lãnh đạo Công ty TNHH TM Đỉnh Nghệ cho rằng DN không đồng ý với cách tính toán, xác định diện tích, giá trị thiệt hại của cơ quan chức năng. "Doanh nghiệp không có quyền xử lý, bắt giữ đối tượng phá rừng nên mỗi khi phát hiện rừng bị phá, chúng tôi đều thông báo đầy đủ cho cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý. Không biết họ lấy số liệu đó ở đâu ra. Chúng tôi cũng đã trả lại dự án cho chính quyền và không chấp nhận khoản tiền bồi thường mà cơ quan chức năng quy kết" - vị này nói.

Hậu quả của quản lý yếu kém

Tại tỉnh Gia Lai, mới đây, ngày 4-4, xảy ra vụ cháy rừng tại tiểu khu 296 (xã Ia Khai, huyện Ia Grai), thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai. Vụ cháy này làm 17 ha rừng bị thiêu rụi nhưng đơn vị này giấu nhẹm, mãi 10 ngày sau, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai mới biết.

Trên cơ sở báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, ngày 20-4, ông Đào Lân Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, ký văn bản chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan. Lãnh đạo huyện này cũng yêu cầu rà soát diện tích rừng, đất rừng trên địa bàn giao cho các DN thực hiện trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ; đồng thời xây dựng kế hoạch trồng lại diện tích rừng bị cháy trong mùa mưa năm 2020.

Vụ cháy rừng này cũng như việc để mất hàng ngàn hecta rừng ở Đắk Nông cho thấy công tác quản lý rừng còn nhiều bất cập, yếu kém. Trên thực tế, những năm trước đây, các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt giao rừng, đất trồng rừng cho DN thực hiện dự án nhưng hầu hết các dự án không có hiệu quả, trong khi diện tích rừng bị tàn phá ngày càng mở rộng.

Những bất cập xuất phát từ việc hồ sơ pháp lý của các dự án liên quan giao, cho thuê rừng không thực hiện đầy đủ theo quy định, dẫn tới việc xác định trách nhiệm của chủ dự án khi để mất rừng gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, diện tích rừng bị phá lớn, diễn ra trong thời gian dài nhưng không được lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Riêng ở tỉnh Đắk Nông, Sở NN-PTNT tỉnh này thừa nhận có một số dự án bị UBND tỉnh thu hồi để giao đơn vị khác nhưng không liên lạc được với chủ cũ để đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan và phối hợp rà soát diện tích rừng bị phá. Ngoài ra, một số dự án khi triển khai không đánh giá chi tiết hiện trạng rừng ban đầu, dẫn tới không có cơ sở để xác định trữ lượng rừng, tính giá trị thiệt hại. 

Sẽ khởi kiện nếu không bồi thường

Trước việc DN chây ì bồi thường do để mất rừng, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông nêu rõ quan điểm phải cương quyết xử lý.

Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông 2 phương án: Một là bồi thường đúng, đủ giá trị lâm sản và giá trị về môi trường đối với diện tích rừng bị phá; hai là yêu cầu DN phải tổ chức trồng bù lại rừng (loài cây bản địa), sau khi hoàn thành thì bàn giao cho nhà nước. Trong trường hợp DN cố tình không bồi thường thiệt hại rừng thì sẽ khởi kiện ra tòa.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo